Thương hiệu Seaprodex của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam được thành lập và phát triển hơn 30 năm đang hoạt động mô hình Công ty mẹ con với vốn điều lệ của công ty mẹ 1.250 tỷ đông, sở hữu 100% vốn nhà nước.
Nằm trong lô trình tái cơ cấu DNNN, Seaprodex dự kiến sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 10/2014 với tỷ lệ chào bán hơn 61 triệu cổ phần chiếm 49%.
Tại sự kiện Gateway to Việt Nam 2014 do CTCK Sài Gòn – SSI tổ chức mới đây, ông Trần Tấn Tâm – TGĐ Seaprodex đã chia sẻ cởi mở với các nhà đầu tư về hoạt động sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển và cơ hội đầu tư vào Seaprodex.
Quỹ đất lớn, đối tác sẵn sàng chi ngàn tỷ để hợp tác đầu tư
Như nhiều DNNN khi thực hiện IPO, quỹ đất lớn tại những vị trí đắc địa luôn là tài sản giá trị của DN và Seaprodex cũng không ngoại lệ.
Theo bản giới thiệu của Seaprodex, hiện Tổng công ty đang sở hữu không dưới 10 lô đất với tổng diện tích lên tới hàng chục ngàn mét vuông trải từ Bắc vào Nam chưa được đầu tư sử dụng. Do hiện nay, Seaprodex vẫn là Tổng công ty Nhà nước không được đầu tư ngoài ngành nên các bất động sản mới chỉ được khai thác trên cơ sở vật chất hiện có.
Một số dự án bất động sản chính của Seaprodex có thể kể đến như dự án số 2-4-6 Đồng Khởi, TPHCM với 3 mặt tiền có diện tích gần 1.900 m2; dự án 211 Nguyễn Thái Học, TPHCM có diện tích 243 m2; dự án 97/6 Kinh dương Vương, Q6, TPHCM có diện tích 541 m2; dự án hơn 1.000 m2 tại 78-80-82 Thùy Vân, Vũng Tàu; dự án số 2 Ngô Gia Tự, Long Biên, Hà Nội có diện tích 6.000 m2
“Dự án Đồng Khởi đã có đối tác sẵn sàng đầu tư 1.360 tỷ đồng để xây cao ốc phức hợp. Seaprodex không bỏ tiền mà góp bằng tiền sử dụng đất và tài sản hiện hữu trên đất. Sau khi hoàn thành, Công ty sẽ được đối tác trả 3.00 m2 hầm để xe và 4.000 m2 sàn văn phòng loại A.
Dự kiến sẽ xây 21 tầng với 3 tầng hầm, 4 tầng trung tâm thương mại, từ tầng 5-7 là văn phòng cho thuê và từ tầng 8-21 là khách sạn 5 sao. Đây là lô đất sạch cuối cùng ở khu trung tâm TPHCM chưa xây cao ốc, có vị trí đắc địa 3 mặt tiền. Dự án phải đợi sau cổ phần hóa mới có thể triển khai được” – ông Tâm nói.
Với khu đất tại Nguyễn Thái Học, Kinh Dương Vương, Ngô Gia Tự, Công ty dự kiến đầu tư tòa nhà văn phòng với tổng vốn đầu tư khoảng 3 dự án là 378 tỷ đồng; riêng dự án tại Vũng Tàu sẽ đầu tư khách sạn 3 sao 12 tầng với giá trị đầu tư ước tính khoảng 100 tỷ đồng. Các dự án đều dự kiến khởi công vào cuối năm 2014 và quý I/2015.
Ngoài ra, Seaprodex cũng đang tìm đối tác cho một số dự án bất động sản lớn như dự án 70,2 ha khu đô thị sinh thái Cỏ May, Bà Rịa – Vũng Tàu; cảng xếp dỡ hàng hóa tại Hải Phòng có diện tích 16.000 m2; và hơn 30.000 m2 sẽ được đầu tư làm nhà kho chứa hàng khô tại khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về khả năng triển khai các dự án bất động sản, đại diện tự tin nói: “Với các công trình đầu tư, Tổng công ty hoàn toàn đủ khả năng, khi nào có nhu cầu mới vay. Nhiều nhất cũng chỉ là 1/5 tổng vốn đầu tư do các dự án đều liên kết hợp tác. Với hơn 400 tỷ tiền mặt hiện nay, chúng tôi đủ sức để triển khai dự án do việc thực hiện, triển khai theo từng giai đoạn”.
Tương lai là thủy sản chất lượng cao
Nếu như các dự án BĐS là tiềm năng, cơ hội của Seaprodex sau IPO thì ngành nghề kinh doanh chính đang đem lại doanh thu ngàn tỷ cho công ty.
Năm 2013, doanh thu thuần về bán hàng và dịch vụ của Seaprodex là 3.458 tỷ đồng riêng thủy sản đóng góp 55-60%; tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu trang thiết bị; cuối cùng là lĩnh vực đóng tàu.
