90% doanh nghiệp đã phá sản
Nguồn tin của Pháp luật Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt vừa có văn bản “kêu cứu” trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hiện trạng của các doanh nghiệp này đang hết sức bi đát. 90% doanh nghiệp được cho là đã phá sản, 10% còn lại hoạt động cầm chừng và nguy cơ cũng phá sản.
Đơn cử như tỉnh Yên Bái, có 33 doanh nghiệp thì 30 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động hoặc phá sản. Tỉnh Phú Thọ có 11 doanh nghiệp thì cả 11 doanh nghiệp đã phá sản hoặc ngừng hoạt động.
“Như vậy, khối thiết bị đã đầu tư cho nhà máy nghiền tuyển quặng sắt trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nay trở thành đống sắt vụn. Nợ ngân hàng không trả được. Nhiều đơn vị đã phải bán dần các thiết bị và cả văn phòng để trả lương công nhân. Hàng nghìn lao động không có việc làm” – giám đốc một doanh nghiệp đứng đơn cho biết.
Nguyên nhân của sự phá sản, ngoài việc giá quặng sắt thế giới xuống quá thấp, thuế phí cao thì đáng chú ý là việc bị chính doanh nghiệp thép trong nước “ép giá”.
“Do chính sách cấm xuất khẩu hoặc được xuất khẩu nhưng áp dụng mức thuế xuất khẩu tới 40% nên khi giá quặng tương đối cao thì các doanh nghiệp sản xuất thép chỉ mua quặng bằng 50% giá thành chung của thế giới. Các nhà sản xuất thép có lợi lớn, còn các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt quá thiệt thòi” – các doanh nghiệp khai thác quặng trần tình.
Cụ thể, trên thế giới giá quặng sắt đã giảm tới hơn 60% và giá thép cũng giảm theo với tỷ lệ tương ứng. Còn ở trong nước, giá thép tuy có giảm nhưng không tương ứng, vẫn cao hơn thị trường thế giới 3 - 4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt mua vào lại rẻ hơn rất nhiều so với giá chung của thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt dẫn chứng đơn chào hàng của Tập đoàn Thép Hòa Phát ngày 1/4/2015. Theo đó, tinh quặng giao tại nhà máy là: Fe = 63%, đơn giá 1,1 triệu đồng/tấn; Fe = 65%, đơn giá 1,16 triệu đồng/tấn. Giá này đã bao gồm VAT 10% và cước vận tải từ mỏ đến nhà máy tại Kinh Môn, Hải Dương của Hòa Phát.
Đơn giá này, trừ thuế VAT 10%, cước vận tải từ 220 – 500 nghìn đồng/tấn (tùy cự ly từng tỉnh) thì giá trị thực của 1 tấn quặng sắt có hàm lượng Fe 65% mà Hòa Phát mua vào chỉ còn 824 nghìn đồng, tương đương 41 USD, thấp hơn nhiều so với giá thế giới.
Trung bình, 1,6 tấn quặng sắt có hàm lượng Fe = 65% thì cho ra 1 tấn thép. Như vậy giá trị quặng sắt/1 tấn thép chỉ là 1,86 triệu đồng. Trong khi đó, giá thép bán ra là 12 triệu đồng/tấn. Tính ra, tỷ suất quặng sắt/thép (1,86 triệu/12 triệu) ở Việt Nam hiện nay chỉ có 15%.
“Tỷ lệ này chưa từng có trong lịch sử ngành luyện kim của thế giới từ trước đến nay. Bình quân, tỷ lệ quặng sắt/1 tấn thép trên thế giới tối thiểu là 30%. Như vậy, giá một tấn quặng sắt có hàm lượng Fe 65% không bằng giá một tạ thép. Đây là một nghịch lý chưa từng có. Một nhóm người được hưởng lợi. Doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt quá thiệt thòi. Người tiêu dùng bị lợi dụng” – các doanh nghiệp bức xúc.
“Bầu” Long ung dung “rung đùi”?
Đây là lần đầu Hòa Phát bị tố “ép giá”, nhưng thật ra đây không phải lần đầu tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long bị cho là thủ lợi lớn từ chính sách. Còn nhớ từ hồi giữa năm ngoái, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thép có tên tuổi như Công ty Thép Pomina, Công ty Thép Tây Đô, Công ty Sản xuất thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Shengli, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty TNHH Thép VSC – Posco… đã đồng lòng ký tên vào bản kiến nghị gửi Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt theo Chỉ thị 02/2012/CT-TTg (ngày 09/01/2012) của Thủ tướng Chính phủ trong một chừng mực nào đó mới chỉ tạo cơ hội cho duy nhất một doanh nghiệp là Hòa Phát phát triển.
Theo bản kiến nghị, việc dừng xuất khẩu quặng sắt đã đẩy giá quặng trong nước xuống còn một nửa giá quặng sắt thế giới. Các mỏ khai thác quặng thiệt nặng trong khi chỉ duy nhất Hòa Phát được hưởng lợi vì đầu tư vào công nghệ lò cao. Không chỉ vậy, do giá nguyên liệu của Hòa Phát rẻ bằng một nửa so với các nhà sản xuất thép khác nên tập đoàn của “bầu” Long bị cho rằng đã “lũng đoạn thị trường” thép.
Tuy nhiên, từ đó đến nay khuôn khổ chính sách hầu như vẫn giữ nguyên. Kể cả lần này, với kiến nghị trực tiếp của các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt thì theo dự báo, khả năng được tháo gỡ cũng không cao khi “gốc” vấn đề là lệnh cấm xuất khẩu quặng sắt khó lòng được dỡ bỏ. Như vậy, tập đoàn của “bầu” Long vẫn có thể “ung dung rung đùi” dài dài…
Nghịch lý chưa từng có! “Bình quân, tỷ lệ quặng sắt/1 tấn thép trên thế giới tối thiểu là 30%. Như vậy, giá một tấn quặng sắt có hàm lượng Fe 65% không bằng giá một tạ thép. Đây là một nghịch lý chưa từng có. Một nhóm người được hưởng lợi. Doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng sắt quá thiệt thòi. Người tiêu dùng bị lợi dụng...” – các doanh nghiệp bức xúc. |