Thông tin trên được ông Trịnh Xuân Phúc, Tổng giám đốc Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà (thuộc Tổng công ty Sông Đà) trao đổi với PV Dân trí vào sáng 12/4.
Theo ông Phúc, kể từ khi đưa vào hoạt động vào tháng 10/2004 đến nay, hầm đường bộ qua Đèo Ngang nối Hà Tĩnh - Quảng Bình (hầm số 1) với 2 làn xe luôn vận hành an toàn, khai thác hiệu quả dự án, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nói chung và lĩnh vực GTVT nói riêng. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 thì QL 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ sẽ nâng cấp mở rộng lên 4 làn xe cơ giới.
"Để phù hợp với quy hoạch chung thì việc đầu tư mở rộng thêm 1 hầm và đường dẫn 2 đầu hầm với Eyc≥160 MPa của Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Ngang QL 1A tại tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình là hết sức cần thiết" - ông Phúc nói.
Trên cơ sở đó, theo ông Phúc, Tổng công ty Sông Đà vừa có văn bản trình Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho nhà thầu BOT hầm chui số 1 này tiếp tục trở thành nhà đầu tư hầm chui số 2 qua Đèo Ngang. "Dự án này có chi phí 750 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đã trình dự án, đang chờ sự đồng thuận của Bộ và Thủ tướng"- ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, nếu được Thủ tướng đồng ý, hầm chui số 2 qua đèo ngang sẽ được khởi công vào năm 2016. Nhà đầu tư cũng phải thu hồi vốn bằng cách tăng phí qua hầm, việc thu hồi vốn sẽ được thực hiện theo hình thức kéo dài thời gian thu phí sau khi được Bộ Tài chính tính toán, thẩm định kỹ.
Được biết, ngoài hầm chui Đèo Ngang, Tổng công ty Sông Đà là chủ đầu tư và là nhà thầu thi công nhiều công trình giao thông quan trọng trong cả nước như Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả - Phú Yên, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…