Công ty Cổ phần Kho vận miền Nam (Mã: STG – HoSE) thực hiện đăng ký mua 2,25 triệu cổ phần MHC của CTCP MHC. Giao dịch này sẽ kết thúc vào ngày 8/1 tới đây, nếu thành công STG sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,71% lên 20,01%.
Điều đáng nói ở đây, MHC có vốn điều lệ gấp đôi so với STG nhưng có vẻ như đang dần bị thâu tóm. Không chỉ dừng lại ở việc tăng sở hữu lên 20%, STG còn có ý định sở hữu 65% vốn cổ phần của MHC trong tương lai gần. Thương vụ M&A đầu tiên trong ngành logistics có phải đang diễn ra?
STG vững lợi thế logistics
STG làm các hoạt động dịch vụ: giao nhận vận tải quốc tế, kho đa chức năng, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhớt.
Về dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế, STG có hệ thống đại lý trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là đại lý hải quan mẫu đầu tiên tại Việt Nam, có thể đại diện khách hàng ký và đóng dấu tờ khai hải quan. STG cũng cung cấp chuỗi dịch vụ logistics từ khâu nhận hàng, đóng gói, kho lưu, thủ tục hải quan… đến điểm nhận hàng cuối cùng.
Về dịch vụ kho đa chức năng, STG có nhiều hệ thống kho lớn tại quận 4,7,9, Bình Chánh, Thủ Đức của TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, tổng diện tích kho bãi cả nước khoảng 230.000 m2.
Trong 5 năm tới, STG cho biết sẽ tập trung phát triển hệ thống kho và giao nhận tại các khu vực có quy hoạch Cảng biển theo Chiến lược Quy hoạch phát triển Cảng biển đến năm 2020, định hướng 2030. Đặt biệt là hệ thống Cảng biển nhóm 5 thuộc khu vực Đông Nam Bộ gồm TP. HM (Cát Lái, Hiệp Phước), Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu (Cái Mép – Thị Vải), Long An, Tiền Giang và tập trung vào các khu vực trung tâm khu Công nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đà Nẵng… STG tập trung hệ thống 3 nhóm Cảng chính bao gồm Cảng Cái Mép, Cảng TP.HCM và Cảng Đồng Nai.
Khá lạc quan với triển vọng các năm tiếp theo, STG đặt mục tiêu kinh doanh năm 2016 với doanh thu 1.220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 142% so với năm 2015. Năm 2017, con số này lần lượt là 1.270 tỷ đồng và 96 tỷ đồng.
Đột phá khi SCIC ra đi
Không chỉ đặt kế hoạch kinh doanh với những con số ấn tượng, STG còn lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2016. Cụ thể, STG sẽ phát hành thêm 13,78 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, tương đương 275,6 tỷ đồng. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Số tiền huy động được sử dụng đầu tư xây dựng kho Phú Mỹ (80 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động.
Cũng không chỉ lên kế hoạch tăng sở hữu tại MHC, STG còn hợp tác chiến lược với CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) trong việc phát triển các dịch vụ logistics. ITL phát triển mạnh trong lĩnh vực Tổng đại lý hàng không và có văn phòng tại nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia. ITL xây dựng các hoạt động phân phối hàng hóa với các trung tâm phân phối đặt tại 3 miền và đội xe hơn 120 chiếc.
Ngoài ra, STG mới đây còn mạnh tay chi 350 tỷ đồng thành lập công ty con – công ty TNHH MTV Hạ tầng Sotrans vào cuối tháng 11/2015.
Hàng loạt các hoạt động đầu tư, kinh doanh gần đây của STG thực sự được xem là đột phá sau cú thoái toàn bộ 47,73% vốn của SCIC hồi cuối tháng 7/2015. Đây thực sự là điểm mấu chốt cho những kế hoạch kinh doanh bùng nổ về sau của STG.
Tính đến 30/9/2015, STG đạt doanh thu 808,22 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu đến từ việc tìm kiếm được nhiều khách hàng mới, khách hàng trọng tâm, mở rộng dịch vụ, kho bãi, nâng cao năng suất khai thác tuyến.
Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 22,44 tỷ đồng, tăng 8,5%. EPS tương ứng 1.629 đồng.
Đặc biệt, lượng tiền mặt hiện có tính đến 30/9 là 220 tỷ đồng, nhiều hơn cả vốn điều lệ công ty. Công ty không có vay nợ tài chính ngắn hạn, nguồn nợ dài hạn là 200 tỷ đồng - mới phát sinh trong kỳ này, các kỳ trước không có.
Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng rất nhỏ (3,2%) trong cơ cấu tổng tài sản của STG. Chỉ tiêu doanh thu/tổng tài sản của STG trong năm 2013 - 2014 là 3,71 và 3,9 lần, cao hơn giá trị trung bình ngành (1,21 lần). Điều này cho thấy việc quản trị, sử dụng tài sản của STG trong hoạt động kinh doanh là khá hiệu quả.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý trong các chỉ tiêu tài chính của STG là hệ số đòn bẩy. Tính đến ngày 30/9/2015, hệ số nợ/ tổng tài sản của STG là 63,22%, gấp 1,6 lần so với năm 2014 và gấp 2,3 lần năm 2013. Trừ các khoản nợ phải trả người bán, sang quý III/2015, nợ chủ yếu của STG đến từ vay và nợ thuê tài chính dài hạn (200 tỷ đồng). Hệ số đòn bẩy tài chính của STG cũng liên tục tăng, từ 135% năm 2015 lên 219,83% tháng 9/2015.
Mới đây, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam lần thứ 3, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho biết hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp Việt làm dịch vụ logistics, chủ yếu làm giao nhận, vận tải, lưu kho bãi, cảng biển, xếp dỡ… Thị phần các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp FDI khoảng 25%/75%, trong khi về số lượng, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm từ 4-5% trên tổng số.
Trước thực trạng các DN logistics Việt nhỏ bé, hoạt động đơn lẻ đang diễn ra, việc STG thực hiện một thương vụ M&A ngành dọc nhằm gia tăng nội lực có thể là một hướng đi mới. Bức tranh ngành logistics sẽ ra sao vào năm 2016 và hậu M&A của STG như thế nào, chúng ta cùng đón chờ một cái kết có hậu.