Thanh khoản hơn 4.300 tỷ đồng, VN-Index giảm 7 điểm

Thanh khoản hơn 4.300 tỷ đồng, VN-Index giảm 7 điểm

(NDH) Các cổ phiếu lớn trên thị trường như VIC, MSN, KDC, GAS, VCB, BID... đã đồng loạt lao dốc mạnh.

Hết thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 623,17 điểm, giảm 7,10 điểm (-1,13%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 191,3 triệu đơn vị, trị giá 3.466,97 tỷ đồng. Toàn sàn có 81 mã tăng, 146 mã giảm và 77 mã đứng giá.

Sau 4 phiên tăng điểm mạnh liên tiếp, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh giảm mạnh hơn 7 điểm trong phiên giao dịch hôm nay. Các cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE tăng mạnh trong khoảng thời gian gần đây đã bị chốt lời mạnh. Đáng chú ý, VCB đã giảm 2.000 đồng xuống còn 52.000 đồng/CP, có thời điểm trong phiên giao dịch, VCB đã bị kéo xuống mức giá sàn. Một cổ phiếu ngân hàng khác là BID cũng giảm mạnh 800 đồng xuống còn 25.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,4 triệu đơn vị.

Phiên hôm nay, do những diễn biến có phần tiêu cực từ giá dầu thế giới nên dòng cổ phiếu dầu khí là GAS, PVD, PXS… cũng giảm rất mạnh. Trong đó, GAS giảm 1.500 đồng xuống 62.500 đồng/CP. PVD giảm 2.000 đồng xuống 55.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, sắc đỏ cũng đã bao trùm lên hàng loạt các cổ phiếu trụ cột khác trên HOSE như VNM, VIC, MSN, KDC…

Chiều ngược lại, các cổ phiếu như MBB, STB, BVH, CTG… vẫn duy trì được sắc xanh hiếm hoi. Trong đó, BVH tiếp tục tăng mạnh 3.000 đồng lên 55.000 đồng/CP. Đáng chú ý, MBB tăng 300 đồng lên 15.800 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 16 triệu đơn vị.

Lực bán ở phiên hôm nay không chỉ dừng lại ở nhóm cổ phiếu lớn mà còn lan tỏa đến các cổ phiếu vừa và nhỏ như HQC, ITA, HAR…

Giao dịch trên sàn HOSE phiên hôm nay diễn ra sôi động, thanh khoản tiếp tục tăng. Ngoài MBB, hai mã HAI và OGC cũng đều khớp lệnh được trên 10 triệu đơn vị. Trong đó, OGC đã bị kéo xuống mức giá sàn còn HAI thì tăng trần.

Phiên hôm nay, giao dịch thỏa thuận lớn xuất hiện ở các mã như HAG (3,78 triệu cổ phiếu), FPT (hơn 1 triệu cổ phiếu), SSI hơn 1 triệu cổ phiếu)...

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 88,13 điểm, giảm 1,31 điểm (-1,46%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,2 triệu đơn vị, trị giá 839,56 tỷ đồng. Toàn sàn có 62 mã tăng, 113 mã giảm và 184 mã đứng giá.

Tương tự phiên sáng, các cổ phiếu dòng dầu khí trên sàn HOSE như PGS, PVS, PVE… vẫn tiếp tục giảm mạnh. Trong đó, PVS giảm 1.000 đồng xuống 28.300 đồng/CP. PGS giảm 400 đồng xuống 22.100 đồng/CP. Bên cạnh đó, các mã có tính dẫn dắt trên HNX là ACB, VCG, VND, LAS… vẫn chìm trong sắc đỏ khiến đà giảm của chỉ số HNX-Index bị nới rộng đáng kể.

Giao dịch trên sàn HNX cũng diễn ra khá sôi động, trong đó, SHB tăng 200 đồng lên 8.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 11,7 triệu đơn vị.


Về cuối phiên sáng, áp lực bán mạnh tiếp tục bị đẩy lên rất cao đã khiến hàng loạt cổ phiếu lớn trên thị trường lao dốc mạnh. Phiên giao dịch sáng nay, tâm điểm của sự chú ý tập trung vào mã VCB. Đầu phiên sáng có thời điểm VCB vẫn tăng nhẹ lên mức 54.400 đồng/CP, tuy nhiên, lực bán chốt lời đã tăng lên rất mạnh và khiến VCB kết thúc phiên sáng ở mức giá sàn (50.500 đồng/CP). Việc VCB giảm mạnh ở phiên sáng nay cũng là điều không quá khó hiểu khi mà trong một khoảng thời gian ngắn gần đây, cổ phiếu này đã liên tục tăng mạnh.

Bên cạnh đó, một cổ phiếu ngân hàng khác là BID cũng chịu chung số phận với VCB. Khép phiên sáng, BID giảm mạnh 1.100 đồng xuống còn 25.600 đồng/CP.

Các cổ phiếu lớn khác như VIC, VNM, MSN, KDC, GAS… cũng đã đồng loạt giảm giá. Trong đó, GAS giảm tới 1.500 đồng xuống còn 63.500 đồng/CP.

Chiều ngược lại, sắc xanh hiếm hoi vẫn còn xuất hiện trên một số cổ phiếu lớn như BVH, CTG, MBB… Trong đó, BVH đã tuột khỏi mức giá trần và chỉ còn tăng 2.000 đồng lên 54.000 đồng/CP. Trong khi đó, MBB tăng 200 đồng lên 15.700 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 12,9 triệu đơn vị.

