Thanh khoản 'mất hút', hai chỉ số tăng điểm nhẹ

(NDH) Thông tin rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2 từ 1/1/2016 không còn hỗ trợ quá nhiều tới tâm lý nhà đầu tư. Nhiều cổ phiếu lớn đã suy yếu đi đáng kể và khiến đà tăng của hai chỉ số bị thu hẹp.

Lực cầu về gần cuối phiên giao dịch đã yếu đi đáng kể và khiến nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường không còn duy trì được sắc xanh, hai chỉ số vì thế cũng chỉ có được mức tăng điểm nhẹ.

Trong đó, sau khi đồng loạt tăng trong khoảng thời gian khá lâu ở phiên hôm nay thì tới khi chốt phiên, các cổ phiếu lớn như BVH, SSI, VNM, PVD, MBB… đã lùi về đứng ở mức giá tham chiếu. Trong khi đó, một số mã như CTG, PVS, NTP… đã đảo chiều giảm trở lại và gây áp lực đáng kể lên hai chỉ số. Khép phiên giao dịch, CTG giảm 100 đồng xuống còn 19.600 đồng/CP. PVS giảm 200 đồng xuống 20.800 đồng/CP.

Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu lớn khác như VCB, VIC, KDC, MSN, GAS, PGS… vẫn duy trì được sắc xanh khá tốt và góp công lớn giúp duy trì sắc xanh nhẹ của hai chỉ số. Trong đó, KDC tăng 200 đồng lên 24.800 đồng/CP. GAS tăng 100 đồng lên 45.800 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mã JVC đã giảm kịch sàn. Được biết, ĐHĐCĐ của JVC đã không thể thực hiện do tỷ lệ cổ phần tham dự không đủ điều kiện cùng với đó là sự vắng mặt bất thường của lãnh đạo cũng như các thành viên HĐQT tại Đại hội. Hàng loạt cổ đông đã đưa ra ý kiến đề nghị gặp gỡ ban lãnh đạo.

Tương tự như các phiên gần đây, giao dịch trong phiên hôm nay diễn ra vẫn rất ảm đạm, tổng giá trị khớp lệnh trên cả hai sàn HOSE và HNX chỉ đạt khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, HHS bất ngờ tăng mạnh 500 đồng lên 16.500 đồng/CP và vươn lên khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 4,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, vị trí số 1 về khối lượng khớp lệnh trên sàn HNX thuộc về mã KLF, đạt gần 2 triệu đơn vị. Khép phiên giao dịch, KLFgiảm 100 đồng xuống 4.200 đồng/CP.

Về cuối phiên, giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn còn xuất hiện ở các mã như CCL (2,18 triệu cổ phiếu), FPT (2 triệu cổ phiếu), HAR (2 triệu cổ phiếu) và STG (1,7 triệu cổ phiếu), PET (1 triệu cổ phiếu).

Chốt phiên, chỉ số VN-Index tăng 1,45 điểm (0,26%) lên 562,64 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 43 mã giảm và 63 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 83,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.416 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index kết phiên sáng cũng đứng ở mức 77,97 điểm, tức tăng 0,02 điểm (0,03%). Toàn sàn có 107 mã tăng, 66 mã giảm và 195 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 30,6 triệu cổ phiếu, trị giá trên 354 tỷ đồng.


Về việc rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2, nhiều nhà đầu tư phản ánh rằng chứng chỉ quỹ từ 9h ngày T+3 về 16h30 ngày T+2 sẽ không tạo được sự khác biệt. Bởi lẽ, chứng khoán tuy về tài khoản nhà đầu tư sớm hơn nhưng lại sau giờ giao dịch chính thức. Thông tin trên đã có phần khiến đà hưng phấn của thị trường bị giảm đi đôi chút.

Mặc dù vậy, về cuối phiên sáng, các cổ phiếu trụ cột trên cả hai sàn vẫn duy trì được sắc xanh khá tốt và giúp giữ vững đà tăng nhẹ của hai chỉ số. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên sáng nay không có mã nào giảm giá. Các mã như BID, VCB, CTG, MBB… đều có được mức tăng giá nhẹ trong khoảng tưới 1,5%.

Tương tự, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVC, PGS, PVD… cũng giao dịch có phần tích cực hơn trong phiên sáng.

Tuy nhiên, mối lo hiện giờ của nhà đầu tư là việc thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức rất thấp.

Tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn HOSE và HNX phiên sáng nay chỉ đạt gần 900 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận tiếp tục đóng góp một phần tương đối. Các mã KDC, DBC và SHB đều có thỏa thuận là 1 triệu cổ phiếu. DLG thỏa thuận hơn 1,6 triệu cổ phiếu, PPI là 1,2 triệu cổ phiếu còn SAM là 1,8 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, LDG tăng 300 đồng lên 14.700 đồng/CP và có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 2 triệu đơn vị. Đáng chú ý, trong phiên sáng nay trên sàn HNX không có mã nào khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 3,95 điểm (0,7%) lên 565,14 điểm. Toàn sàn có 117 mã tăng, 62 mã giảm và 130 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 41 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 662 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index kết phiên sáng cũng đứng ở mức 78,04 điểm, tức tăng 0,1 điểm (0,13%). Toàn sàn có 95 mã tăng, 59 mã giảm và 214 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 17,4 triệu cổ phiếu, trị giá gần 212 tỷ đồng.