Thậm chí, ngay như lĩnh vực đóng tàu tưởng chừng làm ăn khó khăn trong những năm vừa qua thì với Seaprodex cũng không thua lỗ. Ông Tâm cho biết với lĩnh vực đóng tàu đem lại lợi nhuận ít nhưng tương lai phát triển do định hướng công ty tập trung đóng tàu cho ngư dân.
Với chiến lược phát triển biển của Nhà nước cùng kế hoạch xây dựng đội tàu hàng nghìn chiếc của Chính phủ thì Seaprodex có nhiều lợi thế nhờ mối quan hệ gần gũi với ngư dân thông qua dịch vụ hậu cần nghề cá đang cung cấp.
Ông Trần Tấn Tâm_Tổng giám đốc trao đổi trực tiếp với các nhà đầu tư tại Gateway to Việt Nam 2014
“Hiện nay doanh thu đóng tàu chủ yếu là tàu hàng nhưng sắp tới Seaprodex sẽ chú trọng tàu dành cho ngư dân. Tải trọng tàu mà công ty có thể đóng được là từ 7-10.000 tấn”- ông Tâm nói.
Còn trong lĩnh vực thủy sản, Seaprodex cũng lựa chọn hướng đi riêng cho mình. Nếu như Minh Phú đang là nhà xuất khẩu tôm thẻ lớn nhất Việt Nam thì Seaprodex lựa chọn tôm sú, tôm sinh thái. Hiện Seaprodex Năm Căn – công ty con của Seaprodex – đang dẫn đầu xuất khẩu mặt hàng tôm này. Doanh thu năm 2013 của Seaprodex Năm Căn là 33 triệu USD, năm 2014 dự kiến đạt 41 triệu USD.
“Tôm sinh thái Seaprodex Năm Căn không nuôi trực tiếp mà kết hợp với người nông dân địa phương. Giá bán tôm sinh thái cao gấp 2 lần tôm thẻ, khoảng 14-15 USD/kg với thị trường chính là Nhật chiếm 50%, châu Âu là 35% và Mỹ là 5%”- ông Tâm trao đổi thêm.
Cùng với tôm sinh thái, một “đặc sản” khác của Seaprodex là nuôi trồng chế biến cá tầm có thương hiệu Cá Tầm Kla nuôi tại hồ Kala, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm hiện tại, Seaprodex mới phát triển 1,5 ha nuôi trên diện tích mặt hồ 320 ha. Đây là dự án Seaprodex kết hợp với Viện thủy sản khu vực 3 về chuyển giao công nghệ và tỷ lệ sống cho mọi giống cá đạt 75%.
Theo ông Tâm, vấn đề “con cá tầm không phải là thị trường đầu ra vì hiện không đủ hàng để bán mà nằm ở con giống”. Dự kiến thời gian tới để đảm bảo con giống cho kế hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng lên 10ha, công ty sẽ phải nhập giống từ Nga cũng như thay đổi thức ăn, hiện đang dùng thức ăn dành cho cá mú có hệ số chuyển đổi cao 2,3-2,4, sang thức anh dành cho cá tâm có hệ số chuyển đổi là 1,8 sẽ hiệu quả hơn.
1 năm sau IPO sẽ niêm yết
Trả lời thắc mắc của các nhà đầu tư về vấn đề Tổng công ty 90 được cổ phần hóa lần đầu theo quy định cần có đối tác chiến lược, nhưng Seaprodex lại thực hiện đầu giá công khai bán 49%, lãnh đạo Seaprodex cho biết để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, tái cấu trúc DNNN, Bộ NN&PTNT chấp thuận cho Seaprodex thực hiện chào bán cổ phấn trước sau đó tìm đối tác chiến lược.
Hơn nữa, theo lãnh đạo Seaprodex Nhà nước chỉ có kế hoạch nắm giữ cổ phần chi phối ở giai đoạn đầu còn sau năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ sở hữu. Do vậy, công ty đã có kế hoạch cụ thể, trích lập dự phòng đầy đủ để xử lý mọi vấn đề còn tồn đọng.
“Seaprodex vẫn đang có liên doanh với Nga và đang trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để xử lý. Liên doanh này về bản chất đã dừng từ năm 5/2007 với tỷ lệ góp của phía Việt Nam là 40%. Seaprodex đề nghị xử lý nhưng phía Nga không chấp thuận và Chính phủ Nga can thiệp. Nếu được chấp thuận thì vấn đề này sẽ được xử lý sau khi cổ phần hóa” – Tổng giám đốc Trần Tấn Tâm cho biết.
Đối với IPO, Seaprodex cho biết Tổng công ty đã làm việc với SSI để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, thủ tục cần thiết đang đợi chấp thuận của cơ quan quản lý.
“Seaprodex đã sẵn sàng và chỉ cần phê duyệt, trong vòng 30 ngày chúng tôi có thể tiến hành tổ chức phiên đấu giá” – Ông Tâm nói.