Soi danh mục cổ phiếu của 10 quỹ ngoại đầu tư hơn 3 tỷ USD vào TTCK Việt Nam

Soi danh mục cổ phiếu của 10 quỹ ngoại đầu tư hơn 3 tỷ USD vào TTCK Việt Nam

Tổng kết danh mục các quỹ cho thấy so với năm 2014, xu hướng năm 2015 các quỹ ngoại đã tăng đáng kể tỷ trọng vào cổ phiếu ngân hàng (như CTG, BID), nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được mua mạnh (KDH, KBC).

Đáng chú ý, trong 10 quỹ khảo sát có tới 6 quỹ nắm giữ cổ phiếu Vinamilk trong đó 5/6 quỹ cổ phiếu Vinamilk chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục.

9 tháng đầu năm 2015, Vn-Index tăng 3,12%, ở mức 562,6 điểm, tuy nhiên nếu so với mức phá giá 5% từ đầu năm, tính ra Vn-Index đã giảm 1,8% nếu tính theo USD. Thực tế chưa năm nào thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực như năm nay, về nới room, về TPP, về quyết định thoái vốn của SCIC tại các "con gà đẻ trứng vàng" nhưng bên cạnh đó cũng gặp các thông tin bất lợi như giá dầu giảm, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.

Theo đánh giá của một tổng giám đốc quỹ tại Việt Nam, mặc dù thị trường cũng có sóng nhưng chưa năm nào giao dịch trên thị trường lại khó như năm nay. Khi Nghị định 60 về việc mở room được ban hành, tưởng chừng như thị trường sẽ hưởng ứng tích cực hơn thì ngược lại, chưa có một thông điệp rõ ràng về danh mục các ngành nghề có điều kiện lại khiến dòng tiền thu hẹp. Cổ phiếu phân hóa mạnh mẽ và nếu chọn sai rất có thể sẽ phải trả giá, như trường hợp của BID, JVC..

Tuy nhiên đối với nhà đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm 2015, khối ngoại vẫn mua ròng gần 4.230 tỷ đồng trên hai sàn, tương ứng mua ròng gần 285 triệu cổ phiếu trong đó các mã được mua ròng nhiều nhất là SSI (52 triệu cp), BID (48,8 triệu cp), STB (37 triệu cp), NT2, MWG, HHS, CTG, KBC…bán ròng VIC (38 triệu cp), HAG (65 triệu cp), HPG (18,5 triệu cp), KDC (13,6 triệu cp), PVD (11 triệu cp)…

Khảo sát tại 10 quỹ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ lên tới hơn 3 tỷ USD cho thấy các quỹ cũng đang khá chật vật để tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK Việt Nam. Trong số 10 quỹ khảo sát, có 3 quỹ tăng trưởng NAV trong 9 tháng là PXP Vietnam Emerging Equity Fund (tăng 1,53%), Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL ) của Dragon Capital và DWS Fund.

Trong khi đó, quỹ Vietnam Equity Holdings của quỹ Saigon Asset Management (SAM) liên tục bị rút vốn trong năm 2015, số chứng chỉ quỹ lưu hành của quỹ đã giảm gần 4,8 triệu chứng chỉ quỹ trong 9 tháng đầu năm, NAV giảm gần 30% từ 60 triệu EUR xuống còn 42,2 triệu EUR vào cuối ngày 30/9.

Các quỹ khác như 2 quỹ ETF là FTSE Vietnam ETF và Market Vector Vietnam ETF cũng có NAV giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm, mức giảm lần lượt 4,83% và 16,72%.

Chỉ có 3/10 quỹ tăng trưởng NAV trong 9 tháng đầu năm 2015
DWS là số liệu ngày 31/8/2015

Quỹ Vietnam Holding: Quy mô quỹ 119 triệu USD

Theo đánh giá của quỹ Vietnam Holding, Việt Nam vẫn đang là thị trường tiềm năng với tăng trưởng kinh tế (dự báo ở mức 6,5%-7%, tốt nhất Châu Á), nguồn vốn FDI dồi dào (tăng trưởng 8% từ đầu năm, đạt khoảng 9,7 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu tốt nhất châu Á (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước). Việc mở rộng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và thông qua hiệp định TPP mang lại triển vọng cho TTCK Việt Nam trong 1-2 năm tới.

Hiện giá trị tài sản ròng của Vietnam Holding khoảng gần 120 triệu USD . Tại thời điểm 31/8/2015, danh mục của Vietnam Holding có cổ phiếu Traphaco (8%), FPT (7,6%), VSC (7,1%), VNM (7,1%), BMP (6,8%), DRC (6,3%), TLG (5,4%), HPG (5,3%), PNJ (5%) và PDR (4,9%). So với cùng kỳ năm trước, Vietnam Holding đã bán mạnh PVD (9,4%) và Hòa Phát (từ 8,4% xuống 5,3%), HVG.

Danh mục của Vietnam Holding cập nhật 31/8/2015

Quỹ VEIL Dragon Capital: Tổng tài sản 493,6 triệu USD.

Danh mục của VEIL lớn nhất là Vinamilk (16,2%), ACB, Hòa Phát, SSI, FPT, REE, VCB, MSN, KBC và KDH. Trong đó nhóm cổ phiếu BĐS là KBC và KDH đã tăng khá mạnh trong tháng 9, KDH tăng 10,8%.

Quỹ VGF Vietnam Growth Fund: Tổng tài sản 269,2 triệu USD

Danh mục của VGF cũng lớn nhất là cổ phiếu Vinamilk (chiếm 19% NAV), FPT, CII, MSN, HPG, VIC, MBB (3,6%), REE, BID và CTG, NT2, DQC. Trong tháng 9, MBB đã tăng 9,2% sau khi công bố phát hành thành công 405,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược trong nước (SCIC mua 10%), điều này khiến MBB hở room 41 triệu cổ phiếu và toàn bộ số cổ phiếu này đã được NĐT nước ngoài mua thỏa thuận trong đúng 1 phút.

