Bức tranh ảm đạm
Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, từ năm 2005 đến nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp Viện Khoa học lao động và các vấn đề xã hội, Khoa Kinh tế Trường đại học Cô-pen-ha-gen đã tổ chức năm cuộc điều tra DNNVV (hai năm một lần). Tất cả các cuộc điều tra đều khảo sát cùng một nhóm doanh nghiệp cố định, cho nên kết quả thu được đã thể hiện rõ phần nào xu hướng phát triển của DN Việt Nam trong thời gian vừa qua. Theo kết quả cuộc khảo sát mới nhất với gần 2.500 DN sản xuất ngoài quốc doanh tại 10 tỉnh và thành phố, môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với trước, tỷ lệ DN không phải đối mặt những trở ngại trong kinh doanh rất thấp, với những khó khăn như thiếu vốn, cạnh tranh quá lớn hay thiếu cơ sở sản xuất,...
Vì vậy, cũng không khó hiểu khi có 356 trong số 2.419 DNNVV (14%) tham gia cuộc khảo sát năm 2011 nay đã đóng cửa tạm thời. Riêng trong năm 2013, 24% số DN đã rút khỏi thị trường, còn 19% thì thay đổi ngành nghề. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đánh giá: Bản báo cáo đã cho chúng ta thấy rõ bức tranh ảm đạm của DNNVV hiện nay. Số lượng DN rút khỏi thị trường ngày càng tăng, nhất là những DN có đăng ký kinh doanh. Quy mô của các DN đang ngày càng thu hẹp, trong khi năng suất lao động và số lượng lao động cũng giảm sút so với kết quả điều tra của những năm trước... Các số liệu cũng chỉ ra rằng, các DN này đang rất "lười" đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm, rất ít DN có sự sáng tạo mới. Tóm lại, tất cả chỉ số đều thể hiện sự thiếu năng động của các DNNVV Việt Nam, tình hình phát triển khối DN tư nhân trong giai đoạn 2011-2013 có xu hướng xấu đi.
Cuộc khảo sát lần này cũng chỉ ra rằng, tốc độ chính thức hóa của DN đang giảm so với điều tra năm của năm 2011. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: Đáng lẽ để phát triển, các DN sẽ có xu hướng chuyển từ phi chính thức sang kinh doanh chính thức. Nhưng thực tế, tỷ lệ chính thức hóa lại đang giảm đáng kể. So với số liệu của giai đoạn 2009 -2011 là 20% thì nay chỉ còn 10%, nghĩa là giảm đi một nửa... Các DN đã đăng ký, nay giải thể, ngừng hoạt động, hoặc chuyển dần sang hoạt động dưới hình thức không đăng ký.
Giảm chi phí cho doanh nghiệp
Theo điều tra "hoạt động kinh doanh" của Ngân hàng thế giới (World Bank và IFC, 2013), điều tra Đánh giá Môi trường đầu tư (World Bank, 2011) và Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam (Malesky, 2013), mức độ thuận lợi trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm liên quan các chi phí phi chính thức mà DN phải đối mặt, cũng như gánh nặng hành chính khi nộp thuế. Do đó, các phân tích của Báo cáo "Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam" đã rất chú trọng các khoản chi phi chính thức. Theo quan điểm của DN, những khoản chi này được xem là một loại chi phí thường xuyên trong chi phí hoạt động.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết: Rất nhiều nghiên cứu, điều tra đều đã chứng minh DN luôn phải chịu rất nhiều chi phí không chính thức, kể cả DN Việt Nam lẫn DN FDI.Và tỷ lệ chi đó vẫn tăng đều từng năm. Vì vậy, các DN đều rất trông chờ vào Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Quyết tâm đột phá từ bên trong bộ máy hành chính của Chính phủ bằng Nghị quyết 19 có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện hệ thống pháp luật về kinh doanh còn nhiều bất cập hiện nay. Việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 19 không chỉ rút ngắn thời gian cho DN trong các thủ tục nộp thuế, hải quan hay bảo hiểm xã hội,... mà còn giúp DN tiết giảm được nhiều chi phí không đáng có, trong đó có các chi phí không chính thức.
Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của khối DNNVV trong thời gian tới, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung nhận định: Từ năm 2013 trở lại đây, môi trường kinh doanh của nước ta đã có nhiều nét mới. Hiến pháp sửa đổi đã tạo một nền tảng vững chắc, bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho mọi người dân. Quốc hội đã và sẽ ban hành một loạt Luật mới, theo xu hướng giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho người dân và DN như Luật Thuế thu nhập DN đã dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo; Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được QH thông qua tới đây đều thể hiện rõ tinh thần tự do trong kinh doanh,... Song như vậy là chưa đủ, mà đòi hỏi phải có sự đổi mới nhiều hơn nữa, nhất là tại các cơ quan nhà nước. Cơ quan nhà nước phải đồng hành, chung tay tháo gỡ khó khăn cho DN.Đó sẽ là những thay đổi mang tính đột phá về mặt quản lý, tạo ra những cách thức mới trong môi trường kinh doanh, thúc đẩy làn sóng đổi mới, khơi dậy tinh thần hứng khởi trong kinh doanh. Với những thay đổi rất tiến bộ về thể chế, cùng với sự đổi mới trong các cơ quan nhà nước, môi trường kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho các DN hoạt động và phát triển.