Phiên sáng nay, sau thông tin bị kiểm soát đặc biệt và chỉ được giao dịch vào phiên chiều từ 14/7, OGC nhanh chóng bị kéo xuống mức giá sàn, với lượng dư bán giá sàn hơn 3,2 triệu đơn vị. Khép phiên sáng, OGC khớp lệnh được hơn 10,9 triệu đơn vị,

Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 618,75 điểm, giảm 11,52 điểm (-1,83%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 118,64 triệu đơn vị, trị giá 1.991,53 tỷ đồng. Toàn sàn có 51 mã tăng, 165 mã giảm và 88 mã đứng giá.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 88,03 điểm, giảm 1,41 điểm (-1,57%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,14 triệu đơn vị, trị giá 538,57 tỷ đồng. Toàn sàn có 40 mã tăng, 106 mã giảm và 213 mã đứng giá.

Phiên sáng nay, các cổ phiếu thuộc ngành dầu khí, chứng khoán và ngân hàng trên sàn HOSE đã điều chỉnh đáng kể. Trong đó, ACB giảm mạnh 600 đồng xuống còn 23.000 đồng/CP. PVS giảm 900 đồng xuống 28.400 đồng/CP.

Giao dịch trên sàn HNX diễn ra tương đối sôi động, mã SHB đứng giá tham chiếu và khớp lệnh mạnh nhất sàn này, đạt hơn 9,4 triệu đơn vị.

Trong bản tin thị trường ngày 7/7/2015 của BVSC, công ty này nhận định triển vọng thị trường tiếp tục được đánh giá ở mức tích cực trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro xuất hiện các phiên điều chỉnh ngắn hạn đang ngày càng hiện hữu sau các phiên tăng nóng liên tiếp. Nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu cho danh mục trung, dài hạn nhưng nên lựa chọn các vùng giá tốt trong phiên để giảm hoặc cân bằng lại các vị thế ngắn hạn.


Thị trường có những diễn biến khá khó lường, sau khoảng 1 tiếng giao dịch, các cổ phiếu lớn như VIC, VCB, VNM, BID, MSN... đã gặp phải áp lực bán mạnh và đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu, chỉ số VN-Index vì vậy cũng đã đảo chiều giảm hơn 2 điểm.

Tương tự, các cổ phiếu dòng dầu khí trên sàn HNX như PGS, PVS, PVC... cũng đã đồng loạt giảm giá.


Sau ít phút giằng co ở đầu phiên giao dịch, các cổ phiếu ngân hàng như BID, CTG, MBB, STB... đã đồng loạt tăng mạnh trở lại. Trong đó, CTG đang tăng 800 đồng lên 21.600 đồng/CP. STB tăng 400 đồng lên 19.900 đồng/CP. MBB cũng đang tăng 500 đồng lên 16.000 đồng/CP.


VCBS cho rằng trong ngắn hạn thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục phân hóa cao trong các phiên tiếp theo. Dấu hiệu thị trường chững lại cũng khá hợp lý sau những phiên tăng mạnh vừa qua. VCBS kỳ vọng rằng, động thái này chỉ là tạm thời khi các trụ cột được giữ vững và các nhóm ngành khác sớm thu hẹp khoảng cách giá với nhau. Do vậy, nhà đầu tư nên bình tĩnh giữ trạng thái danh mục, có thể cân nhắc cơ cấu dần theo hướng tăng tỷ trọng của các cổ phiếu đang thu hút dòng tiền, hấp dẫn khối ngoại và đặc biệt là có kết quả kinh doanh Q2 và 6T.2015 nổi bật.

Thị trường trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch mới dao động trong biên độ hẹp, các cổ phiếu lớn trên sàn HOSE đang phân hóa tương đối mạnh. Tuy nhiên, một số cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm vẫn đang bứt phá rất mạnh. Trong đó, BVH và BIC đã được kéo lên mức giá trần. Hiện giờ, BVH đã trắng bên bán, đây cũng đang là phiên tăng trần thứ ba liên tiếp của mã này.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngân hàng là STB, CTG và MBB cũng đã nhích nhẹ lên trên mốc tham chiếu. Chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên các mã VIC, VCB, MSN, PVD, BID…

Giao dịch trên sàn HOSE đang diễn ra tương đối chậm, sau 30 phút giao dịch vẫn chưa có mã nào khớp lệnh được hơn 1 triệu đơn vị.

Đến 09:30, chỉ số VN-Index đứng ở mức 633,54 điểm, tăng 3,27 điểm (0,52%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,98 triệu đơn vị, trị giá 185,2 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 89,33 điểm, giảm 0,11 điểm (-0,13%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,66 triệu đơn vị, trị giá 81,47 tỷ đồng.

Hiện giờ, trên sàn HNX không có trụ đỡ nào đáng kể đủ để giúp chỉ số HNX-Index tăng điểm trở lại. Các cổ phiếu như PVS, PVX, VND… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong khi đó, các mã như VCG, PGS, ACB… cũng chỉ tạm thời đứng ở mức tham chiếu.

Tương tự như trên HOSE, giao dịch tại sàn HNX diễn ra cũng khá chậm, sau 30 phút giao dịch vẫn chưa có mã nào khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Sự kiện đáng chú ý ngày 8/7/2015:

NKG: Ngày GD 10.000.000 CP niêm yết bổ sung.

PVC: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014, tỷ lệ 12%.

PPI: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức năm 2014 bằng cổ phiếu (tỷ lệ 10:1), phát hành cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 10:1) và thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 10:8).

VE3: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014, tỷ lệ 18%.