Ngày 19/9/2014, HĐQT CTCP Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco – mã LAF) công bố nghị quyết HĐQT theo đó từ ngày 1/10/2014 ông Nguyễn Văn Khải được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc công ty thay cho ông Nguyễn Văn Chiểu. Hiện ông Chiểu đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Lafooco.
Một điểm đáng chú ý, ông Khải hiện đang là thành viên HĐQT của LAF đồng thời giữ chức Phó TGĐ LAF kể từ 1/8/2014, ông Khải hiện cũng đang giữ chức Phó TGĐ công ty PAN Pacific - công ty đang nắm giữ 23,03% vốn của LAF.
Nhà đầu tư đang nhìn thấy sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của LAF trong giai đoạn này, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của LAF với doanh thu tăng trưởng 44% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh có lãi 1,8 tỷ đồng thay vì lỗ hơn 14 tỷ như cùng kỳ 2013.
Vậy những thay đổi về chiến thuật và con người đang diễn ra tại LAF sẽ đem lại điều gì cho công ty trong thời gian tới, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Khải, tân tổng giám đốc Lafooco về tình hình hoạt động của công ty.
Thưa ông, sau 2 tháng tham gia ban điều hành LAF, cảm nhận thực tế của ông về thực trạng công ty ra sao?
Ông Nguyễn Văn Khải: Lafooco là công ty có thâm niên trong ngành chế biến hạt điều xuất khẩu, trong quá khứ Lafooco đã từng là một trong những công ty dẫn đầu trong ngành, sở hữu cơ sở vật chất khá tốt và đội ngũ nhân viên sản xuất có tay nghề.
Nhưng như chúng ta đều biết kết quả kinh doanh trong những năm gần đây là không tốt, đặc biệt là sau "cú vấp" năm 2012 khi Công ty thua lỗ nặng nề mà hệ quả của nó cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn (pv: năm 2012 LAF lỗ 125 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ do tồn kho điều khối lượng lớn).
Từ đầu năm 2013 đến nay, Hội Đồng Quản Trị và Ban Giám đốc Lafooco đã tập trung tiến hành cải tổ, tái cấu trúc Công ty, tuy nhiên theo cảm nhận của cá nhân tôi thì kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, vẫn còn quá nhiều vấn đề then chốt chưa được giải quyết triệt để, đòi hỏi cần có cách tiếp cận mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa mới có thể làm thay đổi tình hình.
PAN Pacific đầu tư 23% vốn vào LAF, vậy với tình hình LAF hiện tại, lãnh đạo Pan Pacific và ông có bất ngờ với điều này?
Không, chúng tôi không bất ngờ với thực trạng của Lafooco. Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu rất cẩn trọng trước khi quyết định đầu tư!
Vậy Lafooco ở đâu trong tổng thể chiến lược đầu tư và phát triển của PAN Pacific?
PAN Pacific định hướng đầu tư vào Nông nghiệp và Ngành chế biến thực phẩm, bên cạnh việc đầu tư vào những công ty có bộ máy quản lý tốt và tình hình kinh doanh hiệu quả, chúng tôi cũng sẵn sàng xem xét đầu tư vào những công ty không có những ưu điểm như vậy nhưng theo đánh giá của chúng tôi là tiềm năng phát triển trong tương lai.
Lafooco nằm trong trường hợp thứ hai! Tất nhiên chúng tôi có kế hoạch để "vực dậy" Lafooco, nhưng đó là kế hoạch dài hơi và đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Cũng cần nhấn mạnh rằng PAN Pacific hiện tại cũng chỉ là một cổ đông lớn của Lafooco, vì vậy mọi kế hoạch hành động phải được thông qua và được phê duyệt bởi HĐQT Lafooco vì lợi ích của tất cả cổ đông hiện tại của Lafooco mà không phụ thuộc vào chủ kiến riêng của PAN.
Ông có thể chia sẻ những kế hoạch cụ thể của HĐQT Lafooco trong ngắn hạn không thưa ông?
Ưu tiên của chúng tôi trong ngắn hạn là tiếp tục tập trung cải tổ mạnh mẽ, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, rà soát qui trình quản lý một cách toàn diện nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho những kế hoạch tiếp theo.
Sản phẩm Osca của LAF đã bắt đầu xuất hiện tại các siêu thị
Vậy theo ông, hiệu quả kinh doanh của Lafooco liệu có được cải thiện cùng với những thay đổi đó?
Tôi nghĩ là có nhưng đó là trong tương lai. Như tôi đã trình bày, giai đoạn này chúng tôi ưu tiên tập trung cải tổ, xây dựng những yếu tố nền tảng để Lafooco có thể phát huy những tiềm năng sẵn có, phát triển bền vững trong dài hạn mà không quá đặt nặng vào hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn.
Hơn nữa ngay cả khi giá cả nhân điều thế giới diễn biến thuận lợi như trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014, Lafooco cũng đã không thể có được kết quả kinh doanh như mong muốn. Điều đó càng khiến chúng tôi mạnh dạn ưu tiên tập trung vào việc cải tổ bộ máy và mô hình kinh doanh hiện tại của Lafooco.
Ngoài ra theo đánh giá của cá nhân tôi, năm 2015 sẽ là năm khó khăn của ngành điều khi giá nguyên liệu và nhân điều thành phẩm hiện nay đều đang xác lập ở vùng giá khá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc mua tích trữ nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.
Kịch bản "đảo chiều" giá nguyên liệu và nhân điều như năm 2011 là điều cần suy tính khi xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2015.
Ông có bi quan quá không khi mà theo tôi được biết thì kết quả kinh doanh của Lafooco trong Quý III/2014 là rất khả quan?
Đúng là kết quả kinh doanh của Lafooco trong quý III/2014 là khá tốt, tuy nhiên khách quan mà nói kết quả đó đạt được chủ yếu nhờ vào những thuận lợi của yếu tố mùa vụ và thị trường mà không xuất phát từ những yếu tố nội tại, vì vậy nó không bền vững mà cụ thể thì trong quý IV kết quả kinh doanh của Lafooco sẽ không tốt như Quý III.
Vậy theo ông khi nào thì kết quả kinh doanh của Lafooco sẽ được cải thiện một cách bền vững?
Rất khó để xác định thời điểm cụ thể, nhưng tôi hi vọng những tín hiệu tích cực đầu tiên có thể sẽ xuất hiện ở nửa sau của năm 2015.
Xin cám ơn ông.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy: Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 8 ước đạt 28.000 tấn với giá trị 185 triệu USD, đưa khối lượng XK điều 8 tháng đầu năm 2014 đạt 188.000 tấn với giá trị đạt 1,217 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 6.438 USD/tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường NK điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 31,55%, 15,69% và 11,54% tổng giá trị XK.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, khối lượng hạt điều nhập khẩu trong tháng 8 khoảng 71 nghìn tấn với giá trị đạt 73 triệu USD, đưa tổng khối lượng NK mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm đạt 406 nghìn tấn, giá trị NK đạt 418 triệu USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 4,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Báo Công thương, sản lượng điều trong nước hiện mới chỉ đáp ứng được 50% công suất chế biến, còn lại phải nhập khẩu. Thêm vào đó, trong khi thị trường xuất khẩu điều rộng mở thì tiêu thụ nội địa quá ít, dẫn tới phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu. Khi thị trường nhập khẩu biến động, ngành điều sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, tình trạng người nông dân một số nơi chặt bỏ cây điều để trồng cây công nghiệp khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn cũng là nguyên nhân khiến sản lượng điều sụt giảm.