[Tác động của dự thảo Thông tư 210] Sẽ không có sự thiếu hụt về nguồn cho vay margin

[Tác động của dự thảo Thông tư 210] Sẽ không có sự thiếu hụt về nguồn cho vay margin

(NDH) Theo HSC, ước tính sơ bộ tổng cho vay margin hiện đã giảm 45% so với mức đỉnh điểm vào tháng 11. Một số CTCK lớn đã huy động một lượng vốn lớn hơn từ phát hành TPDN, giúp bù lại mức giảm trong hoạt động cho vay ký quỹ hiện tại của các ngân hàng.

Dự thảo thông tư 210 quy định về hoạt động của CTCK trong đó hạn chế nguồn huy động vốn cho vay đối với các CTCK đã ảnh hưởng đến tâm lý chung trên thị trường.

CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) vừa có báo cáo về tác động của dự thảo Thông tư 210, theo đó, HSC cho rằng Thông tư 210 sẽ tác động tiêu cực đối với tâm lý thị trường trong ngắn hạn và khuyến nghị NĐT chốt lời một số cổ phiếu nếu thời gian đầu tư là 1 tháng. Các NĐT dài hạn vẫn có thể mua vào khi thị trường giảm.

Theo HSC, ảnh hưởng của thông tư 210 đối với hoạt động cho vay margin sẽ ít hơn nhiều so với thông tư 36, tuy nhiên tác động đối với tâm lý thị trường của hai thông tư này có thể là như nhau do đều được ban hành vào thời điểm bất ổn, lo ngại trên thị trường ngày càng gia tăng.

Những quy định pháp lý đang dần được thắt chặt và kết quả chính dẫn đến là dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán trong ngắn hạn sẽ ít hơn.

Mục đích của những quy định mới là nhằm (1) cải thiện tính minh bạch và quản lý; (2) đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành chứng khoán đang trong tình trạng trì trệ kéo dài; và (3) giảm hoặc loại bỏ rủi ro hệ thống từ việc huy động và cho vay trái phép. Và dĩ nhiên sẽ dẫn đến những xáo trộn trong một vài tháng. Có thể thị trường đã bắt đầu xáo trộn kể từ cuối tháng 11/2014 khi mà những thay đổi của Thông tư 36 lần đầu tiên được công bố.

Tuy nhiên, theo HSC, những lo ngại hiện tại chỉ là ngắn hạn trong khi đó những tác động tích cực sẽ xuất hiện trong trung đến dài hạn. Điểm quan trọng nhất có thể là tác động chính của những thay đổi này là đối với tâm lý thị trường. HSC cho rằng sẽ sai khi kết luận rằng tổng cho vay margin về mặt lý thuyết sẵn có trên thị trường sẽ giảm đáng kể do tác động từ những thay đổi hành chính trên. Nói cách khác, lo ngại ở đây chủ yếu là vấn đề từ bên cầu (tác động đến cầu của NĐT đối với vay margin) và không phải là từ bên cung (tổng lượng cho vay ký quỹ sẵn có từ các CTCK).

Có 2 điểm chính cần lưu ý trong dự thảo sửa đổi Thông tư 210 mà nhà đầu tư cần lưu ý.

(1) Đưa ra định nghĩa chính xác về cho vay – Trước đó, Thông tư 210 không đưa ra bất kỳ định nghĩa cụ thể nào về cho vay là gì. Tuy nhiên, dự thảo hiện tại đưa ra định nghĩa về cho vay. Theo đó, cho vay là thỏa thuận trong đó một bên giao tiền, tài sản (bên cho vay) cho đối tác (bên vay) trong một thời hạn nhất định. Khi kết thúc thời hạn, bên vay phải hoàn trả đầy đủ tiền, tài sản cho bên cho vay và có thể kèm theo một khoản chi phí phải trả dưới hình thức lãi suất, phí.

Theo HSC, mục đích ở đây là để xây dựng khung pháp lý rõ ràng đối với hoạt động cho vay ký quỹ của CTCK. Không phải tất cả các CTCK được phép thực hiện các hoạt động cho vay margin và thực tế các CTCK trước hết phải đáp ứng tất cả các hệ số an toàn. Hiện tại có khoảng 50 CTCK trong số 84 CTCK đang hoạt động được phép cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.

