Ngày 2/6/2015, UBCKNN đã có công văn đề nghị CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI- HOSE) giải trình về tin đồn tăng vốn. Giải trình về vấn đề này, đại diện của Sơn Hà cho biết các kế hoạch tăng vốn đều đã được trình các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 tổ chức tại ngày 17/4/2015.
Xem thêm: [ĐHCĐ 2015] SHI: 2015 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 65 tỷ, gấp 2 lần năm trước
Cụ thể, SHI cho biết, ngày 17/4/2015 Đại hội cổ đông của SHI đã họp và thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:49, tương ứng 18 triệu cổ phiếu để đầu tư sản xuất các sản phẩm mới; bổ sung vốn lưu động và cơ cấu nguồn vốn.
Thêm vào đó, SHI sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi tổng giá trị là 50 tỷ đồng cho đối tác chiến lược nhằm thay thế nguồn vốn vay thương mại, trung, dài hạn và phát hành trái phiếu kèm chứng quyền (quyền mua cổ phần) với tổng giá trị là 180 tỷ đồng để huy động vốn đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Miền Bắc với số vốn phân bổ là 70 tỷ đồng và nhà máy mới ở nước ngoài dự kiến ở Myanmar với số vốn phân bổ là 110 tỷ đồng.
Phương án được thông qua và hiện nay Công ty đang chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép phát hành 18 triệu cổ phần và 50 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.
Đối với thái độ của Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn theo như phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc tham gia duy trì tỷ lệ sở hữu tại đợt phát hành mới, đại diện công ty cho biết đây là vấn đề cá nhân và tùy thuộc vào quan điểm và mục tiêu tại từng thời kỳ.
Đợt phát hành lần 1/2014 cá nhân Chủ tịch và các thành viên gia đình đã không duy trì tỷ lệ sở hữu, mặc dù với giá phát hành khá hấp dẫn, với mục đích để tăng mức độ đại chúng của Công ty.
Cá nhân Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn khẳng định sẽ tham gia mua cổ phần theo tỷ lệ được phân chia trong đợt phát hành tới đây của SHI. Cũng theo đại diện của SHI, với những diễn biến giao dịch trong thời gian gần đây, thì đó là quyết định đúng đắn.
Về kế hoạch đầu tư 2 nhà máy mới và huy động vốn cho dự án này qua phát hành 180 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền, SHI cũng cho biết thêm sẽ phát hành riêng lẻ cho (các) đối tác chiến lược có năng lực chuyên môn, khả năng tài chính và hiểu rõ hoạt động của công ty.
Việc đưa nhà máy sản xuất ra một trong các nước thuộc Asean là bước chủ động tiếp cận thị trường chung Asean (AEC), đại diện công ty cho biết. Ngoài ra, việc đặt nhà máy ở nước ngoài theo công ty cũng là cơ hội giúp sản phẩm có thể quay lại thị trường Mỹ. Đây là thị trường từng chiếm tỷ trọng 70% doanh thu xuất khẩu của Sơn Hà nhưng hiện sản phẩm của công ty đang bị kiện chống bán phá giá.
Thông tin thêm về hiệu quả kinh doanh sản phẩm mới - máy lọc nước RO, đại diện công ty này cho biết tốc độ tăng trưởng về sản lượng bán và doanh thu đến này là 40%; biên lãi gộp đạt 25%. SHI mới kinh doanh sản phẩm này từ tháng 1/2015.