Về cuối phiên giao dịch, mặc dù một vài cổ phiếu lớn trên thị trường như MSN, KDC, VIC… đã tăng giá trở lại, tuy nhiên, áp lực bán của các cổ phiếu lớn khác trên thị trường là quá mạnh đã khiến đà giảm của hai chỉ số duy trì ở mức cao.
Đáng chú ý, hai nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đợt bán mạnh trong phiên hôm nay là ngân hàng và dầu khí. Đáng chú ý, các cổ phiếu ngân hàng như BID, STB, VCB, CTG… đều sụt giảm rất mạnh trong phiên hôm nay. Cụ thể, BID giảm 900 đồng xuống 20.400 đồng/CP. STB để mất 700 đồng xuống 11.000 đồng/CP, có thời điểm trong phiên giao dịch, STB đã bị kéo xuống mức giá sàn. Tương tự, VCB cũng giảm 1.400 đồng xuống 42.900 đồng/CP.
Trong khi đó, GAS dẫn đầu cho những diễn biến tiêu cực ở nhóm dầu khí. Khép phiên giao dịch, GAS để mất 1.700 đồng xuống 41.200 đồng/CP. PVD, PVS và PGS cũng đều có mức giảm trên 2%.
Ngoài ra, sắc đỏ trên thị trường còn lan rộng tới nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao như FLC, ITA, NVT, SCR, KLF… và tương tự như các phiên trước, nhóm cổ phiếu này tiếp tục hút dòng tiền khá mạnh.
FLC phiên hôm nay giảm 300 đồng xuống 8.000 đồng/CP và khớp lệnh tới hơn 19,5 triệu đơn vị. KLF giảm 300 đồng xuống 4.700 đồng/CP và cũng khớp lệnh được hơn 5 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, ngay sau khi diễn ra cuộc họp ĐHĐCĐ, cổ phiếu OGC đã bị kéo xuống mức giá sàn, với khối lượng khớp lệnh đạthơn 2,5 triệu đơn vị và lượng dư bán giá sàn hơn 3,55 triệu đơn vị.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 9,66 điểm (-1,66%) xuống còn 573,2 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 165 mã giảm và 88 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 132,9 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.108 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt hơn 372,9 tỷ đồng. Về cuối phiên giao dịch, sàn HOSE còn có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn của DLG (5 triệu cổ phiếu), GMD (1,6 triệu cổ phiếu), SAM (1,6 triệu cổ phiếu).
Tương tự, chỉ số HNX-Index chốt phiên đứng ở mức 80,61 điểm, tức giảm 0,88 điểm (-1,07%). Toàn sàn có 62 mã tăng, 149 mã giảm và 161 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 50 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 541 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận la hơn 144 tỷ đồng. Bên cạnh LAS, sàn HNX còn có thỏa thuận của SHB (2,42 triệu cổ phiếu) và SDJ (1,44 triệu cổ phiếu).
Tưởng chừng như thị trường sẽ có phần giao dịch khởi sắc hơn khi nhiều cổ phiếu lớn dần dần lấy lại được sắc xanh ở cuối phiên sáng. Tuy nhiên, ngay trong khoảng thời gian đầu của phiên chiều, lực bán đã tăng rất mạnh nhất là ở nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng đã khiến thị trường lao dốc. Lúc 13:45, chỉ số VN-Index đang để mất tới gần 10 điểm.
Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, BID, CTG... đều đang giảm giá rất mạnh. BID giảm 900 đồng xuống 20.400 đồng/CP.VCB giảm 700 đồng xuống 43.600 đồng/CP. STB giảm 700 đồng xuống 11.000 đồng/CP.
Không dừng ở đó, các cổ phiếu dầu khí cũng đang chịu áp lực bán mạnh các mã như GAS, PVD, PVS, PGS... đều lao dốc. GAS giảm mạnh 1.500 đồng xuống 41.400 đồng/CP.
Mã OGC đã bị bán xuống mức giá sàn và khớp lệnh hơn 2,4 triệu đơn vị, trong khi vẫn còn dư bán giá sàn hơn 3,6 triệu đơn vị. Sáng ngày 30/11/2015, CTCP Tập đoàn Đại Dương (mã OGC-HoSE) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần thứ ba.
Về cuối phiên sáng, áp lực bán có phần yếu đi, tuy nhiên, các cổ phiếu dầu khí và ngân hàng vẫn giảm khá sâu và khiến cả hai chỉ số tiếp tục chìm trong sắc đỏ, đáng chú ý, chỉ số VN-Index đã để mất mốc 580 điểm.
Phiên sáng nay, các cổ phiếu ngân hàng nhưu VCB, BID, CTG… đều đồng loạt giảm. Trong đó, BID giảm mạnh 800 đồng xuống 20.500 đồng/CP. CTG giảm 200 đồng xuống 18.900 đồng/CP. VCB giảm 700 đồng xuống 43.600 đồng/CP.
Bên cạnh đó, với những diễn biến bất ổn từ giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí là GAS, PVD, PVS, PGS, PVC… cũng đều chìm trong sắc đỏ. GAS giảm 600 đồng xuống 42.300 đồng/CP. PVD giảm 500 đồng xuống 31.700 đồng/CP.
