Sợi Thế Kỷ: Đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà sản xuất vải từ Trung Quốc qua Việt Nam 

Sợi Thế Kỷ: Đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà sản xuất vải từ Trung Quốc qua Việt Nam 

(NDH) Hơn 70% doanh thu của Sợi Thế Kỷ xuất khẩu sang Châu Âu và Châu Á, khách hàng chính là các nhà sản xuất vải cao cấp chuyên cung ứng cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Uniqlo, Puma, Guess v.v….

Nằm trong chuỗi bài giới thiệu về các doanh nghiệp tham gia Gateway to Vietnam do CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI tổ chức vào ngày 11-12/9 tới đây, chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông Đặng Triệu Hòa – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), doanh nghiệp có kế hoạch IPO vào cuối năm 2014 và niêm yết cổ phiếu công ty trên Sở Giao Dịch Chứng Khoán TPHCM (HoSE) vào năm sau.

Thưa ông, được biết câu chuyện của Sợi Thế Kỷ trong năm 2014 là sự kiện xây dựng nhà máy giai đoạn 3 ở Trảng Bàng, ông có thể cho biết dự án này được triển khai đến đâu và nguồn tiền ở đâu để Sợi Thế Kỷ đầu tư dự án này?

Ông Đặng Triệu Hòa: Dự án xây dựng nhà máy tại Chi nhánh Trảng Bàng – giai đoạn 3 có quy mô vốn khoảng 34 triệu USD, khởi công vào tháng 5/2014, hiện nay tiến độ khá khả quan và nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu. Nhà máy mở rộng dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2015, tổng thời gian xây dựng là 9 tháng kể từ khi khởi công.

Về mặt nguồn vốn đầu tư dự án này, chúng tôi dùng 70% từ vốn vay ngân hàng và 30% còn lại từ vốn tự có, trong đó một phần từ lợi nhuận chưa phân phối và một phần từ đợt phát hành 3 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay.

Ông có thể cho biết hiện tại các nhà máy của Sợi Thế Kỷ đang chạy bao nhiêu phần trăm công suất và sau khi hoàn thành dự án Trảng Bàng 3 thì tổng công suất của Sợi Thế Kỷ đạt bao nhiêu không?

Hiện tại Sợi Thế Kỷ có một nhà máy tại Củ Chi và một nhà máy tại Chi nhánh Trảng Bàng với tổng công suất thiết kế khoảng 37.000 tấn DTY&FDY/năm. Các nhà máy này hiện đều chạy hết công suất (khoảng hơn 90% so với công suất khả khai thác là 93%, do để đảm bảo máy móc thiết bị luôn hoạt động tốt theo tiêu chuẩn châu Âu, công suất khai thác thường loại trừ thời gian bảo trì, bảo dưỡng).

Dự án Trảng Bàng 3 có công suất thiết kế khoảng 15.000 tấn DTY/năm, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất toàn công ty lên khoảng 52.000 tấn DTY&FDY/năm.

Số sản phẩm tăng thêm sau khi dự án mới hoàn thành đã có thị trường tiêu thụ chưa thưa ông?

Các khách hàng hiện hữu của Công ty sẵn sàng tiêu thụ hết phần công suất hiện tại.

Đối với phần công suất tăng thêm, Công ty sẽ bán cho khách hàng hiện hữu và song song đó sẽ tìm kiếm khách hàng mới.

Nguyên tắc của Công ty là đảm bảo khả năng tiêu thụ của khách hàng luôn cao hơn năng lực sản xuất của mình. Hiện tại mạng lưới khách hàng của STK có thể tiêu thụ khoảng 50.000-60.000 tấn sợi trong khi năng lực sản xuất của STK chỉ là 37.000 tấn sợi/năm.

Như vậy công ty gần như không có tồn kho?

Hàng tồn kho chưa tới 20 ngày, tất nhiên chúng tôi phải có lượng hàng tồn kho nhất định để kịp đóng container cho các đơn hàng xuất khẩu.

Khách hàng của Sợi Thế Kỷ tập trung ở đâu thưa ông?

Hiện tại khách hàng của Sợi Thế Kỷ chủ yếu tập trung vào thị trường xuất khẩu, hơn 70% doanh thu của Sợi Thế Kỷ xuất khẩu sang Châu Âu và Châu Á, hướng tới đối tượng khách hàng chính là các nhà sản xuất vải cao cấp chuyên cung ứng cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Nike, Adidas, Uniqlo, Decathlon, Puma, Columbia, Guess v.v….