Trước khi bước vào phiên giao dịch mới, thị trường đón nhận các thông tin tích cực và tiêu cực đan xen nhau.

Trong phiên giao dịch ngày 29/9, các thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt mất điểm mạnh. Cổ phiếu nhóm ngành hàng hóa và công nghệ sinh học bị bán hàng loạt. Nhà đầu tư chuyển tiền từ cổ phiếu sang đồng Yên và trái phiếu chính phủ. Tuy vậy, trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 30/9, chứng khoán châu Á đã bật tăng trở lại.

Trong khi đó, giá dầu phiên 29/9 có lúc tăng 2% nhưng đà tăng chững lại vào cuối phiên sau khi số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho thấy lượng dầu lưu kho tuần qua tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 11/2015 tăng 80 cent, hay 1,8%, lên 45,23 USD/ounce. Giá dầu Brent giao tháng 11/2015 tăng 89 cent, tương đương 1,9%, lên 48,23 USD/ounce. Tuy nhiên, hiện giờ, giá dầu thế giới đã giảm mạnh trở lại.

Đáng chú ý, cuối ngày hôm qua, UBCKNN đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam xây dựng Phương án giai đoạn 1 triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán. Theo đó, chu kỳ thanh toán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư sẽ rút ngắn từ 9h ngày T+3 về 16h30 ngày T+2. Thời gian triển khai áp dụng kể từ ngày 01/01/2016. Thông tin này được cho là sẽ hỗ trợ đáng kể tới thị trường trong phiên giao dịch hôm nay.

Mở cửa phiên giao dịch mới, sắc xanh đã trở lại với hầu hết các cổ phiếu trụ cột trên thị trường. Các cổ phiếu ngân hàng như VCB, MBB, BID, CTG, ACB…đã đồng loạt tăng giá. Trong đó, BID tăng 300 đồng lên 23.800 đồng/CP. VCB tăng 500 đồng lên 43.300 đồng/CP. ACB tăng 200 đồng lên 19.600 đồng/CP.

Tương tự, nhóm cổ phiếu dầu khí là PVS, PVC, GAS, PVD, PXS… cũng đều nhích lên trên mốc tham chiếu. Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu lớn khác như SSI, BVH, KDC… cũng đang giao dịch rất tích cực.

Mã KDC đang tăng 400 đồng lên 25.000 đồng/CP. Trong các phiên giao dịch gần đây, KDC liên tục nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại. Đáng chú ý, chỉ trong 2 phiên giao dịch vừa qua, KDC đã bị bán ròng hơn 3 triệu cổ phiếu. Thông tin đang hỗ trợ cổ phiếu KDC lúc này có lẽ là việc Chủ tịch KDC tiếp tục đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu.

Mã HUT hiện giờ đang tăng nhẹ 200 đồng lên 10.900 đồng/CP. Được biết, kết luận số 229 của Thanh tra Bộ Xây dựng về công tác quản lý dự án (D.A) đầu tư xây dựng của CTCP Tasco (HUT) giai đoạn 2009 - 2014 và các D.A đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác quản lý và triển khai các D.A của công ty.

Mặc dù sắc xanh đã bao phủ tới khắp các cổ phiếu trụ cột trên thị trường, tuy nhiên, giao dịch tại sàn HOSE và HNX lúc này vẫn diễn ra không thực sự mạnh, thanh khoản hai sàn tiếp tục ở mức thấp. Sau 30 phút giao dịch vẫn chưa có bất kỳ mã nào khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Hôm nay, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (mã STK)chính thức niêm yết trên sàn HOSE với giá tham chiếu là 29.000 đồng/CP. Hiện tại, STK đang giao dịch ở mức giá 30.000 đồng/CP.

Lúc 9:30, chỉ số VN-Index tăng 4,22 điểm (0,75%) lên 565,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 116 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,51 điểm (0,65%) lên 78,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 3 triệu cổ phiếu, trị giá trên 38 tỷ đồng.

VCBS cho rằng, thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tích lũy đi ngang và nhiều khả năng có thể rơi dần vào trạng thái điều chỉnh, nếu dòng tiền không có sự cải thiện trong thời gian tới. Trong khi những thông tin trên thị trường thế giới tiếp tục bộc lộ những diễn biến khó lường và tác động xấu lên thị trường thì những tin tức tích cực trong nước được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hai chỉ số như Nghị định 60, kết quả kinh doanh Quý 3 của doanh nghiệp, TPP, … mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng. Do đó, VCBS tiếp tục duy trì khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục ở mức thấp và không vội vã giải ngân trong giai đoạn thị trường có khả năng biến động mạnh và chưa rõ xu hướng.

Sự kiện nổi bật ngày 30/9/2015

OPC: Ngày GD không hưởng quyền thực hiện quyền mua cổ phiếu, tỷ lệ 4:1

SDT: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%.

STK: Ngày đầu tiên GD 42.305.336 CP của CTCP Sợi Thế Kỷ trên HSX, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 29.000 đồng/cổ phiếu.

TV1: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%.

>>> Xem thêm:Rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2 từ 1/1/2016

Chứng khoán “miễn nhiễm” với tin vĩ mô khả quan