CTCP Chứng Khoán Rồng Việt (VDSC)cho biết, các chỉ số tài chính của CTCP Thủy Sản số 4 (mã TS4 - HOSE)như biên LN gộp, tỷ số ROE, tỷ suất cổ tức khá tốt và ổn định. Diện tích vùng nuôi gần 60ha tại Đồng Tháp có khả năng cung cấp 100% nguồn nguyên liệu cho một trong hai nhà máy của TS4 với công suất thiết kế lên đến 20.000 tấn/năm. Nhờ khả năng tự chủ vùng nuôi lớn, biên LN gộp của Công ty ở mức khá cao (20% năm 2014) so với các doanh nghiệp cá tra khác trong ngành.
Đáng chú ý, tại ĐHCĐ vừa qua, phương án giải quyết đối với khu đất tại khu CN Long Hậu-Long An đã được thông qua dưới hai hình thức chuyển nhượng theo giá trị sổ sách hoặc liên kết đầu tư với đơn vị khác.
Với kế hoạch ban đầu xây dựng một kho lạnh và nhà máy chế biến trên tổng diện tích hơn 20.000 m2, Công ty cho biết một đối tác nước ngoài đã đề nghị hợp tác đầu tư bằng việc tiến hành hoạt động nhập khẩu thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nếu việc hợp tác này được thực hiện, KQKD của Công ty có thể kỳ vọng cải thiện hơn. Tuy nhiên theo VDSC, thời gian để có quyết định cuối cùng có thể phải đến cuối năm 2015 và 2016.
KQKD năm 2014 của doanh nghiệp cho thấy mức tăng trưởng khá. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế (LNST) lần lượt là 1.088 tỷ đồng (+7,03%) và 21,02 tỷ đồng (+47%). Theo chia sẻ, ban lãnh đạo cho rằng những khó khăn trong ngành cá tra vẫn tiếp diễn trong năm 2015. Do vậy, TS4 đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu và LNTT dự kiến vào khoảng 1.140 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ.
VDSC đã trao đổi với một số doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh cá tra. Đánh giá đối với ngành cá tra trong năm 2015, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng những vướng mắc như cạnh tranh giá không lành mạnh, rào cản chất lượng, rủi ro từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Với nhận định về những khó khăn trong ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn khá thận trọng khi đưa ra kế hoạch năm 2015.
VDSC thống kê kế hoạch của một số doanh nghiệp cá tra (bảng dưới đây) và nhận thấy kế hoạch tăng trưởng có sự phân hóa giữa nhiều doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như AAM, TS4, AGF, kế hoạch 2015 được đưa ra dựa trên cơ sở không lạc quan về ngành cá tra.
Riêng với ANV, nếu loại trừ chi phí dự phòng 60 tỷ từ khoản nợ khó đòi của Ukranie, lợi nhuận trức thuế (LNTT) năm 2014 vào khoảng 121 tỷ. Do vậy, so sánh với kế hoạch 100-120 tỷ LNTT, ANV hầu như không có nhiều thay đổi về hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt đối với IDI, mặc dù kế hoạch chính thức trong năm 2015 chưa được công bố. Tuy nhiên, qua trao đổi, VDSC nhận thấy thông qua ban lãnh đạo khá tích cực khi năm nay, Công ty có kế hoạch nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi thông qua hoạt động liên kết các hộ nuôi trồng. Do vậy, kế hoạch sơ bộ ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 20%; không chỉ vậy, mảng kinh doanh dầu cá đi vào hoạt động ổn định trong năm nay cũng mang lại nguồn thu cho Công ty.
Đối với các doanh nghiệp đầu ngành như VHC, HVG bộ phận phân tích của VDSC nhận thấy nhờ quy mô lớn và khả năng tự chủ vùng nuôi tốt, tăng trưởng có vẻ khá quan hơn. Ngoài ra, VHC cũng cho biết Công ty có thể tận dụng lợi thế từ mức thuế chống bán phá giá 0% để đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường Mỹ. Nhờ vậy, KQKD 2015 được dự báo tăng trưởng tốt.
Trong khi đó, HVG với kế hoạch lấn sân ngành tôm thông qua tăng tỷ lệ sở hữu tại FMC lên hơn 50%, cũng dự kiến mức tăng lên đến 78%.
Như vậy, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang có nhiều chuyển biến để thích nghi với những khó khăn của ngành. Dễ thấy nhất là việc nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi, nâng cao năng lực sản xuất hay đa dạng hóa dòng sản phẩm thông qua nuôi trồng cá rô phi hoặc tôm (ANV, TS4, HVG).