Sau này khi đã trở thành ông trùm về chứng khoán với khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI vẫn nhớ lại khoảng thời gian đấy với tâm trạng bùi ngùi.
Thời điểm đó, không có nhiều người quan tâm đến chứng khoán, nhưng ông Hưng tin rằng sẽ có một ngày thị trường chứng khoán bùng nổ và cơ hội sẽ mang lại cho những người tiên phong.
Gom góp được 6 tỷ đồng, ông Hưng quyết định thành lập CTCP Chứng khoán Sài Gòn vào ngày 30/12/1999. Thời điểm đó, trên thị trường chỉ có 2 CTCK là SSI (vốn điều lệ 6 tỷ đồng) và Bảo Việt (vốn điều lệ 49,5 tỷ đồng).
Trải qua 15 năm, chứng khoán Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm. Với quy mô ban đầu chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP, đến nay đã có 678 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa kể hơn 200 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM, quy mô niêm yết tăng 339 lần; vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 1.300.000 tỷ đồng, tăng 1.300 lần so với năm 2000.
Quy mô vốn hóa thị trường đạt trên 33% GDP, tăng 114 lần so với năm 2000. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân hiện nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 1.400 lần so với năm 2000.
Với sự phát triển như vũ bão của TTCK Việt Nam, những người đi tiên phong đầu tiên như ông Hưng đã gặt hái được những thành quả mà có lẽ thời điểm đó ông chưa bao giờ nghĩ tới.
Trong 15 năm, vốn điều lệ của SSI tăng 800 lần từ 6 tỷ lên 4.800 tỷ đồng; số tài khoản khách hàng tăng 113 lần từ 692 tài khoản lên hơn 78.700 tài khoản, nhân sự tăng gần 23 lần từ 25 người lên 566 người. Tổng tài sản của SSI tính đến thời điểm hiện tại lên tới gần 11.700 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCK song hành cùng với SSI thời kỳ đầu là CTCK Bảo Việt có tổng tài sản chưa đến 2.000 tỷ, vốn chủ sở hữu 722 tỷ, gấp 14,5 lần thời điểm mới thành lập.
SSI vẫn đang đứng đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn, HNX, HSX và Upcom. Đã có thời điểm SSI hụt hơi và để cho CTCP Chứng khoán TP.HCM vươn lên vị trí dẫn đầu, tuy nhiên 2 năm trở lại đây SSI lại bứt phá trở lại trong khi HSC tạm hài lòng với vị trí số 2.
Bảo Việt, với tư thế của một trong 2 CTCK đầu tiên thành lập đã không còn giữ được phong độ như ngày đầu, hai năm lỗ 2010 và 2011 đã khiến Bảo Việt chọn cách đi chậm lại để tìm cách xóa lỗ lũy kế, trong khi SSI từ năm 2006 đến nay đều có lãi.
Sau này, khi các CTCK nhỏ cũng tìm cách câu kéo khách để tăng thị phần thì SSI vẫn trung thành với phong cách chắc chắn. Rất nhiều CTCK ngã ngựa vì cuộc đua thị phần như SBS, chứng khoán Thăng Long (nay là MBS) thì SSI vẫn duy trì vị trí số 1 mà không gặp phải lỗ hổng nào về rủi ro.
SSI cũng là CTCK tiên phong trong việc mở room 100% đón dòng vốn ngoại. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng ông không ngại bị khối ngoại thâu tóm. SSI đã có một quãng thời gian dài khẳng định được vị thế ở thị trường trong nước và ông Hưng tự tin rằng, những cổ đông ngoại tham gia vào SSI sẽ chỉ giúp SSI phát triển và vươn ra tầm khu vực. Hiện SSI cũng đang đứng đầu về thị phần khối nhà đầu tư nước ngoài, công ty cũng đã lập trang web phiên bản tiếng Nhật để phục vụ nhà đầu tư Nhật Bản.
Người xưa có câu “đường dài mới biết ngựa hay”, chặng đường 15 năm phát triển vững chắc của SSI là phần thưởng xứng đáng cho những ngày đầu tiên phong khai phá thị trường.