Tael Two Partners Ltd dự kiến "rót" tối đa 450 tỷ đồng, nắm giữ 20% vốn tại GTN

(NDH) Hàng loạt phương án huy đông vốn khủng sẽ được GTN trình và xin ý kiến cổ đông trong thời gian tới gồm phát hành 75,2 triệu cổ phiếu và 700 tỷ đồng trái phiếu. Quỹ đầu tư ngoại từ Singapore, Tael Two Partners Ltd, sẽ mua 30 triệu cổ phiếu trong đợt này.

CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (mã GTN-HOSE) dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trình và xin ý kiến cổ đông thông qua 2 phương án huy động vốn qua kênh phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi.

Huy động vốn "khủng" từ phát hành riêng lẻ

Đáng chú ý, theo bản dự thảo do GTN công bố, một quỹ đầu tư từ Singapore với nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam như CTCP Tập đoàn PAN (PAN), CTCP Hùng Vương (HVG), TAEL Two Partners, sẽ đầu tư tối đa 450 tỷ đồng trong đợt phát hành này.

Cụ thể, theo tài liệu gửi tới các cổ đông, GTN sẽ phát hành riêng lẻ 75,2 triệu cổ phiếu, qua đó tăng gấp đôi số cổ phần từ 74,8 triệu cổ phiếu lên 150 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Giá phát hành sẽ được xác định khi đàm phán với từng đối tác, sử dụng giá bình quân cổ phiếu GTN trong 30 ngày nhưng dự kiến cao nhất là 15.000 đồng/cp.

Hai trong số các đối tác trong đợt phát hành riêng lẻ này đăng ký mua trên 10% vốn sau đợt phát hành gồm TAEL Two Partners và CTCP Invest Tây Đại Dương.

TAEL Two Partners dự kiến mua 30 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 20% vốn của Công ty sau phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Invest Tây Đại Dương dự kiến mua 15 triệu cổ phiếu. Để mua số cổ phần trên, quỹ đầu tư Singapore có thể chi ra tối đa 450 tỷ đồng.

Cổ phiếu phát hành sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Phương án phát hành này thay thế cho kế hoạch chào bán 75,2 triệu cổ phần cho CĐHH và CBCNV được thông qua trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên.

Cùng với kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn, GTN huy động thêm 700 tỷ đồng từ trái phiếu chuyển đổi với kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm. Giá chuyển đổi không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và sẽ do HĐQT đàm phán. Trái phiếu cũng bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, trừ trường hợp chuyển nhượng cho hoặc chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cả hai phương án huy động vốn trên sẽ được thực hiện từ quý IV/2015 đến quý II/2016. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện các dự án đầu tư, mua lại, hợp nhất, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp trong ngành theo chiến lược của Công ty.

Nếu thành công, GTN sẽ huy động thêm được tối đa 1.828 tỷ đồng (trường hợp giá phát hành đạt 15.000 đồng/cổ phiếu).

Hút vốn ngoại

Ngoài việc huy động lượng vốn lớn , điều đặc biệt của đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ này còn nằm ở sự xuất hiện của NĐT chiến lược nước ngoài.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại GTN hiện nay vẫn khá khiêm tốn, hơn 8%. GTN hiện chỉ có một cổ đông lớn nước ngoài là UBS AG London Branch với 4,72 triệu cổ phiếu nắm giữ, tương đương 6,31% vốn.

Sau đợt phát hành riêng lẻ này, nếu phương án phát hành thành công như dự kiến, TAEL Two Partners sẽ sở hữu 20% vốn GTN và giúp gia tăng đáng kể tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty này.

Tael Two Partners Ltd không phải là cái tên mới ở thị trường Việt Nam. Giữa tháng 03/2015, TAEL Two Partners đã mua 4.519.250 cổ phiếu phát hành riêng lẻ của CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN- HOSE), nâng sở hữu lên 20% vốn.

PAN cũng là một doanh nghiệp có chiến lược đầu tư vào các công ty nông nghiệp và hiện đang nắm giữ cổ phần tại nhiều DNNY lớn như CTCP Giống Cây trồng TW (Vinaseed- NSC), CTCP Giống Cây trồng Miền Nam (SSC), CTCP Bibica (BBC)...

Quỹ này cũng đã đầu tư vào một số DNNY của Việt Nam trong các đợt phát hành riêng lẻ như CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS) và CTCP Hùng Vương (HVG).