Sức khỏe của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi tỷ giá và sức ép hội nhập

(NDH) Sẽ có 10-15 doanh nghiệp bị hủy niêm yết trên sàn Hà Nội vào đầu quý II/2015 sau khi Sở GDCK Hà Nội rà soát kết quả kinh doanh năm 2014 có kiểm toán của các DN niêm yết trên thị trường.

Sáng 16/4 Sở GDCK Hà Nội công bố kết quả kinh doanh năm 2014 sau kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn Hà Nội. Theo đó, tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp sàn Hà Nội trong năm 2014 khả quan hơn so với năm 2013, trong đó số doanh nghiệp kinh doanh có lãi tăng lên 317 DN tăng 3,9% so với số DN có lãi năm trước, tổng giá trị lãi đạt hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2013.

Tổng số DN lỗ trong năm 2014 trên sàn Hà Nội là 32 doanh nghiệp, với giá trị lỗ khoảng 643 tỷ đồng, giảm 81,4% so với giá trị thua lỗ năm 2013.

Tổng LNST của khối doanh nghiệp niêm yết đạt 12.376 tỷ đồng tăng 64% so với năm 2013. Trong đó ngành xây dựng lỗ nhiều nhất, sau đó đến khai khoáng, dầu khí và ngành công nghiệp.

Theo ông Vũ Quang Trung, phó giám đốc Sở GDCK Hà Nội, đa phần các trường hợp bị hủy niêm yết trên HNX chủ yếu do thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc âm vốn điều lệ. Trong 2 tuần tới HNX sẽ rà soát và tổng hợp lại các trường hợp nằm trong diện bị hủy niêm yết, dự kiến sẽ có khoảng 10-15 doanh nghiệp bị hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch trên UpCOM.

Đánh giá về sức khỏe của các doanh nghiệp trên sàn Hà Nội thời gian tới, ông Trung cho rằng sức khỏe của doanh nghiệp không chỉ phản ánh ở phương diện kinh tế vĩ mô. Có thời điểm thị trường khó khăn song vẫn có doanh nghiệp sống tốt, vì khủng hoảng là cơ hội để bộc lộ ra doanh nghiệp nào lobby để kiếm dự án, còn doanh nghiệp nào dùng chất lượng, tiến độ để chứng minh thì họ vẫn làm ăn tốt thậm chí đi thâu tóm doanh nghiệp khác.

Ông Trung hy vọng thị trường như con quay hồi chuyển, những doanh nghiệp nào đủ sức vượt qua đáy sẽ có đà đi lên nhờ hiệu quả mang lại từ tình hình kinh tế vĩ mô cải thiện, tăng trưởng tín dụng, lãi vay giảm…

Tuy nhiên, có 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp đó là tỷ giá và sức ép hội nhập.

Về khó khăn đầu tiên là tỷ giá, thời gian này mức lợi suất nhà nước trả để bán trái phiếu và tín phiếu cao hơn dự kiến, thậm chí tín phiếu do NHNN phát hành thời hạn 6 tháng lợi suất tăng 3-4%, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ chỉ ở mức khoảng 7%/năm. Tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các DN vay vốn nước ngoài, phần trả lãi bằng tiền Việt sẽ tăng lên rất nhiều.

Khó khăn thứ hai đến từ sức ép về hội nhập, năm nay là năm Asean tuyên bố thành lập Cộng đồng kinh tế Asean (AEC), đây không phải là câu chuyện mới, tuy nhiên sự chuẩn bị của các DN Việt Nam về AEC rất mờ nhạt. Điều này giống như cách đây 10 năm chúng ta đã không tận dụng triệt để các lợi thế khi tham gia vào WTO.

Một số DN trên sàn Hà Nội đã đầu tư sang Lào, Singapore nhưng đó là đốm lửa nhỏ, đa số các DN hướng tới thị trường trong nước, những nhà quản lý vẫn đang điều hành doanh nghiệp chạy êm chứ chưa tính tới sự phát triển đột phá, lớn mạnh ra tầm khu vực, những DN lớn mạnh với tốc độ kinh khủng lại gặp nghi ngờ về năng lực tài chính, quản trị..

Nếu chúng ta không chuẩn bị gì mà các DN nước bạn đã chuẩn bị trước thì chúng ta thay vì tràn ngập hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập hàng hóa của Thái Lan, Philipin, Indonesia…và những ai đã ngủ quên trên chiến thắng sẽ không đáp ứng được sự cạnh tranh của AEC.