Phiên giao dịch hôm nay, thanh khoản trên thị trường tiếp tục sụt giảm so với các phiên trước đó, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 2.100 tỷ đồng.
Dòng tiền phiên hôm nay đa phần tập trung ở các cổ phiếu quen thuộc như FLC, OGC, SCR, KLF… Đáng chú ý nhất phải kể đến là mã OGC, cổ phiếu này đã có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 7,2 triệu đơn vị. Trong khi đó, FLC tăng nhẹ 100 đồng lên 9.100 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE đạt hơn 9 triệu đơn vị. Trong khi đó, SCR tăng 200 đồng lên 5.500 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 5,5 triệu đơn vị.
Về mặt điểm số, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index phiên hôm nay đã tăng điểm trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp. Dòng cổ phiếu chứng khoán tỏ ra nổi trội nhất trong phiên hôm này nhờ những thông tin tích cực liên quan đến dự thảo lần thứ 4 Thông tư Hướng dẫn về giao dịch chứng khoán thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC. Khép phiên giao dịch, các mã như SSI, AGR, VND, BVS, KLS… đã đồng loạt tăng giá. Trong đó, SSI tăng 500 đồng lên 23.800 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,3 triệu đơn vị, mã AGR đã được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh gần 1,6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu lớn khác như BVH, VCB, KDC, ACB, PGS… cũng đã đồng loạt tăng giá và giúp duy trì vững sắc xanh của hai chỉ số.
Hết thời gian giao, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 580,35 điểm, tăng 1,48 điểm (0,26%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 98 triệu đơn vị, trị giá 1.559,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 118 mã tăng, 102 mã giảm và 83 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 87,09 điểm, tăng 0,61 điểm (0,70%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 48,78 triệu đơn vị, trị giá 591,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 96 mã tăng, 93 mã giảm và 172 mã đứng giá.
Hai cổ phiếu tiếp tục thu hút sự chú ý là KSS và JVC vẫn tiếp tục giảm kịch sàn và có dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị.
Mã SSI được khối ngoại mua vào nhiều nhất với 1.035.250 đơn vị (chiếm 23,9% tổng khối lượng giao dịch). Các mã tiếp theo là ITA (983.720 đơn vị), FLC (890.560 đơn vị), STB (762.930 đơn vị), HQC (610.630 đơn vị).
Sau khi để mất mốc 580 điểm ở phiên hôm qua, tới phiên sáng nay, nhiều cổ phiếu lớn đã tăng giá trở lại và giúp chỉ số VN-Index lấy lại mốc điểm này.
Về cuối phiên sáng, nhiều cổ phiếu dòng ngân hàng như VCB, BID, ACB, SHB… đã đồng loạt tăng giá trở lại. Trong đó, VCB tăng mạnh 800 đồng lên 45.200 đồng/CP. ACB tăng 500 đồng lên 21.700 đồng/CP. Đáng chú ý, sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, MBB đã điều chỉnh giảm trở lại 200 đồng xuống còn 15.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu dòng dầu khí là GAS, PVS, PXS, PVC, PGS… cũng đã đồng loạt tăng giá và hỗ trợ rất lớn vào đà tăng của hai chỉ số. Khép phiên sáng, GAS tăng nhẹ 500 đồng lên 63.500 đồng/CP. PGS tăng 400 đồng lên 23.700 đồng/CP.
Một nhóm cổ phiếu lớn khác cũng gây được sự chú ý tới các nhà đầu tư ở phiên sáng nay là dòng chứng khoán. Các cổ phiếu như SSI, VND, AGR… đã tăng giá rất mạnh. Đáng chú ý, AGR đã được kéo lên mức giá trần, còn SSI tăng 600 đồng lên 23.900 đồng/CP. Các cổ phiếu dòng chứng khoán bất ngờ bứt phá được cho là nhờ thông tin tích cực liên quan đến việc có thể dự thảo lần thứ 4 Thông tư Hướng dẫn về giao dịch chứng khoán thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC có thể được áp dụng vào cuối tháng 6.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, JVC vẫn giảm kịch sàn, với dư bán giá sàn lên tới hơn 9 triệu đơn vị. Trong khi đó, OGC vẫn tăng kịch trần và khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị.
Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay bất ngờ diễn ra tương đối thận trọng, thanh khoản sụt giảm so với cùng thời điểm các phiên trước đó.
Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 581,84 điểm, tăng 2,97 điểm (0,51%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,7 triệu đơn vị, trị giá 740,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 115 mã tăng, 71 mã giảm và 117 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 87,44 điểm, tăng 0,96 điểm (1,10%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 26,7 triệu đơn vị, trị giá 332,67 tỷ đồng. Toàn sàn có 88 mã tăng, 66 mã giảm và 207 mã đứng giá.
Sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp, VCBS cho rằng việc thị trường phát đi tín hiệu điều chỉnh là không bất ngờ khi thị trường đã trải qua một quá trình tăng điểm tương đối dài trước đó. Những thông tin và kỳ vọng mang tính hỗ trợ thị trường đã được phản ánh vào mặt bằng giá hiện tại trong khi thông tin hỗ trợ mới chưa xuất hiện. Ở chiều ngược lại, một số yếu tố khác tác động xấu đến thị trường hiện hữu như (1) mặt bằng lãi suất đã có dấu hiệu tạo đáy và chịu áp lực tăng trở lại; (2) rủi ro tỷ giá ở mức đáng kể và (3) sự ấm lên của thị trường bất động sản phần nào ảnh hưởng đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Mở đầu phiên giao dịch mới, sắc xanh đã trở lại với cả hai chỉ số. Nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như BVH, SSI, VCB, GAS, ACB, PVS, PGS… đã đồng loạt tăng giá trở lại. Trong đó, nhờ thông tin liên quan đến việc trả cổ tức, BVH tiếp tục tăng 400 đồng lên 37.400 đồng/CP.
Hai cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường lúc này là GAS và VCB đang có được mức tăng khá tích cực và là nhân tố chính giúp chỉ số VN-Index nhích lên trên mốc tham chiếu. VCB đang tăng 500 đồng lên 44.900 đồng/CP. GAS tăng 1.000 đồng lên 64.000 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đang là nhân tố quan trọng đẩy chỉ số HNX-Index tăng điểm. Các mã như PVS, PVC, PGS… đã đồng loạt tăng giá. PVS đang tăng 100 đồng lên 27.500 đồng/CP. PGS tăng 200 đồng lên 23.500 đồng/CP. Bên cạnh đó, một cổ phiếu ngân hàng là ACB cũng tăng 300 đồng lên 21.500 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, OGC tiếp tục tăng kịch trần và có dư mua giá trần hơn 2,9 triệu đơn vị, với khối lượng khớp lệnh đạt trên 6,8 triệu đơn vị. Trước đó, OGC đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp.
Trong khi đó, trái ngược lại, mã JVC tiếp tục giảm kịch sàn, với dư bán giá sàn hơn 9 triệu đơn vị và đang trong hoàn cảnh đóng băn thanh khoản.
Đến 09:36, chỉ số VN-Index đứng ở mức 582,05 điểm, tăng 3,18 điểm (0,55%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,97 triệu đơn vị, trị giá 143,2 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 87,00 điểm, tăng 0,51 điểm (0,60%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 5,7 triệu đơn vị, trị giá 67,72 tỷ đồng.
Sự kiện đáng chú ý ngày 18/6/2015:
HU3: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 6,5%.
KMR: Ngày GD không hưởng quyền phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:10.
KSB: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức đợt cuối năm 2014 bằng tiền mặt (tỷ lệ 15%) và trả cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 100:30).
TDC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.