Đã hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 56% kế hoạch lợi nhuận sau thuế
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, KQKD của TCM không có đột biến với doanh thu đạt 1.339 tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ, 48% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 87 tỷ đồng (+4% so với cùng kỳ, 56% kế hoạch) do công suất các nhà máy hiện tại đã đạt tới mức tối đa. Điểm đáng chú ý trong kỳ tài chính này là chi phí tài chính của TCM tăng khá mạnh (+33% so với cùng kỳ), đặc biệt là lỗ chênh lệch tỷ giá tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
KQKD cả năm 2015 sẽ không có đột biến
Tại ĐHCĐ tháng 4 vừa qua, TCM đã đặt kế hoạch kinh doanh khá hợp lý với chỉ tiêu doanh thu đạt 2.781 tỷ đồng (+7,8% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 170 tỷ đồng (+1% so với năm trước). Tuy nhiên, do một số ảnh hưởng không tích cực từ biến động tỷ giá, nhà máy Vĩnh Long đi vào hoạt động chậm hơn so với kế hoạch và cạnh tranh tiềm ẩn từ hàng dệt may Trung Quốc với chính sách phá giá đồng CNY, VCBS dự báo KQKD cả năm 2015 của TCM sẽ không có đột biến: doanh thu ước đạt 2.722 tỷ đồng (+6% so với năm trước, 98% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế ước đạt 177 tỷ đồng (+5% so với năm trước, 104% kế hoạch).
Trong ngắn hạn, về phân tích cơ bản, các hoạt động kinh doanh của TCM hiện chưa có những động lực tăng trưởng rõ ràng trong năm 2015.
Tuy nhiên, một số yếu tố thị trường có khả năng ảnh hưởng tích cực tới giá cổ phiếu TCM là kỳ vọng về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và TPP được ký kết cũng nên được nhà đầu tư quan sát và cân nhắc.
Trong dài hạn, VCBS vẫn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của TCM do sức khỏe tài chính và bộ máy quản lý tốt; Công ty sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, khai thác được tối đa chuỗi giá trị dệt may; Đầu ra đảm bảo do được công ty mẹ E-Land bao tiêu tới gần 50% sản phẩm và được các đối tác lâu năm liên tục mở rộng đơn hàng; Công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng quy mô khá phù hợp với sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam,
Bên cạnh đó, công ty đón đầu các hiệp định thương mại đa quốc gia mà Việt Nam đang ký kết; Ngoài ra, dệt may vẫn là một trong những ngành giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua và dư địa cho ngành phát triển vẫn còn rất lớn.
Tình hình một số dự án
Nhà máy tại Vĩnh Long
Nhà máy may tại Vĩnh Long đã bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối Q2.2015 với 16/25 chuyền may đã được lắp đặt và chạy thử nghiệm với 60% công suất thiết kế. TCM là một trong số các công ty dệt may đầu tiên xay nhà máy tại Vĩnh Long nên việc tuyển dụng lao động có tay nghề hiện đang gặp một vài khó khăn. Do vậy, mặc dù TCM đủ khả năng nhận thêm đơn hàng xuất khẩu mới cho nhà máy may Vĩnh Long nhưng doanh nghiệp hiện chỉ nhận hàng gia công với biên lợi nhuận thấp hơn để dần ổn định chất lượng sản phẩm cũng như đội ngũ lao động tại đây. Theo đó, doanh thu đóng góp từ nhà máy mới trong năm nay là chưa đáng kể.
Thành lập Công ty TNHH Một thành viên TC E-land
Mặc dù không có trong các nghị quyết họp ĐHCĐ trước đó, nhưng 28/08/2015 vừa qua, TCM đã công bố thông tin thành lập công ty con có vốn điều lệ 6,45 tỷ đồng do TCM nắm giữ 100%. Được biết công ty này đã đăng ký ngành nghề kinh doanh chính của mình là “Bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh”. VCBS cho rằng đây là động thái đầu tiên của E-land trong việc mở rộng chuỗi bán lẻ sản phẩm của mình tại Việt Nam thông qua TCM. Tuy vốn điều lệ của TC E-land không cao, nhưng VCBS kỳ vọng đây sẽ là một trong những động lực tăng trưởng của TCM trong thời gian tới để mở rộng thêm doanh thu nội địa khi xu hướng sử dụng hàng made-in-Vietnam trong nước đang ngày càng tăng cao.