Xu hướng hiện tại có nhiều doanh nghiệp nước ngoài xây nhà máy tại Việt Nam để đón đầu TPP, tuy nhiên thị trường của Sợi Thế Kỷ không xuất đi Mỹ nhiều. Theo ông STK có được hưởng lợi gì nếu TPP được thông qua không?

TPP mang đến thuận lợi và tác động tích cực thêm cho Công ty.

STK không xuất hàng trực tiếp đi thị trường Mỹ vì xuất đi Mỹ phải xuất thành phẩm cuối cùng, tại Mỹ không có nhà máy dệt nhuộm. Tuy nhiên, khách hàng của STK chuyên sản xuất cho Nike, Adidas,… và các công ty này thường có phân nửa lượng hàng xuất đi Mỹ.

Sau khi TPP được thông qua, hàng hóa may mặc từ Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ sẽ được giảm thuế nhập khẩu từ mức bình quân 17,5% xuống 0% thì vô hình chung lượng đơn hàng cũng như lợi nhuận của các công ty may mặc xuất sang Mỹ sẽ cao hơn.

Với quy tắc "từ sợi trở đi" (yarn forward) của TPP, để được hưởng ưu đãi thuế, tất cả các công đoạn sản xuất các sản phẩm may mặc bắt đầu từ khâu kéo sợi phải được sản xuất ở các nước thành viên TPP. Do đó sắp tới nhu cầu sử dụng sợi cao cấp trong nước từ khách hàng của STK sẽ tăng cao, vượt khả năng cung cấp của Công ty. Điều này sẽ tác động tích cực đến việc gia tăng doanh thu và lợi nhuận của Công ty.

Như vậy việc mở rộng nhà máy giai đoạn 3 có phải để đón đầu TPP không thưa ông?

Có thể nói như vậy nhưng không đúng hoàn toàn. Nguyên tắc đầu tư của STK là dựa trên việc ước tính khá chắc chắn về nhu cầu của thị trường trong tương lai.

TPP là hiệp định đang được đàm phán và có thể sắp kết thúc nhưng đối với STK, TPP liên quan đến chính phủ các nước kể cả Chính phủ Mỹ, đây là điều mình không nắm chắc được. Do đó định hướng đầu tư của STK trước tiên đặt trên một số xu hướng đang diễn ra trên thị trường và chưa tính nhiều đến ảnh hưởng của TPP.

Hiện tại, làn sóng dịch chuyển đơn hàng may mặc của các khách hàng Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam dẫn đến sự dịch chuyển đại trà các nhà sản xuất vải (khách hàng của nhà sản xuất sợi) đặc biệt là các công ty thuộc sở hữu của Đài Loan, Hàn Quốc từ Trung Quốc qua Việt Nam.

Việc dịch chuyển các đơn hàng may mặc cũng như sản xuất vải này là do chi phí sản xuất ở Trung Quốc (nhân công, phí thuê đất, môi trường v.v…) ngày càng đắt lên, các rủi ro nội tại, cùng việc áp đặt rào cản kỹ thuật và thuế quan nhập khẩu của các nước đối với nhà sản xuất từ Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Vì vậy trong thời gian tới nhu cầu về sợi tại Việt Nam sẽ tăng mạnh. Và đây là mục tiêu chính của Sợi Thế Kỷ khi đầu tư dự án Trảng Bàng 3 bên cạnh mục tiêu đón đầu cơ hội tăng thêm từ TPP.

Mạng lưới khách hàng hiện hữu của STK có khả năng tiêu thụ 60.000 tấn sợi/năm. Nếu cộng thêm các khách hàng tiềm năng đã và đang đi vào theo làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc qua Việt Nam thì nhu cầu tiêu thụ sợi cao cấp của Công ty từ các khách hàng có thể lên đến hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.

Tiềm năng lớn nhưng vốn điều lệ của STK chỉ khoảng gần 400 tỷ, STK có nhu cầu tăng vốn trong tương lai gần không thưa ông?

Ngoài việc huy động một phần vốn từ đợt IPO 3 triệu cổ phiếu sắp tới để tài trợ cho dự án đầu tư mở rộng tại Trảng Bàng – giai đoạn 3, STK cũng mong muốn tham gia tích cực hơn vào thị trường để chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE trong thời gian tới.

