Sửa bộ đôi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư: Đúng hướng nhưng cần hoàn thiện

(ĐTCK) Toàn bộ nội dung về ngành nghề cấm, hạn chế kinh doanh quy định trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nay được chuyển sang Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Thay đổi cơ bản

Ngày 9/9, trong ngày họp thứ 2 của Hội nghị đại biểu chuyên trách, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cho 2 dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là hai dự luật được đánh giá có tác động sâu rộng đến nền kinh tế.

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá dự thảo luật đã đi đúng với tinh thần tự do kinh doanh quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, một số vấn đề chi tiết đã được góp ý để hoàn thiện hơn.

So với 2 dự thảo trình Quốc hội trong kỳ họp trước, đã có sự thay đổi lớn khi toàn bộ quy định về ngành, nghề cấm, hạn chế đầu tư kinh doanh được chuyển vào Luật Đầu tư (sửa đổi), thay vì Luật Doanh nghiệp. Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được coi như luật khung.

Ở Dự luật Đầu tư (sửa đổi), các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh được liệt kê ở Điều 4, kèm theo một số phụ lục. Còn với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Dự luật chỉ nêu tiêu chí xác định và giao Chính phủ định kỳ công bố danh mục cụ thể, sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo xin ý kiến đại biểu về dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho thấy, qua rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Sau khi xem xét, cân nhắc, Dự luật đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật Đầu tư và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Chỉ luật mới được cấm, hạn chế

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng: bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết hoặc không rõ mục tiêu quản lý nhà nước. Đồng thời, bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư.

Mặt khác, một số điều kiện đầu tư kinh doanh từ hình thức cấp giấy phép được chuyển sang áp dụng hình thức tự đăng ký thực hiện và áp dụng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, dịch vụ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, đặt ra các điều kiện đầu tư, kinh doanh, bản chất là đã hạn chế tự do kinh doanh so với tinh thần của Hiến pháp. Nếu phải hạn chế thì phải đưa vào luật. Tức là ngoài hạn chế được quy định trong luật này, không một văn bản nào dù thuộc thẩm quyền ban hành của ai, cơ quan nào được phép đặt ra điều kiện hạn chế kinh doanh.

Hầu hết các góp ý của các đại biểu đều đánh giá cao Dự luật và nhấn mạnh tinh thần cấm, hạn chế đều phải quy định trong luật, ngoại trừ luật, không ai, cơ quan nào có quyền quy định các hạn chế, các điều kiện. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quy định giao cho Chính phủ định kỳ rà soát, bổ sung cập nhật danh mục cấm kinh doanh và báo cáo Thường vụ Quốc hội cần phải làm rõ. Báo cáo thế nào, chỉ báo cáo rồi cứ ban hành hay báo cáo và được Thường vụ Quốc hội đồng ý mới ban hành? Đây là điểm cần cân nhắc.

Đại biểu Trần Đắc Lâm, tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong Điều 4 quy định về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, nhưng lại có loại trừ. Chẳng hạn, cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, ma túy, pháo..., trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng. “Đã cấm thì không ai được làm, nếu đã có loại trừ thì nên đưa vào loại kinh doanh có điều kiện”, đại biểu Lâm nói.

Ủng hộ bãi bỏ ghi ngành nghề kinh doanh

Về Dự Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), khi toàn bộ quy định về các ngành, nghề cấm, hạn chế kinh doanh đã được chuyển sang Dự luật Đầu tư (sửa đổi), nội dung còn có ý kiến khác nhau chủ yếu tập trung vào vấn đề giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DNNN, nhóm công ty.

Về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Dự luật quy định theo hướng bãi bỏ việc ghi nhận ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên để phục vụ cho công tác hậu kiểm, thống kê và quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng như nhiều đại biểu tán thành việc không ghi ngành nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận để đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Đồng thời, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc ghi ngành nghề chỉ mang tính thủ tục hành chính, gây phiền hà không cần thiết cho DN. Vì vậy, Dự luật giữ nguyên hướng không ghi ngành, nghề. Còn công tác hậu kiểm, thống kê, quản lý, các cơ quan nhà nước sẽ phải trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin.

Về quy định đối với DNNN, ý kiến của các đại biểu cho rằng, nên thống nhất DNNN là DN có 100% vốn Nhà nước, còn DN mà Nhà nước chỉ góp một phần vốn thì không xếp vào DNNN. Ý kiến này đã được Ban soạn thảo tiếp thu và quy định thành một chương riêng về DNNN. Về lương cho nhóm quản lý trong DNNN, đại biểu Trương Thị Mai cho rằng, tiêu chí quan trọng nhất là hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chứ không thể quy định theo hướng đánh đồng.

Về nhóm công ty, một số đại biểu cho rằng, nhóm công ty không phải là một loại hình DN, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thực tiễn là có nên cần phải quy định.

”Khối tư nhân cũng có DN lớn, hoạt động theo mô hình tập đoàn, phát sinh các quan hệ cổ phiếu, cổ phần. Nếu không đặt vấn đề vào luật thì không sát thực tế, do đó cần phải quy định”, đại biểu Huỳnh Thành, tỉnh Gia Lai nói.

Dự kiến, hai dự luật này sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.