Một năm buồn của Chứng khoán Việt Nam
Năm 2015 là năm thị trường chứng khoán tiếp tục chịu nhiều các tác động từ những yếu tố bên ngoài, mà tiêu biểu nhất vẫn là sự kiện biển Đông lần 2; bất ổn của giá dầu thế giới; TTCK Trung Quốc; vấn đề tỷ giá; dịch chuyển dòng vốn quốc tế…
Đúng một năm sau sự kiện kiển Đông của năm 2014 diễn ra khiến VN-Index bốc hơi hơn 5% điểm số, hiệu ứng này một lần nữa lặp lại vào phiên 4/5/2015. Chỉ số chứng khoán sàn HOSE bị “lốc” đi 3,08%, tuy không sụt mạnh như lần trước nhưng cũng khiến cho nhà đầu tư một phen chao đảo.
Trong khi đó, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc đã kéo theo sự sụt giảm mạnh của các cổ phiếu dầu khí trên thị trường, đây cũng là một nhân tố khá lớn dẫn tới những bất ổn của thị trường chứng khoán.
Thông tư 36 có hiệu lực
Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu tháng 2/2015 được xem là có tác động tiêu cực lên hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu của các CTCK cũng như sụt giảm thanh khoản của thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định tác động của Thông tư 36 là làm lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng, làm cho dòng vốn vào chứng khoán trong trung dài hạn có chất lượng. Ngoài ra, Thông tư 36 còn giúp các công ty chứng khoán có cơ hội tái cấu trúc.
Chính thức nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 9
Nghị định 60/2015/NĐ-CP bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9/2015. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định mới là nới room (tỷ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là doanh nghiệp đầu tiên thông báo giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu SSI là 100% từ ngày 1/9/2015 (ngày Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực).
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có phản ứng không mấy tích cực với thông tin trên. Thậm chí, khối ngoại trong tháng 9 đã có phiên bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, đạt tới 989,4 tỷ đồng.
Việc thị trường chứng khoán Việt Nam không có được những diễn biến tích cực sau khi NĐ 60 có hiệu lực được cho là do nhà đầu tư vẫn chưa biết rõ về những ngành nghề đủ điều kiện nới room có thể sẽ làm giảm sức hứng thú của họ. Sự chậm trễ trong việc đưa ra hướng dẫn cụ thể về các lĩnh vực được nới room có thể sẽ gây thất vọng cho những nhà đầu tư muốn khai thác tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Đến ngày, ngày 19/8/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thay thế Thông tư số 213/2012/TT-BTC ngày 06/12/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2015.
SCIC quyết định thoái vốn khỏi 10 ông lớn
Cuối ngày 14/10, thị trường đón nhận thông tin Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP)...
Thông tin trên ngay lập tức giúp các cổ phiếu VNM, FPT, NTP... có được mức tăng điểm tích cực trong một thời gian dài.
Về các thương vụ IPO, trong năm 2015 thị trường chỉ có một vài thương vụ lớn như trường hợp của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, Cảng Sài Gòn hay ACV, trong đó, chỉ có thương vụ của ACV là có giá trị trên 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, một số trường hợp ''lỗi hẹn'' như "ông lớn" ngành viễn thông MobiFone, hhàng không giá rẻ Vietjet Air, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)...
Rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2 từ 1/1/2016
Nhằm triển khai các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán và từng bước áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế đối với các hoạt động giao dịch, thanh toán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) xây dựng Phương án giai đoạn 1 triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán. Theo đó, chu kỳ thanh toán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư sẽ rút ngắn từ 9h ngày T+3 về 16h30 ngày T+2. Thời gian triển khai áp dụng kể từ ngày 01/01/2016.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra không hào hứng với thông tin này, dù họ trước đó đã kỳ vọng nhiều về việc rút ngắn chu kỳ giao dịch. Nguyên nhân là do, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán này chưa đem lại nhiều lợi ích khác biệt cho nhà đầu tư trong việc mua bán do tiền và chứng khoán về tài khoản vào ngày T+2 khi cả hai sàn đã kết thúc phiên giao dịch.
Theo ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường của UBCKNN lúc đó đã có ý kiến rằng việc nhận tiền vào 16h30 ngày T+2 sẽ tiết kiệm được 1 ngày so với vào lúc 9h sáng ngày T+3, nên sẽ giúp tiết kiệm cho các khoản đầu tư lớn. Ngoài ra, khi cổ phiếu về tài khoản sớm, nhà đầu tư có thể cầm cố cổ phiếu để lấy tiền hoặc thực hiện các giao dịch khác.
Được vay chứng khoán và bán T+0
Để triển khai các giải pháp nâng cao thanh khoản cho thị trường chứng khoán, từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, UBCKNN đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC ngày 1/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.
Một trong các điểm mới đáng chú ý của Thông tư này so với Thông tư 74/2011 liên quan đến hình thức giao dịch mới: Giao dịch trong ngày.
Giao dịch trong ngày được định nghĩa là giao dịch theo phương thức thanh toán thông thường. Sau khi đã mua hoặc bán thì nhà đầu tư có trách nhiệm bán, hoặc mua một lượng chứng khoán tương đương để bù trừ cho giao dịch đã thực hiện trước đó trong cùng ngày.
Việc áp dụng T+0 được kỳ vọng giúp thanh khoản thị trường được cải thiện hơn. Thanh khoản sẽ là chìa khóa mở đường, đưa chứng khoán trở thành kênh hút vốn, kênh đầu tư của nền kinh tế. Thanh khoản cũng sẽ giải quyết được một phần bức xúc của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Tất cả công ty đại chúng không niêm yết phải lên UpCom
Thông tư 180/2015/TT-BTC đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành vào ngày 13/11/2015 hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết. Thông tư này thay thế Thông tư 01/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết.
UBCKNN cho biết Thông tư 180 có hai nội dung thay đổi quan trọng so với Thông tư 01 là về đối tượng, thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch và hồ sơ đăng ký giao dịch.
Tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 01/01/2016 (ngày Thông tư 180 có hiệu lực) mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán sẽ phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, UBCK cũng cho biết thêm đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 01/01/2016, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty đại chúng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên hệ thống Upcom.
Mở rộng đối tượng phải công bố thông tin trên TTCK
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 155/2015/TT-BTC quy định hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, thông tư này thay thế Thông tư số 52/2012/TT-BTC và có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo thông tư 155, đối tượng phải công bố thông tin đã được mở rộng hơn rất nhiều.
Theo thông tư 155, các nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin bao gồm:
a) Nhà đầu tư là người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng và người có liên quan của người nội bộ;
b) Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng; thành viên sáng lập của quỹ đại chúng;
c) Nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư có liên quan mua vào để trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng, sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng.
Được tự do đầu tư vào chứng khoán phái sinh
Ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh.
Theo đó, chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: Hợp đồng tương lai; quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán; chứng khoán phái sinh niêm yết khác, chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
Tổ chức, cá nhân được tự do đầu tư vào các chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán phái sinh, trừ một số trường hợp đầu tư có điều kiện.