Sức hút IPO Cảng Sài Gòn: Bất động sản

Sức hút IPO Cảng Sài Gòn: Bất động sản

Theo kế hoạch, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (CSG) sẽ tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 30/6. Dù tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi không cao nhưng CSG vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.

Không kỳ vọng tăng trưởng

CSG là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ sở hữu. CSG hiện đang sở hữu 3 khu cảng tại TPHCM và 1 chi nhánh tại Bà Rịa Vũng Tàu, với tổng chiều dài các bến cảng do CSG khai thác 2.899m, bao gồm 20 cầu tàu và 463.448m2 hệ thống kho bãi. Sản lượng hàng hóa thông qua CSG bình quân giai đoạn 2010-2014 là 10,6 triệu tấn/năm.

Trong đó, khoảng 80% giá trị sản lượng và doanh thu đến từ 2 cảng chính là Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4) và Cảng Tân Thuận (quận 7), trong khi 2 cảng còn lại chỉ tập trung vào mảng hàng rời. Theo thống kê, hoạt động kinh doanh chính của CSG (đóng góp hơn 80% tổng doanh thu 2014) là cung cấp các dịch vụ cảng. Trong đó, dịch vụ bốc xếp hàng hóa chiếm tỷ trọng chính khi chiếm khoảng 56% tổng doanh thu 2014 của CSG.

Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực cảng biển, hoạt động kinh doanh chính của CSG không nhiều triển vọng tăng trưởng khi Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (đóng góp khoảng 50% doanh thu cảng cho CSG) theo kế hoạch phải di dời từ tháng 6-2016. Trong khi đó, các cảng còn lại đã hoạt động ở mức công suất tối đa và chưa có kế hoạch mở rộng.

Đơn cử, Cảng Tân Thuận 1 vẫn chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng nào dù cảng này cũng đã hoạt động gần mức công suất toàn dụng. Cảng Tân Thuận 2 hiện đang chịu áp lực chia sẻ hàng với các cảng lân cận khiến sản lượng hàng hóa qua cảng trong năm 2014 sụt giảm 17%.

Bên cạnh hoạt động theo giá góp vốn vào các liên doanh khác tại Cái Mép - Thị Vải cũng không mang lại hiệu quả như mong đợi. Tất cả đều theo hướng sông Soài Rạp với vị trí khá thuận lợi trong việc giao thương bằng đường bộ, đường thủy và cả đường sắt.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án này hầu như đều đang được xây dựng dở dang, chưa đưa vào khai thác hoặc một số cảng đã hoạt động nhưng chưa có hiệu quả trong giai đoạn đầu. Các cảng này đều hạch toán độc lập và chưa có lãi nên khả năng khó có thể bổ sung, bù đắp sự sụt giảm sản lượng, doanh thu và lợi nhuận của CSG trong thời gian tới.

Điểm nhấn duy nhất của CSG chính là Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, có thể giúp CSG bù đắp sự sụt giảm sản lượng sau kế hoạch di dời nhưng hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và giai đoạn đầu đi vào hoạt động sẽ có khó khăn.

Giá IPO?

Theo kế hoạch, CSG sẽ chào bán 35,7 triệu cổ phần (tương đương 16,51% vốn điều lệ) thông qua hình thức đấu giá với mức giá khởi điểm là 11.500 đồng/CP vào ngày 30-6. Sau phát hành, vốn điều lệ của CSG sẽ tăng lên 2.163 tỷ đồng, tương đương với giá trị phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp. Ngay sau khi IPO, CSG dự kiến phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược khoảng 35,7 triệu CP (tương đương 16,51%).

Hiện đã có 3 đối tác tiềm năng đăng ký mua tổng cộng đến 102% vốn điều lệ của CSG, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), với mức đăng ký cụ thể lần lượt là 80%, 11% và 11% vốn điều lệ của CSG.

Theo phân tích của CTCK Maybank KimEng (MBKE), với mức giá khởi điểm cho đợt IPO tới 11.500 đồng/CP, thì CP của công ty mẹ CSG đang giao dịch ở mức P/E 2014 khoảng 47x. Chỉ số này rất cao so với bình quân các công ty khác trong ngành (P/E bình quân khoảng 9x). Tuy nhiên, với mức giá trị sổ sách sau khi định giá lại là 10.213 đồng/CP, mức P/B tương ứng của CP CSG đang vào khoảng 1,1x, chỉ thấp hơn so với mức 1,4x trung bình các công ty cùng ngành.

Đặc biệt, do triển vọng kinh doanh những năm tiếp theo không kỳ vọng tăng trưởng, nên CSG không có kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt cho các năm tới (sau khi cổ phần hóa). Nếu không có thay đổi đáng kể nào trong hoạt động kinh doanh của CSG trong 2015, doanh thu chỉ tăng nhẹ 1,2% (đạt 934,7 tỷ đồng), nhưng dự kiến lợi nhuận sau thuế vẫn giảm rất mạnh đến gần 80% (đạt 10,6 tỷ đồng).

Đích ngắm bất động sản

Với những phân tích như trên, CP CSG không thật sự hấp dẫn nhưng tại sao vẫn có nhiều cổ đông lớn đặt mua cổ phần CSG trong đợt IPO sắp tới? Theo MBKE, sức hút đối với CSG ở thời điểm hiện nay chính là quỹ đất rất lớn của doanh nghiệp này. Các khu đất cảng của CSG với vị trí bờ sông phù hợp để phát triển các dự án bất động sản chính là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các đối tác chiến lược tiềm năng hiện nay.

Tổng diện tích đất CSG đang sử dụng là 183,3ha, trong đó khoảng 30% diện tích này là đất thuê và 127,5ha còn lại là đất giao. Tổng giá trị quyền sử dụng đất đối với đất giao được tính vào giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi thành CTCP là 246,5 tỷ đồng (tăng 217 tỷ so với giá trị sổ sách trước đó).

Được biết, nếu phần lớn đất giao thuộc Bà Rịa Vũng Tàu không nhiều hấp dẫn, thì gần 558.000m2 đất thuê của CSG có hơn 200.000m2 đất của 2 cảng Tân Thuận 1 và 2 sẽ hết hạn vào cuối 2020 lại vô cùng hấp dẫn. Không loại trừ khả năng các cảng này sẽ di dời và chuyển đổi công năng như cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sắp tới.

Dự án chuyển đổi công năng cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có quy mô dự án chuyển đổi công năng 32,1ha với chiều dài bờ sông 1.800m, dân số dự kiến 11.650 người, 3.000 căn hộ, văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học…

Tổng mức đầu tư của dự án là 11.000 tỷ đồng. Năm 2014, CSG góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (công ty liên kết của VIC) bằng giá trị còn lại của các cầu cảng từ K6 đến K10 và giá trị lợi thế kinh doanh với giá trị 300 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 26%. Với dự án này, CSG dự kiến sẽ được chia cổ tức 10% mỗi năm, tính từ năm 2018.