Trong tương lai, sau khi niêm yết, với chiến lược phát triển và kết quả hoạt động kinh doanh tốt, Công ty sẽ có các dự án đầu tư triển vọng tốt và cân nhắc đến nhu cầu tăng vốn.

Ông có thể cho biết thêm về thời gian IPO?

STK đã gửi hồ sơ đăng ký IPO đến UBCKNN và Công ty dự kiến sẽ tổ chức IPO vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11/ 2014 (sau khi được UBCKNN cấp phép). Sau khi IPO xong khoảng 1-2 tháng, Công ty có kế hoạch nộp hồ sơ đăng ký niêm yết tại HoSE.

Nếu đúng lộ trình này thì dự kiến cuối năm 2014 hoặc Quý 1 năm 2015 Sợi Thế Kỷ sẽ được cấp giấy phép niêm yết và khi đó HĐQT sẽ cân nhắc tình hình thị trường chứng khoán để lựa chọn thời điểm niêm yết phù hợp.

Tại sao ông đồng ý tham gia Gateway, ông có kỳ vọng sau khi STK tham gia có thể tìm thêm các đối tác mới không?

STK tham gia Gateway lần này với mục đích chính là giới thiệu Công ty đến nhà đầu tư để chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết của Công ty. Ngoài ra, trường hợp TPP được ký kết, Công ty sẽ có nhu cầu nguồn vốn để đầu tư các dự án mới, nên Công ty muốn giao lưu với các nhà đầu tư tiềm năng tại Gateway để trao đổi về các khả năng hợp tác trong tương lai.

Xin cám ơn ông.

Sợi Thế Kỷ đang sản xuất 2 loại sợi polyester filament là DTY và FDY từ hạt polyester chip. Sợi DTY dùng để sản xuất các mặt hàng cần độ mịn, xốp nhiều còn sợi FDY dùng cho các mặt hàng không cần độ xốp và mềm như rèm cửa sổ, vải dù.

Sợi Thế Kỷ nhập hạt polyester chip chủ yếu từ Đài Loan, Hàn Quốc, và một ít từ Indonesia. Hạt polyester chip sản xuất tại Trung Quốc có thể rẻ hơn nhưng chất lượng thiếu ổn định nên STK ít nhập từ thị trường này. Hàng tháng, STK sẽ điều chỉnh giá bán sợi dựa trên giá nguyên liệu đầu vào, do đó Công ty hạn chế được rủi ro từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào.

Sợi Thế Kỷ chủ yếu đi vay dài hạn bằng USD. Dòng tiền của Công ty tương đối dồi dào và luôn thặng dư do STK đã có uy tín và mối quan hệ tốt với nhà cung cấp nên Công ty được hưởng chính sách mua hàng trả chậm; trong khi đầu ra nhờ chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi tốt nên Công ty luôn có thể bán hàng thu tiền trước. Do phần lớn doanh thu của STK là từ xuất khẩu nên Công ty có nguồn USD dồi dào để nhập khẩu nguyên vật liệu cũng như trả nợ vay ngân hàng.

Về chiến lược trung và dài hạn: Sợi Thế Kỷ có kế hoạch phát triển Công ty theo hướng upstream (sản xuất nguyên liệu đầu vào) và downstream (tham gia vào các giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất của ngành dệt may).

Chiến lược trung hạn phát triển xuống downstream: STK có thể liên kết với các khách hàng hiện hữu của Công ty, hoặc các công ty dệt nhuộm, may mặc khác tại Việt Nam và trên thế giới có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ để thành lập công ty về dệt nhuộm. Mục đích chọn lựa đối tác này là để có đơn hàng đầu ra sẵn cho dự án để tạo ra chuỗi cung ứng dệt, nhuộm, may và để tận dụng cơ hội hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định TPP. Dự án này có thể năm sau sẽ tiến hành và định hướng này được đánh giá rất tích cực.

Chiến lược dài hạn phát triển lên upstream: STK sẽ dẫn dắt đối tác quốc tế có tiềm lực về tài chính và công nghệ vào Việt Nam để xây nhà máy sản xuất hạt polyester chip. STK vừa là khách hàng lớn tiêu thụ sản phẩm đầu ra vừa có thể giới thiệu thêm kênh tiêu thụ sản phẩm cho Công ty. Mục đích chính của việc đầu tư vào upstream là nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động R&D để chế tạo nguyên liệu và công nghệ mới để ứng dụng cho các sản phẩm downstream.