Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, từ năm 2014 tới hết 2015, phải hoàn thành sắp xếp 479 DNNN, trong đó cổ phần hóa 432 doanh nghiệp; bán, giao, giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 25 doanh nghiệp.
Tính đến 25/12, cả nước đã sắp xếp 167 doanh nghiệp (gấp 1,6 lần năm 2013), trong đó cổ phần hóa 143 doanh nghiệp (gấp 2 lần). Đặc biệt sau khi rà soát, bổ sung danh mục DN phải cổ phần hóa theo tiêu chí phân loại DNNN mới được ban hành thì số DN phải cổ phần hóa, thoái vốn tới thời điểm này tăng thêm 100, ở mức 532 DN.
Theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2014 có 76 DN bán đấu giá cổ phần trên Sở Giao dịch chứng khoán, trong đó 64 DN đã thu tiền bán cổ phần với 49% số cổ phần được bán theo kế hoạch, thu về 5.115 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch. Giá đấu thành công bình quân là 13.492 đồng/cổ phần, giá đấu bình quân cao nhất là 44.693 đồng/cổ phần (của Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn). Thặng dư số thu khi bán cổ phần của các DNNN là 1.324 tỷ đồng.
Trong số 64 doanh nghiệp này, có 25 doanh nghiệp bán hết 100% số cổ phần chào bán. Chỉ có Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Hà Nội dự kiến bán 68% vốn điều lệ nhưng không bán được cổ phần nào.
Ông Phạm Viết Muôn đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế trong nước còn khó khăn, Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tể vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sức mua giảm, thị trường chứng khoán phục hồi chậm thì kết quả sắp xếp, cổ phần hóa như trên là nỗ lực, cố gắng rất lớn. Các bộ, ngành, địa phương và một số DNNN đã tích cực chỉ đạo, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, sáng tạo phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Phạm Viết Muôn cho biết vẫn còn một số bộ, ngành địa phương đã triển khai nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả như các Bộ: Quốc phòng, Y tế, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường cùng Tổng Công ty Xi măng và 33 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách chưa được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời, số doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa đạt kế hoạch đề ra.
Về công tác thoái vốn, tới 25/12/2014, các DNNN đã thoái 6.076 tỷđồng theo giá trị sổ sách tại 233 doanh nghiệp, thu về 8.002 tỷ đồng (bằng 1,3 lần mệnh giá, tức là bán 1 đồng vốn nhà nước thì lãi 1,3 đồng). Các lĩnh vực mà DNNN thoái vốn đều có lãi so với giá trị sổ sách như thoái vốn trong lĩnh vực tài chính lãi 120%, ngân hàng: lãi 111%, bất động sản: lãi 115%, bảo hiểm: lãi 109%, bán vốn Nhà nước tại DN: lãi 150%. Riêng thoái vốn trong lĩnh vực chứng khoán thì không có lãi, chỉ đạt 98% giá trị sổ sách.
Các DN có kết quả thoái vốn cao là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (thu về 1.732 tỷđồng), Tập đoàn Cao su (thu về 523 tỷđồng), Tập đoàn Hóa chất (245 tỷ đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (thu về 151 tỷ đồng). Riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã bán hết vốn nhà nước tại 66 doanh nghiệp, thu về 2.017 tỷ đồng. Ngoài ra tại các địa phương, công tác thoái vốn cũng thu về hàng tỷ đồng vốn Nhà nước.
Theo ông Phạm Viết Muôn, để đạt mục tiêu cổ phần hóa tổng số 532 doanh nghiệp theo kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực rất lớn trong năm 2015. Ban chỉ đạo phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Ban chỉđạo cũng đề ra thời hạn tiến hành các bước cổ phần hóa với các DNNN chưa thực hiện nhiệm vụ, để đảm bảo được phê duyệt phương án cổ phần hóa chậm nhất là Quý IV/2015. Từ nay, những doanh nghiệp có đủ điêu kiện bán cổ phần lần đầu (IPO) thực hiện theo quy định hiện hành, nếu chưa đủ điều kiện phải chuyển thành công ty cổ phần với cổ đông là Nhà nước, SCIC, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có) hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý doanh nghiệp, đa dạng hóa chủ sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hàng hóa sẵn sàng cho thị trường.
Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung danh mục công ty Nhà nước cần cổ phần hóa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2015