Bước sang năm 2015, TTCK đối diện nhiều thử thách hơn so với năm 2014. Kinh tế có dấu hiệu phục hồi và hoạt động tái cấu trúc DNNN đang làm tăng nguồn cung cho thị trường. Trong khi đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lại hạn chế nguồn vốn tài trợ cho hoạt động đầu cơ ngắn hạn đẩy giá cổ phiếu.
Mặc dù vậy, so với thị trường BĐS đòi hỏi vốn lớn nhưng thanh khoản thấp, thị trường ngoại tệ ít biến động và vẫn đang được NHNN kiểm soát tốt, đầu tư vàng kém khả thi thì TTCK vẫn được kỳ vọng là kênh sinh lời hấp dẫn nhất.
Ảnh minh họa |
Cơ sở đầu tiên được nhấn mạnh đó là tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức trên 12% trong 2 năm liên tiếp và cho đến thời gian gần đây đã duy trì tăng trưởng dương, khác với giai đoạn đầu các năm trước thường âm. Dòng vốn thông qua kênh tín dụng cũng đã có sự dịch chuyển. Tiến trình gom nợ xấu của VAMC đang diễn biến tích cực… Theo giới phân tích, tăng trưởng tín dụng năm nay đạt mức 13-15% là khả thi.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã liên tục giảm trong các năm gần đây, hiện về mức thấp hơn giai đoạn 2005-2006. Hướng giảm lãi suất cho vay trung dài hạn thêm 1-1,5%/năm có thể thực hiện được trong điều kiện lạm phát thấp và nợ xấu dần được đưa ra khỏi bảng cân đối của các ngân hàng. Gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng cho BĐS được NHNN trình Chính phủ xem xét có thể coi là tín hiệu nới lỏng tiền tệ hơn nữa trong năm 2015.
Xét về môi trường kinh doanh, hiệu quả hoạt động của các DN niêm yết được đã được cải thiện nhờ chi phí lãi vay cũng như chi phí sản xuất giảm, theo xu hướng giảm chung của lãi suất, giá xăng dầu và hàng hóa nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, những DN biết chú trọng vào hoạt động cốt lõi và phát huy lợi thế cạnh tranh của mình sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi các hiệp định FTA quan trọng lần lượt được ký kết.
Điều kiện vĩ mô ổn định và các cải cách hành chính gần đây góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho TTCK Việt Nam. Điều quan ngại của NĐT lúc này đó là dòng tiền của khối ngoại không ổn định, thậm chí có thông tin các quỹ ETF tại thị trường mới nổi khu vực châu Á đang bị rút vốn. Tuy nhiên, theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), dòng vốn rót vào các quỹ ETF của khu vực này từ đầu năm đến nay vẫn tăng...
Tuy nhiên, giới phân tích cũng đưa ra một quan ngại lớn hơn để NĐT cân nhắc, đó là làn sóng phát hành thêm ồ ạt nhưng hàng hóa vẫn chưa đi cùng chất lượng. Xu hướng phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu giai đoạn 2009 - 2010 đã giúp nhiều DN niêm yết (DNNY) tăng vốn và thu được thặng dư lớn.
Tuy nhiên, số liệu thống kê của VDSC cho thấy, sau làn sóng phát hành thêm, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các DNNY chưa theo kịp với tăng trưởng vốn điều lệ. Theo đó, tăng trưởng vốn điều lệ trung bình giai đoạn 2012 đến quý III/2014 vào khoảng 7,2%, nhưng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2,2%. ROE toàn thị trường trong năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 11,2%, 13% và 10%.
Sự "khập khiễng" giữa tăng vốn và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cho thấy, nguồn vốn huy động được từ phát hành thêm đã không được sử dụng hiệu quả. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến giá cổ phiếu của các DN sau đó, càng khiến NĐT thận trọng. Làn sóng phát hành thêm có xu hướng tăng mạnh trở lại trong năm 2014, tuy nhiên tỷ lệ thành công khá thấp. Nhưng theo VDSC, có khá nhiều DN đang xem xét khả năng phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong năm 2015.
Trong bối cảnh NĐT trên sàn chứng khoán có nhiều lựa chọn, câu chuyện đặt ra lúc này là các DN muốn phát hành thêm cần chứng minh khả năng sử dụng đồng vốn hiệu quả để các đợt phát hành có thể thu hút được dòng tiền và đạt tỷ lệ thành công cao hơn.