TCM: Biên lợi nhuận năm 2015 có thể cải thiện đáng kể hơn

(NDH) CTCP Chứng Khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng biên LN năm nay của TCM có thể sẽ cải thiện đáng kể hơn do công ty đã nhập 15 máy dệt (biên lợi nhuận cao) vào cuối năm 2014 và có thể hoạt động tối đa công suất trong năm 2015.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015 của Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM - HOSE) được tổ chức vào cuối tuần trước, KQKD năm 2014 và kế hoạch 2015 đã được doanh nghiệp công bố.

Theo đó, năm 2014, Công ty đạt doanh thu 2.571 tỷ đồng (+0,7% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 168,36 tỷ đồng (+36% so với năm trước), lần lượt đạt 91,1% và 102% so với kế hoạch. Mặc dù sản lượng và doanh thu đều không đạt được kế hoạch nhưng LNST lại vượt kế hoạch đặt ra do mảng vải dệt xuất sang thị trường Nhật mang về biên LN cao.

Năm 2015, Công ty đặt kế hoạch khá thận trọng với doanh thu 2.780,8 tỷ đồng (+8% so với năm trước) và LNST là 170,4 tỷ đồng (+1,2% so với năm trước) do lo ngại về triển vọng của mảng kinh doanh sợi và tỷ giá USD/VND được giữ ở mức cao .

Với tỷ trọng cao (35-40%) trong cơ cấu doanh thu, biến động của mảng kinh doanh sợi có ảnh hưởng lớn tới KQKD của TCM. Trong khi đó, giá sợi có sự tương quan cùng chiều khá chặt chẽ với biến động của giá bông và TCM thường dự trữ lượng bông tồn kho đủ cho 2-2,5 tháng sản xuất.

Do vậy, khi giá bông trên thị trường giảm, sẽ khiến giá sợi bán ra giảm, doanh thu và biên lợi nhuận của mảng kinh doanh sợi theo đó sẽ bị thu hẹp. Tuy nhiên, chỉ cần giá bông giữ ổn định hoặc tăng nhẹ trở lại, mảng kinh doanh sợi sẽ có những cải thiện.Thực tế, giá bông đã bắt đầu ổn định trở lại từ đầu tháng Hai đến nay.

Về tỷ giá, do phần lớn doanh thu đến từ hoạt động xuất khẩu và các hợp đồng đều được kí bằng USD nên một số nhà đầu tư quan ngại khả năng TCM sẽ chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá. Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền khác đều giảm giá mạnh so với USD, tỷ giá USD/VND vẫn được duy trì cố định có thể sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu.

Tuy nhiên, do 30-40% doanh thu xuất khẩu đã được Eland đảm bảo cùng với sản phẩm của TCM là sản phẩm chất lượng cao nên doanh nghiệp cho biết tạm thời tỷ giá chưa có những ảnh hưởng đáng kể lên KQKD.

VDSC cho rằng TCM có thể đạt được KQKD tốt hơn so với kế hoạch do kế hoạch 2015 chưa bao gồm phần đóng góp doanh thu từ nhà máy Vĩnh Long – Giai đoạn 1 (dự kiến hoạt động từ đầu quý 3/2015). Hơn nữa, biên LN năm nay có thể sẽ cải thiện đáng kể hơn do TCM đã nhập 15 máy dệt (biên lợi nhuận cao) vào cuối năm 2014 và có thể hoạt động tối đa công suất trong năm 2015. Với mức giá đóng cửa ngày 06/04 là 30.700 đồng/cp, TCM đang được giao dịch ở mức P/E forward khoảng 8,1 lần.