STG, VFR đồng loạt "thay máu" cổ đông lớn

(NDH) CTCP Kho vận miền Nam và CTCP Vận tải và Thuê tàu giống nhau ở chỗ đều vừa phải "chia tay" cổ đông lớn nhà nước SCIC. Trước đó, SCIC cũng đã thoái thành công vốn tại nhiều doanh nghiệp như DCL, VNE, SSC...

Giao dịch khối lượng "khủng" và sự ra đi của SCIC

Ngày 1/7/2015, cổ đông lớn nhất của CTCP Kho vận miền Nam (Sotrans, mã STG- HSX) là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) đã thoái hết vốn tại công ty này. Trước đó, SCIC là cổ đông lớn nhất sở hữu 47,73% cổ phần, tương đương 3,98 triệu cổ phiếu. Thương vụ này đã giúp SCIC thu về 116,4 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 29.200 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào cuối tháng 6/2015, CTCP Chứng khoán IB (mã VIX- HNX) cũng đã bán gần như toàn bộ số 1,226 triệu cổ phiếu nắm giữ tại STG, tương tương 14,69% vốn điều lệ.

Ngoài STG, SCIC mới đây cũng đã thoái thành công một phần vốn CTCP Vận tải và Thuê tàu (Vietfracht, mã VFR- HNX). Cụ thể từ ngày 20/5 đến 18/6, SCIC đã bán thành công 6,47 triệu cổ phiếu VFR trong tổng số 51% vốn cổ phần đăng ký bán ra trước đó. SCIC đã tiếp tục đăng ký bán số cổ phần còn lại.

Trước đó, ngày 19/5, VIX - cổ đông lớn sở hữu 9,2% vốn VFR, đã bán thành công 902.900 cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,85%.

Mới đây, một cổ đông lớn khác của VFR cũng thông báo bán thành công toàn bộ 1 triệu cổ phiếu VFR, tương đương với 6,67% lượng cổ phần. Tổng cộng đã có 55,14% vốn VFR được cổ đông lớn chuyển nhượng từ 19/5 tới nay.

S99 tăng gấp đôi sở hữu STG lên 24,2%

S99 đã mua thêm 985.942 cổ phiếu STG, tăng số cổ phần nắm giữ từ 1,035 triệu cổ phiếu lên 2,02 triệu cổ phiếu. S99 qua đó tăng gấp đôi tỷ lệ sở hữu từ 12,39% lên 24,2%, trở thành cổ đông lớn nhất của Kho vận miền Nam.

Ngoài ra, 3 triệu cổ phần còn lại của SCIC đã được chuyển nhượng sang 2 cá nhân, gồm bà Nguyễn Thị Vân và bà Trần Thị Hương. Trước đó, 2 cá nhân này đều chưa sở hữu cổ phiếu STG.

Trong những giao dịch trên, phần lớn bên mua là những cổ đông cá nhân mới và chưa từng được biết tới trên thị trường chứng khoán.

Như trường hợp của VFR, ngày 20/5, cả 4 cá nhân mua mới với tổng lượng cổ phần mua vào lên tới 9,32 triệu cổ phiếu, chiếm 62,17% vốn điều lệ, đều là các cổ đông mới, chưa từng sở hữu cổ phiếu VFR.

Sau các giao dịch đó, bà Dương Thị Huệ nắm 19,05% cổ phần, bà Vũ Thị Hạnh 16,69%, bà Nguyễn Thị Thanh 12,52%, bà Đỗ Thị Huyền 13,91%, bà Vũ Thị Kim Thanh mua 10,05%.