Soát xét tài chính doanh nghiệp, lộ diện khoản chênh nhiều tỷ đồng

Mùa công bố báo cáo soát xét bán niên 2014 đã khép lại. Cũng giống như các năm trước, vẫn còn có những DN phải điều chỉnh con số trong báo cáo trước và sau soát xét. Sự điều chỉnh này khiến cho doanh thu, lợi nhuận của DN có sự biến động mạnh.

Từ lãi thành lỗ

Tổng hợp BCTC trước và sau soát xét của các DN niêm yết, con số điều chỉnh giảm lợi nhuận từ vài chục triệu đến vài chục tỷ đồng không phải ít. Nhưng đáng chú ý, có những DN đã chuyển từ trạng thái lãi ròng sang lỗ ròng sau báo cáo soát xét. Chẳng hạn, CTCP Sông Đà 12 (S12 - sàn HNX). BCTC trước soát xét Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 100 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 43,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau soát xét, con số này lần lượt là 100,6 tỷ đồng và âm 8,68 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu mặc dù không có nhiều biến động, chỉ tăng nhẹ 0,6%, nhưng con số lợi nhuận không khỏi khiến thị trường bất ngờ, từ một DN có lãi, S12 chuyển sang lỗ tới gần 9 tỷ đồng.

Mới đây, HĐQT S12 đã thông qua kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm với doanh thu 160,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,36 tỷ đồng. Theo kế hoạch ước tính này, S12 sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch doanh thu là 234,74 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn 1 tỷ đồng có lẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Tương tự, CTCP Đường Kon Tum (KTS-sàn HNX), CTCP Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ (CCM-sàn HNX) cũng khiến nhà đầu tư hụt hẫng khi kết quả báo cáo 6 tháng sau soát xét trở thành con số âm. Cụ thể, KTS từ lãi thành lỗ gần 2,4 tỷ đồng; còn CCM cũng từ lãi 3,8 tỷ đồng thành lỗ gần 180 triệu đồng.

Đến lợi nhuận tăng gấp đôi

Bên cạnh những DN phải điều chỉnh giảm lợi nhuận, cũng có những đơn vị gây bất ngờ với con số lợi nhuận tăng đột biến, thậm chí tăng gấp đôi sau soát xét.

BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm của CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA - sàn HOSE) tự lập công bố đạt 58,3 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế gần 10 tỷ đồng. Sau soát xét, doanh thu của KSA gần như không thay đổi, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới gần 100%, lên 18,9 tỷ đồng.

Việc bất ngờ tăng mạnh lợi nhuận giúp cổ phiếu KSA của Khoáng sản Bình Thuận tạo được sức hút trên thị trường. Ngay sau thông tin này được công bố, chỉ trong 2 phiên giao dịch sau đó, cổ phiếu KSA tăng 14,8% từ 8.100 đồng/CP lên 9.300 đồng/CP, khối lượng giao dịch tăng gấp 3 - 4 lần, đạt xấp xỉ 2 triệu đơn vị/phiên.

Ngoài ra, MDC (lợi nhuận tăng từ 2,63 tỷ đồng lên 10,23 tỷ đồng), TNT (tăng từ 12,3 triệu đồng lên 75,6 triệu đồng), UDC (tăng từ 20,8 triệu đồng lên 900 triệu đồng)… cũng là những cái tên được thị trường nhắc đến nhiều do có sự tăng mạnh lợi nhuận trước và sau soát xét BCTC bán niên.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo báo cáo giải trình chênh lệch báo cáo trước và sau soát xét của nhiều DN, nguyên nhân dẫn đến kết quả khác nhau giữa báo cáo DN tự lập và báo cáo sau soát xét phần lớn là do hạch toán sai tài khoản, trích lập dự phòng thiếu, hay do giá vốn hàng bán tăng, do các chi phí tăng…

Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF - sàn HOSE). Trong BCTC tự lập, DN đã hân hoan báo lãi tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm trước (1,8 tỷ đồng) khi đạt 33 tỷ đồng. Đây thực sự là kết quả gây sốc với nhiều nhà đầu tư khi nhiều năm trở lại đây, TTF luôn bị đè nặng bởi chi phí lãi vay, nên lợi nhuận cả năm chỉ đạt vỏn vẹn vài tỷ đồng. Tuy nhiên, sau công tác soát xét của đơn vị kiểm toán, lãi ròng của TTF chỉ còn lại 16,7 tỷ đồng, giảm hơn 49% so với trước đó.

Nguyên nhân đến từ những sai sót trong hạch toán nhiều khoản mục như doanh thu thuần, doanh thu tài chính, chi phí tài chính, chi phí quản lý. Trong đó, đặc biệt sai sót nghiêm trọng nhất là những hạch toán trong hoạt động tài chính, cụ thể đối với khoản lãi vay 107 tỷ đồng phát sinh từ Ngân hàng Vietcombank đã được xóa đáng lẽ phải hạch toán làm giảm chi phí tài chính thì TTF lại ghi nhận như một khoản doanh thu tài chính; hay ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư ngắn hạn hơn 7 tỷ đồng vào doanh thu tài chính.

Những sai sót này đã khiến doanh thu tài chính của TTF theo báo cáo tự lập lên tới 118,4 tỷ đồng, trong khi thực tế sau kiểm toán chỉ 5,4 tỷ đồng; chi phí tài chính cũng được điều chỉnh từ 92,7 tỷ đồng xuống âm 14,45 tỷ đồng…

Có thể nói, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, nhưng những chênh lệch lớn giữa con số trước và sau báo cáo soát xét cũng đặt ra câu hỏi về chất lượng của BCTC do DN tự lập - vốn được xem như là một trong những công cụ chỉ dẫn cho nhà đầu tư trước khi có quyết định đầu tư.