SHI: Lợi nhuận 2015 dự kiến vượt 20% kế hoạch, bỏ ngỏ khả năng tăng cổ tức

(NDH) Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sơn Hà ước tính thu về 70,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành kế hoạch đề ra. Công ty ước tính cả năm có thể vượt kế hoạch đề ra 20%. Đề xuất nâng cổ tức của cổ đông vẫn được lãnh đạo công ty bỏ ngỏ.

Sáng ngày 5/10/2015, CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI-HOSE) đã hoàn tất ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu kèm chứng quyền trong năm 2015 với tỷ lệ đồng thuận cao của các cổ đông. Sau đó, công ty này đã tiếp tục tổ chức Hội thảo cơ hội đầu tư cổ phiếu SHI, cập nhập tình hình hoạt động kinh doanh và giải đáp những câu hỏi của cổ đông xung quanh hoạt động của công ty.

Xem thêm: [ĐHĐCĐ Sơn Hà] Nhà máy Nghệ An dự kiến sẽ hoàn tất trong quý I/2016

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, công ty mẹ Sơn Hà đã thu về xấp xỉ 1.600 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ước đạt 70 tỷ đồng. Như vậy ngay trong quý III SHI ước tính đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2015 đã đề ra.

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, đại diện Sơn Hà cho biết lợi nhuận dự kiến năm 2015 sẽ tăng khoản 20% so với kế hoạch đặt ra đầu năm. Năm 2015, SHI đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng, gấp đối năm 2014. Lãnh đạo công ty ước tính có thể thu về 78 tỷ đồng trong năm 2015. Tuy nhiên đây là kết quả khi chưa tính tới việc công ty thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Với kết quả tăng trưởng trên, một số cổ đông SHI đã đề xuất tăng tỷ lệ cổ tức cho các cổ đông dù kế hoạch chi trả cổ tức của SHI trong năm 2015 cũng đã khá cao, bao gồm 3% tiền mặt và 12% bằng cổ phiếu.

Đối với đề xuất trên, lãnh đạo Sơn Hà vẫn bỏ ngỏ khả năng. Bà Phạm Thị Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc SHI cho biết việc cổ tức thực tế năm 2015 chỉ được xác định dựa vào kết quả kinh doanh sau kiểm toán năm 2015. Mức cổ tức 15% đưa tại ĐHĐCĐ thường niên mới là mức dự kiến. Bà Hà cũng đề cập thêm SHI còn cần thóai vốn khỏi các dự án, có thể sẽ có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hợp nhất. Nếu thoái vốn mà lợi nhuận vẫn đạt kỳ vọng, SHI sẽ tính đến đề xuất này.

Tại hội nghị này, cổ đông cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến khoản đầu tư ngoài ngành của SHI bao gồm bốn lô biệt thự ở Vân Canh cũng như khoản đầu tư vào chuỗi bán lẻ trước đây của Sơn Hà.

Đại diện của SHI cho biết chủ trương của công ty là truyền thống, có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững. Những ngành mà SHI đã đầu tư 3-5 năm trước, công ty sẽ thu gọn lại.

Cụ thể, SHI trước đây đã đầu tư bất động sản, góp vốn vào dự án Kiến Hưng. Sau đó, công ty đã quyết định chuyển nhượng 4ha giữa khu Hà Đông bằng cách đổi sang dự án ở Vân Canh, được kỳ vọng có tính thanh khoản cao hơn. Tuy nhiên, hiện SHI vẫn chưa bán lô biệt thự. Một số nhà đầu tư đã trả giá nhưng chưa đạt kỳ vọng. Mục tiêu thu tiền về và không lỗ.

Về lâu dài, SHI sẽ thoái thoái vốn khi chọn được đối tác phù hợp. SHI đã chủ động rút khỏi Highway. Vinaconex Plaza vẫn thuộc sở hữu tại Sơn Hà. SHI cho biết sẽ thu gọn lại và không đầu tư cho ngành bán lẻ.

Sẵn sàng mở cửa đón NĐTNN nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ sở hữu an toàn

Đối với vấn đề nới room, ông Sơn cho biết hoàn toàn ủng hộ sự gia nhập sâu rộng của đối tác nước ngoài vào các doanh nghiệp Việt Nam. Với Sơn Hà, đường hướng của công ty là trở thành công ty đại chúng trên cơ sở minh bạch nên Sơn Hà sẽ cởi mở đối với các NĐTNN.

Một số quỹ như Vietnam Holding đã đầu tư vào SHI, mua hơn 2 triệu cổ phiếu từ ông Hà và trở thành cổ đông lớn. Đây cũng là một trong các quỹ quan tâm tới trái phiếu của SHI.

Quan điểm của ông Sơn là Sơn Hà sẽ mở cửa cho các NĐTNN vào nhưng để chia sẻ quyền kiểm soát, bán đi phần lớn vốn thì lại là câu chuyện ít nhất trong 5 năm, có thể là dài lâu nếu nhóm điều hành hiện tại tiếp tục được cổ đông tin tưởng.

Bản thân các nhóm trong HĐQT, gắn với công ty sẽ vẫn cần nắm giữ một tỷ lệ an toàn để tránh các thế lực thâu tóm, đảm bảo duy trì ổn định hoạt động kinh doanh.

"Khi mất kiểm soát vào tay đối tấc khác, có thể công ty sẽ đi lên hoặc đi xuống nhưng chắc chắn sẽ không ổn định", ông Lê Vĩnh Sơn nhận định.

Khi pha loãng cơ cấu cổ đông theo ông Sơn cũng sẽ có những khó khăn như trong triệu tập họp hay có những ý kiến trái chiều, không dễ thống nhất như hiện tại.