Dự thảo bổ sung cố gắng xác định phạm vi của các hợp đồng cho vay. Theo đó, cơ quan quản lý có thể xác định liệu sản phẩm cho vay margin của một CTCK nằm trong hay vượt ngoài định nghĩa trên. Với rất nhiều loại hợp đồng cho vay margin hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường. Có thể bất kỳ hợp đồng cho vay nào vượt quá định nghĩa nêu trên sẽ phải ký kết lại hoặc hủy bỏ. Thay đổi này cùng với Thông tư 36 hạn chế khả năng của các ngân hàng trong hoạt động cho vay margin có thể dẫn tới thời gian điều chỉnh sẽ kéo dài do một số CTCK (đặc biệt là những công ty nhỏ hơn) theo đó sẽ phải điều chỉnh hoạt động của mình.

Theo HSC, điều này có thể ảnh hưởng làm giảm giá trị giao dịch margin trong một vài tháng và ảnh hưởng đến doanh thu của các CTCK nhỏ hơn. Thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành đang diễn ra. Tác động tích cực về mặt quản trị.

(2) Hạn chế nguồn huy động vốn cho vay đối với các CTCK – Thông tư hiện tại không có quy định cụ thể đối với nguồn vốn mà một CTCK có thể huy động. Tuy nhiên, dự thảo hiện tại bao gồm một số điều khoản quy định cụ thể một CTCK chỉ có thể huy động vốn từ (a) các tổ chức tín dụng hoặc các cổ đông; và từ (b) phát hành chứng khoán thông qua phát hành riêng lẻ hoặc chào bán công khai hoặc (c) vay các khoản nợ thứ cấp. Và cấm bất kỳ hình thức huy động vốn từ các hợp đồng hợp tác ba bên.

HSC lưu ý rằng hiện nay có một số CTCK huy động vốn thông qua các hợp đồng hợp tác ba bên. Lý do chính mà một số CTCK ký thực hiện loại hợp đồng này là vì các công ty này hiện đang trong tình trạng thiếu vốn từ các nguồn huy động khác để cung cấp các sản phẩm cho vay margin. Nhưng vẫn duy trì cung cấp dịch vụ này để bảo vệ thị phần của mình. Do đó, những hợp đồng hợp tác ba bên này thường không được ghi nhận trên báo cáo tài chính của các CTCK. Do đó, gây ra khó khăn trong việc ước tính và quản lý.

Tuy nhiên, theo HSC, vốn huy động từ các hợp đồng này là không đáng kể do chỉ có một số ít CTCK gặp khó khăn trong huy động vốn cho vay margin và tổng thị phần của các công ty này ở mức dưới 10%. Đối với các CTCK có tình hình tài chính tốt, các nguồn huy động vốn đối với một CTCK theo quy định của dự thảo là đủ để tiếp cận nguồn vốn mới khi cần.

Margin đã giảm 45% so với mức đỉnh tháng 11

Theo HSC, hầu hết các CTCK lớn có nguồn dự trữ tiền mặt dồi dào từ tiền mặt sẵn có, tiền gửi ngân hàng hay các khoản tiền từ phát hành trái phiếu. Và nguồn tiền này có thể bổ sung cho nguồn vốn cho vay margin khi có nhu cầu phát sinh.

HSC ước tính sơ bộ tổng cho vay margin hiện đã giảm 45% so với mức đỉnh điểm vào tháng 11. Và sau đó, một số CTCK lớn đã huy động một lượng vốn lớn hơn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Số vốn huy động mới này giúp bù lại mức giảm trong hoạt động cho vay ký quỹ hiện tại của các ngân hàng. Nói cách khác, các CTCK có khả năng tăng tổng cho vay margin thêm 25-30% mà không cần huy động vốn mới khi nhu cầu vay margin từ nhà đầu tư tăng.

Lượng cho vay ký quỹ vẫn chưa tăng nhưng quan điểm ở đây là không có sự thiếu hụt về nguồn cho vay margin. Và theo đó có thể kết luận rằng khi dòng thông tin trở lại tích cực, thị trường sẽ tăng cao hơn mà không có trở ngại hay lo lắng về khả năng cho vay margin đã sát mức trần cho phép.

Một lo ngại khác là sự thắt chặt các quy định về quản lý tiền của khách hàng do CTCK nắm giữ. Điều này có thể cũng tác động đến các công ty nhỏ hơn khi không có sự tách biệt theo đúng tiêu chuẩn ngành giữa tiền của khách hàng với các nguồn tiền khác của công ty. Điều này cũng có thể gây nên những xáo trộn do các CTCK nhỏ hơn này gặp khó khăn trong phân loại nguồn tiền mặt để tách biệt rõ ràng với tiền của khách hàng.