Tin tức cũ tiếp tục chi phối thị trường
Báo cáo Vĩ mô & Thị trường chứng khoán công bố ngày 9/9, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán NH Đầu tư và Phát triển - BIDV (BSC) cho rằng trong bối cảnh chưa có thêm các tin tức mới hỗ trợ cho thị trường, các tin cũ đang khiến nhà đầu tư nghi ngờ về triển vọng.
Đầu tiên là tin về nới room. Mặc dù quyết định tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9, song dường như khối ngoại không đổ xô mua mạnh cổ phiếu chứng khoán như kỳ vọng. BSC cho rằng điều này đang khiến nhà đầu tư cẩn trọng xem xét lại kỳ vọng của mình về vấn đề nới room.
Một sự kiện khác đang khiến thị trường tiền tệ liên tục căng thẳng trong thời gian qua là tỷ giá liên ngân hàng liên tục phá trần, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải nới lỏng biên độ tỷ giá cho phép - một hình thức phá giá kỹ thuật - để theo kịp thị trường. Việc giảm giá đồng nội tệ, trước mắt, sẽ khiến tài sản bằng đồng VND của các nhà đầu tư nước ngoài bị giảm, kéo theo việc họ liên tục bán ra để rút tiền về như làn sóng rút tiền khỏi các thị trường mới nổi trên toàn cầu trong tháng 8.
BSC cho rằng, trong tháng 9, căng thẳng tỷ giá có thể được giảm bớt khi NHNN tuyên bố không phá giá thêm; đồng thời chính sách mở room cho khối ngoại sẽ tiếp tục là câu chuyện trường kỳ khi nhóm cổ phiếu chứng khoán mới chỉ là nhóm thí điểm đầu tiên.
Bên cạnh những thông tin hỗ trợ này, thị trường dự kiến cũng sẽ có những tin tức bất lợi. Đáng chú ý nhất là thông tin về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 16 - 17/9, sự kiện thu hút sự chú ý mạnh trên quy mô toàn cầu. Việc FED tăng lãi suất sẽ dẫn đến những thay đổi sâu rộng đến thế giới, đặc biệt là dòng vốn và giá cả hàng hóa quốc tế.
Ngoài ra, vết thương từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc chắc hẳn chưa thể mau chóng lành lại, và những hậu quả của nó sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, mà việc rút vốn từ các quốc gia mới nổi là một trong số những hậu quả đó. Những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc nhằm giải cứu chứng khoán có chăng chỉ là các biện pháp tình thế, khó có thể dừng được xu hướng giảm giá dài hạn của thị trường chứng khoán nói riêng, hay xa hơn là những bất ổn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy cho rằng các sự kiện tiêu cực đã giảm bớt đáng kể, nhưng BSC cho rằng việc vắng bóng các tin tức hỗ trợ sẽ khiến thị trường gặp khó khăn trong việc tăng điểm mạnh.
Những tin xấu đã qua
Báo cáo của BSC cũng nêu ra một loạt những tin xấu mà thị trường đã trải qua trong tháng 8.
Đó là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện một loạt các điều chỉnh về tỷ giá nhằm ổn định thị trường sau khi đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh. Lần điều chỉnh thứ nhất diễn ra vào ngày 11/8 khi biên độ tỷ giá được nới rộng thêm 1% lên mức 2%. Lần điều chỉnh thứ hai diễn ra ngày 19/8 khi NHNN phá giá đồng VND thêm 1% và tiếp tục nới biên độ lên 3%. Dù vậy, diễn biến trên thị trường ngoại hối vẫn khá căng thẳng khi tỷ giá liên ngân hàng vẫn áp gần mức giá trần cho phép.
Động thái điều chỉnh tỷ giá diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ, khiến thị trường tiền tệ và chứng khoán thế giới biến động mạnh. Trong 3 ngày liên tiếp kể từ 11/8, PBoC đã phá giá đồng nội tệ tới 4,5%.
Chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh, kéo theo sự lao dốc của thị trường toàn cầu. BSC cho rằng vết thương từ sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc chắc hẳn chưa thể mau chóng lành lại, và những hậu quả của nó sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, mà việc rút vốn từ các quốc gia mới nổi là một trong số những hậu quả đó. Những biện pháp của Chính phủ Trung Quốc nhằm giải cứu chứng khoán có chăng chỉ là các biện pháp tình thế, khó có thể dừng được xu hướng giảm giá dài hạn của thị trường chứng khoán nói riêng, hay xa hơn là những bất ổn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Diễn biến phức tạp của giá dầu. Những bất ổn về giá dầu đã và sẽ còn tiếp tục là câu chuyện trong những tháng tới. Tuy nhiên, BSC cho rằng ảnh hưởng của việc giá dầu giảm đã không còn mạnh như trước do tác động của nó đã được phản ánh khá nhiều vào thị trường cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Về các ngân hàng trong nước, sự kiện Ngân hàng Đông Á rơi vào diện kiểm soát đặc biệt do một loạt các sai phạm về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác. NHNN đã ra quyết định miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng này.
Khối ngoại bán ròng trong tháng 8, góp phần khiến thị trường giảm điểm mạnh. Sau 4 tháng mua ròng liên tục, khối ngoại quay lại bán ròng trên cả hai sàn, trong đó họ bán ròng 728 tỷ đồng trên HSX và 63 tỷ đồng trên HNX. Nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng bị tập trung bán mạnh.
Triển vọng thị trường tháng 9
Trong bối cảnh thị trường không có nhiều tin tức hỗ trợ và tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, BSC cho rằng việc thiếu vắng sự định hướng thị trường của khối ngoại trong tháng 8 và có thể là cả tháng 9 sẽ khiến cơ hội mua bán trở nên kém thuận lợi hơn.
Thị trường đang tích lũy để tạo đáy sau khi giảm sâu về vùng đáy của năm 2014 và phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra.
BSC cho rằng cơ hội đầu tư có lẽ sẽ đến nhờ vào cú húych từ kết quả kinh doanh quý III năm nay.
Từ quan điểm này, BSC nhận định nhóm cổ phiếu bất động sản và những ngành theo sau như xây dựng và vật liệu xây dựng có cơ hội bứt phá vào cuối năm do tăng trưởng mạnh về lượng tiêu thụ nhà và những quy định mới về luật nhà ở, luật bất động sản đang dần phát huy ảnh hưởng.
Ngoài ra, trong trường hợp giá dầu giảm tiếp, đây sẽ là cơ hội tiết kiệm chi phí cho một số ngành sử dụng xăng dầu cao.
Nhà đầu tư cũng nên để ý đến một số nhóm cổ phiếu phòng thủ trong bối cảnh thị trường không có nhiều tin tức hỗ trợ, nay các nhóm cổ phiếu đang được khối ngoại liên tục mua vào, nhất là hiện nay giá nhiều cổ phiếu đã xuống thấp.
BSC cho biết tỷ lệ P/E của chỉ số VN-Index và HNX-Index hiện lần lượt là 11,04 và 11,25 lần, vẫn ở mức thấp so với lịch sử từ năm 2012 và vẫn hấp dẫn so với các nước khác trong khu vực.