SSIAM: CKPS là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả khi thị trường biến động mạnh

(NDH) Thị trường chứng khoán phái sinh ( CKPS) đi vào hoạt động sẽ cung cấp thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro giúp cho các thành viên lập quỹ có thể tham gia ở mức độ lớn hơn vào quỹ ETF của SSIAM, tăng tính thanh khoản cho chứng chỉ quỹ và khuyến khích mở quỹ mới.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó TGĐ SSIAM

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức Hội thảo Vận hành TTCK Phái sinh ở Việt Nam công bố quy trình vận hành và tính ưu việt của sản phẩm mới này.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã có những chia sẻ về công tác chuẩn bị trước khi tham gia vào sản phẩm mới trên TTCK này.

Theo đó, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) sẽ mở ra cơ hội cho các thành viên thị trường trong việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhà đầu tư.

Đối với công ty quản lý quỹ, Nghị định 42 và dự thảo thông tư hướng dẫn quy định: Tư vấn đầu tư CKPS và đầu tư CKPS từ nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư hoặc công ty ĐTCK trong trường hợp hợp đồng quản lý danh mục đầu tư, điều lệ quỹ đầu tư hoặc công ty chứng khoán có điều khoản cho phép sử dụng nguồn vốn này để đầu tư CKPS.

Ông Hải nhận định các sản phẩm CKPS ra đời sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu phòng ngừa rủi ro đối với các danh mục ủy thác và các quỹ đầu tư dó công ty quản lý quỹ quản lý, đồng thời cũng tạo ra cơ hội để tăng lợi nhuận cho khách hàng ủy thác và các nhà đầu tư của quỹ khi áp dụng các chiến lược đầu cơ thị trường đi lên hoặc thị trường đi xuống.

Đối với sản phẩm quỹ ETF, hiện nay chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường đi xuống. Do đó, sự tham gia của các thành viên lập quỹ còn hạn chế, khiến cho quy mô của quỹ nhỏ, thanh khoản chứng chỉ quỹ niêm yết tương đối yếu.

"Thị trường CKPS đi vào hoạt động sẽ cung cấp thêm các công cụ phòng ngừa rủi ro giúp cho các thành viên lập quỹ có thể tham gia ở mức độ lớn hơn vào quỹ ETF của SSIAM, tăng tính thanh khoản cho chứng chỉ quỹ và cũng khuyến khích việc mở quỹ mới, nhà đầu tư mới", ông Hải tiết lộ.

Do CKPS là sản phẩm phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro và đặc biệt là còn rất mới ở thị trường Việt Nam nên đòi hỏi công ty quản lý quỹ phải có năng lực chuyên sâu từ cơ sở hạ tầng, đội ngũ ngân sự có kiến thức và kinh nghiệm đến hệ thống quản lý rủi ro để có thể triển khai và áp dụng một cách an toàn, hiệu quả các sản phẩm, nghiệp vụ CKPS.

Đối với SSIAM, chuẩn bị nguồn lực con người luôn là những ưu tiên hàng đầu. SSIAM khuyến khích đội ngũ đầu tư trau dồi kiến thức về CKPS cũng như tạo điều kiện cho đội ngũ này để nâng cao trình độ.

"SSIAM đã chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng các quy định đối với các tổ chức kinh doanh CKPS như về vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ, công ty hoạt động có lãi trong nhiều năm liên tục, trích lập các khoản dự phòng và luôn đảm bảo tỷ lệ vốn khả dụng theo yêu cầu", ông Hải nhấn mạnh.

Về sản phẩm, SSIAM đã và đang tiếp tục nghiên cứu để triển khai áp dụng các chiến lược giao dịch hợp đồng tương lai của trái phiếu và chỉ số cổ phiếu như chiến lược phòng vệ vị thế mua, phòng vị thế bán, phòng vệ chéo, chiến lược đầu cơ chỉ số lên, đầu cơ chỉ số xuống, chiến lược giao dịch chênh lệch giá khi phát sinh cơ hội trên thị trường.

Đồng thời, SSIAM đang xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro trong đầu tư CKPS. SSIAM quản lý rủi ro dựa trên sự kết hợp của các quy trình đầu tư và hệ thống phần mềm quản lý đầu tư. Việc giao dịch trong hợp đồng tương lai phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đầu tư.

Đối với các danh mục đầu tư có sử dụng sản phẩm phái sinh ngoài mục đích phòng ngừa rủi ro, công ty quản lý quỹ phải đảm bảo tổng giá trị rủi ro vị thế của khách hàng không được vượt quá 50% giá trị tài sản ròng danh mục của khách hàng đó.

Ông Hải khẳng định, thị trường CKPS ra đời sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức đối với các công ty quản lý quỹ và các nhà đầu tư. Theo đó, bản thân các nhà đầu tư cũng phải có kiến thức về sản phẩm mới từ đó có thể tham gia tích cực, chủ động.

Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Sở GDCK Hà Nội (HNX):

VN30 và HNX30 được làm tài sản cơ sở cho hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu

HNX đã tiến hành xây dựng các điều khoản trên hợp đồng mẫu, dựa trên thông lệ quốc tế, dữ liệu giao dịch thị trường cơ sở, tâm lý nhà đầu tư… Theo đó, điều kiện trái phiếu được đưa vào rổ phải do kho bạc nhà nước phát hành, có kỳ hạn còn lại từ 4,5 đến 5 năm và có giá trị niêm yết tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

Còn với Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, hiện trên thị trường chỉ có 2 loại tài sản cơ sở đủ điều kiện đáp ứng là VN30 và HNX30. Hiện HNX đang nghiên cứu và sẽ hoàn thành hợp đồng tương lai trên 2 chỉ số này.

Nhiều khả năng giá thanh toán hàng ngày được xác định bằng giá ATC; giá khớp cuối cùng do HNX quyết định… Giá trị hợp đồng dự kiến sẽ trong khoảng 100- 300 triệu đồng, biên độ dao động giá 5-7% tùy theo loại tài sản cơ sở.