Khó có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015
Do quý IV không phải là mùa cao điểm cho quần áo xuất khẩu nên doanh thu tháng 10 và tháng 11/2015 của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM - HOSE) trung bình chỉ đạt khoảng 9,87 triệu USD, thấp hơn so với doanh thu trung bình các tháng của quý II và III nhưng vẫn ở mức ổn định so với cùng kỳ năm trước.
Nhà máy Vĩnh Long mới đi vào hoạt động từ giữa tháng 09/2015 nên ảnh hưởng của nhà máy tới KQKD quý III/2015 là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này bắt đầu thể hiện rõ nét hơn trong KQKD quý IV/2015 của TCM do doanh thu đến từ nhà máy này vẫn chưa bù đắp được các chi phí cố định cũng như chi phí nhân công ngày càng tăng.
Nếu bỏ qua KQKD tháng 2/2015 với ảnh hưởng nghỉ Tết Âm lịch dài ngày thì lợi nhuận sau thuế của TCM trong tháng 10 và tháng 11.2015 đang ở mức thấp nhất trong 12 tháng trở lại đây, tương ứng với 134 và 135 nghìn USD. Theo đó, biên lợi nhuận ròng (LNR) của 2 tháng này cũng sụt giảm khá mạnh, lần lượt ở mức 1,70% và 1,14% so với biên LNR của các tháng trước đó (9 tháng đầu năm 2015) ở mức 6,15%.
Như vậy, doanh thu 11 tháng đầu năm 2015 của TCM đạt khoảng 2.588 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 138 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch. Với tình hình này, Bộ phận Nghiên cứu – Phân tích VCBS cho rằng kết quả kinh doanh quý IV của TCM sẽ không khả quan như kỳ vọng và doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành được kế hoạch kinh doanh cho năm nay.
TCM cũng đã đưa ra dự kiến kết quả kinh doanh của mình cho năm 2015 với doanh thu đạt 2.773 tỷ đồng (giảm 5,9% so với năm trước, 98% KH) và lợi nhuận sau thuế đạt 143,9 tỷ đồng (giảm 14,5% so với cùng kỳ, 85% kế hoạch). Theo đó, EPS 2015 sẽ ở mức 2,932 đồng/cp, tương ứng với P/E dự phóng 2015 là 10,54 lần, cao hơn so với trung bình ngành là 7,77 lần.
KQKD từ năm 2016 sẽ được cải thiện đáng kể
TCM cũng đã đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2016 dự kiến trình ĐHCĐ với doanh thu đạt 3.263,7 tỷ đồng (tăng 19% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng (tăng 11% so với năm trước).
VCBS đánh giá đây là một kế hoạch có tính khả thi cao vì trong dài hạn, TCM vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng do: sức khỏe tài chính và bộ máy quản lý tốt; công ty sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, khai thác được tối đa chuỗi giá trị dệt may; và kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô khá phù hợp với sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam, đón đầu các hiệp định thương mại đa quốc gia mà Việt Nam đã và đang ký kết.
Trong năm 2016, với công suất may được tăng thêm 33% và việc nhà máy Vĩnh Long bắt đầu nhận các đơn hàng xuất khẩu sẽ là động lực tăng trưởng chính cho TCM. Do vậy, VCBS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của TCM từ năm 2016 sẽ được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, doanh thu ước đạt 3.314 tỷ đồng (tăng 21% so với năm trước, 102% KH) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 165,7 tỷ đồng (tăng 15% so với năm trước, 103% KH). Theo đó, EPS dự phóng cho 2016 ở mức 3.376 đồng/cp, tương ứng với P/E là 9,15 lần.