PYN Elite (Mutual Fund Elite): Tổng tài sản 265 triệu EUR

So với đầu năm danh mục của PYN Elite giảm 11,2% do ảnh hưởng từ cổ phiếu MWG (chiếm 9,1% danh mục) và bị ảnh hưởng từ TTCK Trung Quốc. Hiện PYN Elite đang đầu tư 84% danh mục vào TTCK Việt Nam và 11% NAV vào TTCK Trung Quốc.

Ngoài MWG, hiện Mutual Fund Elite còn đầu tư vào KBC, HQC, GMD, PAN, VND, KDH, FIT, DQC và VCG

Quỹ VOF (VinaCapital): Tổng tài sản 678 triệu USD

Theo quan điểm của Vinacapital, nếu hiệp định TPP được các nước phê chuẩn, các tác động ngắn hạn của TPP sẽ tăng lên gấp đôi. Thứ nhất, thỏa thuận này chắc chắn sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư vào Việt nam với một triển vọng đầy hứa hẹn cho thị trường chứng khoán, khi các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tăng phân bổ vào Việt Nam. Thứ hai các công ty sẽ được hưởng lợi trực tiếp khi được cắt giảm thuế quan với hơn 18.000 mặt hàng. Điều này đặc biệt quan trọng khi xem xét mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ đang chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Danh mục của VinaCapital giảm 2,6% trong quý 3 và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, so với đầu năm NAV của quỹ giảm 4,7%.

Hiện VOF đang nắm giữ 11,8% danh mục là cổ phiếu Vinamilk, HPG (7,9%), CTCP Sữa Quốc tế (IDP), EIB (4,8%), KDH (3,7%), PVS (3,4%).

Trong tháng 9, VOF đã mua lại 1,4 triệu chứng chỉ quỹ. Tính ra, VOF đã chi 220,7 triệu USD để mua lại 107,5 triệu chứng chỉ quỹ trong thời gian qua.

Danh mục VOF tại ngày 30/9/2015

PXP Vietnam Emerging Equity Fund: Quy mô quỹ 116,2 triệu USD

Quỹ PXP đang nắm giữ 44 cổ phiếu trong đó 41 cổ phiếu niêm yết và 3 cổ phiếu OTC. Quỹ này hiện đầu tư 93% danh mục vào TTCK niêm yết, trong đó 20,8% danh mục đầu tư vào cổ phiếu Vinamilk, 11,6% danh mục vào HCM, 7,1% vào FPT, HPG (6,3%), STB (5,3%0, REE (4,5%), DRC (4,4%), PVD, VSC (3,4%), HAG (2,8%).

Danh mục PXP

DWS Vietnam Fund: Quy mô quỹ 310 triệu USD

Tại thời điểm 31/8 quỹ này đầu tư 10,14% vào Vinamilk, 4,45% vào FPT, 3,99% danh mục vào Hòa Phát, ngoài ra còn đầu tư vào HSG, CTG và một số cổ phiếu OTC. Hiện danh mục của DWS đầu tư 52,54% vào cổ phiếu niêm yết, 31% vào cổ phiếu OTC và 13,5% vào quỹ đóng.

Danh mục DWS

Quỹ Market Vector Vietnam ETF: Quy mô quỹ 459,2 triệu USD

Quỹ này hiện đang nắm giữ 32 cổ phiếu trong đó 23 cổ phiếu Việt Nam. Mặc dù "mua nhầm" 5,97 triệu cổ phiếu BID trong đợt cơ cấu danh mục vừa rồi do sử dụng sai số liệu từ Bloomberg và loại ngay BID ra khỏi danh mục tuy nhiên tại thời điểm 22/10 quỹ Market Vector vẫn giữ nguyên số cổ phiếu BID này trong danh mục.

Hiện VCB, VIC vẫn là 2 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Market Vector ETF (7,52%), tương ứng lần lượt 16,9 triệu cp và 18,48 triệu cổ phiếu. Ngoài ra VNM còn đang nắm giữ 12,49 triệu cổ phiếu BVH, 48,69 triệu cổ phiếu STB, gần 31 triệu cp HPG, 52 triệu cổ phiếu ITA…

FTSE Vietnam ETF: Quy mô quỹ 357 triệu USD

Tính từ đầu năm đến nay, số chứng chỉ quỹ của FTSE tăng hơn 2,13 triệu đơn vị, NAV tăng từ 375 triệu USD lên 387,7 triệu USD tại ngày 20/10. Khối ngoại mới rót thêm tiền vào quỹ FTSE trong 2 tuần gần đây (phát hành mới 260.000 ccq ngày 12/10).

Tại ngày 21/10, cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất quỹ này là VIC (14,6%), HPG (12,2%), MSN (13%), CTG (10,78%), PVD (6,46%), SSI (5,97%), DPM (5,33%0, KBC (3,32%)…

Tổng kết danh mục các quỹ cho thấy so với năm 2014, xu hướng năm 2015 các quỹ ngoại đã tăng đáng kể tỷ trọng vào cổ phiếu ngân hàng (như CTG, BID), nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được mua mạnh (KDH, KBC). Đáng chú ý, trong 10 quỹ khảo sát có tới 6 quỹ nắm giữ cổ phiếu Vinamilk trong đó 5/6 quỹ cổ phiếu Vinamilk chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục.

Các quỹ đều có chung cái nhìn tích cực về TTCK Việt Nam sau quyết định mở room và kỳ vọng về TPP, tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam cao vượt trội trong khu vực cũng là các yếu tố thu hút dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam thời gian tới.