Thanh khoản suy kiệt, VN-Index mất mốc 570 điểm

Thanh khoản suy kiệt, VN-Index mất mốc 570 điểm

(NDH) Các cổ phiếu lớn trên thị trường như BID, BVH, CTG, VNM, VIC, MSN, NTP… đều đồng loạt giảm giá và đẩy chỉ số VN-Index và HNX-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Về cuối phiên sáng, hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều đã chìm trong sắc đỏ và khiến đà giảm của hai chỉ số bị nới rộng đáng kể, trong đó, chỉ số VN-Index đã để tuột mất mốc 570 điểm.

Cụ thể, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, MBB, BID, CTG và ACB đều đồng loạt giảm giá. Khép phiên sáng, BID giảm 300 đồng xuống 21.000 đồng/CP. VCB giảm 400 đồng xuống 42.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, VNM giảm 1.000 đồng xuống 122.000 đồng/CP. BVH giảm 500 đồng xuống 49.500 đồng/CP.

Đáng chú ý, mặc dù có phản ứng tích cực vào đầu phiên giao dịch nhờ sự hồi phục của giá dầu thế giới, tuy nhiên, về cuối phiên sáng, các cổ phiếu dầu khí trên thị trường đã suy yếu đi đáng kể. PVD là cổ phiếu dầu khí hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh, với mức tăng 300 đồng lên 30.500 đồng/CP. Trong khi đó, GAS, PVS và PVC đã lùi về đứng ở mức giá tham chiếu, PGS giảm 100 đồng xuống 18.100 đồng/CP.

Trên thị trường vẫn còn một vài cổ phiếu lớn duy trì được sắc xanh nhẹ gồm SSI, DPM, LAS…

Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng diễn ra rất ảm đạm, thanh khoản hai sàn duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HNX chỉ đạt hơn 800 tỷ đồng (650,6 tỷ trên HOSE và 173 tỷ trên HNX).

FLC giảm 100 đồng xuống 8.100 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 3,7 triệu đơn vị. Trên sàn HNX phiên sáng nay chỉ có 4 mã khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị là TIG, SCR KSQ và KLF.

Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 4,57 điểm (-0,8%) xuống còn 569,81 điểm. Toàn sàn có 39 mã tăng, 153 mã giảm và 117 mã đứng giá. Tương tự, chỉ số hNX-Index cũng giảm 0,36 điểm (-0,45%) xuống 79,72 điểm. Toàn sàn có 46 mã tăng, 113 mã giảm và 214 mã đứng giá.


Thị trường trước khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần đón nhận một số thông tin bên lề như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) ngày 3/12 đã tiếp tục hạ lãi suất và đưa ra các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Châu Âu. Tuy nhiên, chương trình kích thích không mạnh tay như hy vọng của giới đầu tư, khiến thị trường cổ phiếu bị bán mạnh. Trong cuộc họp này, ECB đã quyết định giảm cái gọi là lãi suất tiền gửi từ mức -0,2% xuống -0,3%.

Chứng khoán tại Châu Âu giảm mạnh trong phiên ngày 3/12 khi nhà đầu tư cảm thấy thất vọng về các biện pháp do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố sau cuộc họp chính sách trong ngày.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 1/2015 tăng 1,14 USD, hay 2,9%, lên 41,08 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 1/2016 tăng 1,35 USD, tương đương 3,2%, lên 43,84 USD/thùng.

Bước vào phiên giao dịch mới, hàng loạt các cổ phiếu lớn trên thị trường nhưu BID, BVH, CTG, VNM, VIC, MSN, NTP… đều đồng loạt giảm giá và đẩy chỉ số VN-Index và HNX-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, BID giảm 300 đồng xuống 21.000 đồng/CP. VNM giảm 1.000 đồng xuống 122.000 đồng/CP.

Chiều ngược lại, thị trường vẫn còn ghi nhận sắc xanh đến từ các cổ phiếu như GAS, DPM, SSI, PVD, PVS… Trong đó, GAS tăng 300 đồng lên 40.600 đồng/CP nhờ sự hồi phục trở lại của giá dầu thế giới, tương tự, PVS cũng tăng 100 đồng lên 19.200 đồng/CP.

Đáng chú ý, DPM tăng 800 đồng lên 31.800 đồng/CP. Ngay từ đầu phiên giao dịch, DPM đã bất ngờ được khối ngoại mua vào tới hơn 152 nghìn đơn vị trên tổng khối lượng khớp lệnh hiện giờ là hơn 185 nghìn đơn vị, điều này đã giúp DPM có một khoảng thời gian ngắn chạm mức giá trần.

Giao dịch trên thị trường đang diễn ra rất ảm đạm, thanh khoản hai sàn duy trì ở mức rất thấp. FLC đang là cổ phiếu duy nhất khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.

Sau khoảng 45 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,93 điểm (-0,34%) xuống 572,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 170 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm đứng ở mức 79,85 điểm, tức giảm 0,22 điểm (-0,28%). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,4 triệu cổ phiếu, trị giá 60 tỷ đồng.

VCBS vẫn chưa quan sát thấy bất kỳ tín hiệu đảo chiều nào của chỉ số. Trong bối cảnh (1) rủi ro ngày một hiện hữu rõ nét, (2) chuỗi bán ròng của khối ngoại vẫn chưa chấm dứt và (3) thông tin hỗ trợ vắng bóng, sự thận trọng tiếp tục được khuyến nghị, việc ưu tiên nắm giữ tiền mặt được nhìn nhận là phương án tối ưu vào lúc này, không những hạn chế được rủi ro mà còn tạo được vị thế chủ động hơn trước những diễn biến của thị trường.