Chiều ngược lại, một vài cổ phiếu lớn khác trên thị trường như VNM, MSN, KDC, ACB… đã lấy lại được sắc xanh và đang tạo ra lực đỡ nhất định cho hai chỉ số. Khép phiên sáng, VNM tăng 1.000 đồng lên 125.000 đồng/CP KDC tăng 200 đồng lên 26.100 đồng/CP.
Ngoài ra, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như HAR, ITA, KBC, HUT… cũng đã đảo chiều nhích lên trên mốc tham chiếu.
Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng nay diễn ra tương đối ảm đạm, tổng giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HNX đạt hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận là hơn 300 tỷ đồng.
Dòng tiền trong phiên sáng nay đa phần vẫn chỉ tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ như FLC, HAG, FIT, PVX, KLF…
Trong đó, FLC giảm 100 đồng xuống 8.200 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 9 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, vị trí số 1 về khối lượng khớp lệnh thuộc về KLF, đạt hơn 2,6 triệu đơn vị. Khép phiên sáng, KLF giảm 100 đồng xuống 4.900 đồng/CP.
Về giao dịch thỏa thuận, LAS phiên sáng đứng giá tham chiếu và có thỏa thuận tới 3 triệu cổ phiếu, trị giá 96 tỷ đồng. MSN thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu, trị giá 70 tỷ đồng. Các cổ phiếu cũng có giao dịch thỏa thuận lớn gồm FLC (1,07 triệu cổ phiếu), HAG (2,4 triệu cổ phiếu), MBB (1,91 triệu cổ phiếu), PET (1,77 triệu cổ phiếu).
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 3,16 điểm (-0,54%) xuống còn 579,7 điểm. Toàn sàn có 63 mã tăng, 137 mã giảm và 109 mã đứng giá.
Tương tự, chỉ số HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,27%) xuống 81,27 điểm. Toàn sàn có 49 mã tăng, 112 mã giảm và 211 mã đứng giá.
Tiếp nối những diễn biến tiêu cực từ tuần trước, ngay từ đầu phiên giao dịch của tuần mới, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục bị đẩy lên mức cao. Các cổ phiếu như BID, VIC, VCB, GAS, FPT, NTP… đều đồng loạt giảm giá và kéo cả hai chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu, trong đó, chỉ số VN-Index đã tuột khỏi mốc 580 điểm.
Hiện giờ, GAS đang giảm 500 đồng xuống 42.400 đồng/CP. PVD giảm 400 đồng xuống 31.800 đồng/CP. PVS giảm 100 đồng xuống 19.900 đồng/CP. Được biết, giá dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 27/11 do đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất trong 8 tháng, tạo thêm áp lực cho một thị trường hiện đang bị chi phối bởi tình trạng dư cung. Tính đến nay, giá dầu WTI và dầu Brent đều giảm khoảng 9% so với đầu tháng 11.
Bên cạnh đó, sau một vài phút lóe xanh ở đầu phiên giao dịch, VNM đã bị về mức giá tham chiếu. Hiện tại, BVH là cổ phiếu lớn hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh với mức tăng 1.000 đồng lên 56.000 đồng/CP. LAS cũng tăng 200 đồng lên 31.500 đồng/CP. Ngày 24/12/2015, LAS sẽ thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2015 bằng tiền, với tỷ lệ 15%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là 11/12/2015.
Trong khi đó, nhiều cổ phiếu bất động sản trên thị trường là FLC, ITA, KBC, NTL, NVT, SCR… cũng đều chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, FLC đang giảm 200 đồng xuống 8.100 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất thị trường, đạt hơn 3 triệu đơn vị.
Đồng EUR đang xuống thấp gần với vùng giá đáy của tháng 3 và hiện chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại. Thông tin trên được cho sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với những doanh nghiệp đang đi vay bằng đồng tiền này như BCC, NT2, HT1, BTS. Tuy nhiên, do tình hình chung của thị trường đang khá xấu nên các cổ phiếu này giao dịch cũng không được tích cực. BCC đang giảm 200 đồng xuống 14.600 đồng/CP. HT1 giảm mạnh 800 đồng xuống 25.200 đồng/CP.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang giảm 4,13 điểm (-0,71%) xuống 578,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 13,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 225 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng đang giảm 0,18 điểm (-0,22%) xuống 81,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6 triệu cổ phiếu, trị giá trên 55 tỷ đồng.
Trong bối cảnh những thông tin hỗ trợ trên thị trường vắng bóng và hầu như không có độ lan tỏa, thì những tin tức trên thị trường thế giới ở mức kém lạc quan sẽ càng đẩy mạnh tâm lý thận trọng và phòng thủ của nhà đầu tư. Theo đó, VCBS cho rằng thị trường sẽ khó có thể sớm thoát khỏi xu hướng giảm điểm. Các phiên xanh điểm trong tuần tới được VCBS xem là cơ hội để các nhà đầu tư lựa chọn vùng giá hợp lý nhằm hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. VCBS tiếp tục đưa ra khuyến nghị thận trọng, các nhà đầu tư duy trì tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục vào lúc này.