Hàng trăm lãnh đạo DN, các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý đã tham dự hội thảo tại Sở GDCK TP. HCM ngày 15/5/2015 để chia sẻ đánh giá về vai trò của TTCK trong nền kinh tế, từ đó xác định mục tiêu phát triển thị trường này trong tầm nhìn dài hạn.
Điểm tạo nên sự khác biệt của Hội thảo là sự hiện diện của nhiều nhà quản lý quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam và người điều phối chương trình không phải là một MC xinh đẹp, mà là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI - người đã lãnh đạo SSI từ một DN tư nhân, khởi đầu với số vốn 6 tỷ đồng, trở thành CTCK lớn tầm cỡ khu vực, sở hữu khối tài sản gần 6.000 tỷ đồng sau 15 năm song hành cùng TTCK Việt Nam.
Hai câu hỏi được đặt ra xuyên suốt cuộc thảo luận là: đánh giá về vai trò của TTCK Việt Nam và giải pháp nào để TTCK Việt Nam phát triển. Trong khi ông Nguyễn Ngọc Bảo (Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương), ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS. Trần Du Lịch, TS. Nguyễn Thành Long, TS. Trần Đắc Sinh đồng quan điểm cho rằng, TTCK Việt Nam đã khẳng định vai trò của kênh dẫn vốn dài hạn trong nền kinh tế Việt Nam, thì ở góc nhìn độc lập, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du lại chia sẻ một quan điểm thẳng thắn.
Theo ông Du, 15 năm qua, ngành chứng khoán đã làm nên những kết quả tuyệt vời, nhưng còn quá nhỏ so với tiềm lực thực sự của TTCK. "Nếu chúng ta không mắc sai lầm thứ nhất, đó là đặt Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ cơ quan trực thuộc Chính phủ trở thành cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, TTCK Việt Nam có thể đã phát triển gấp 3, gấp 4 lần so với hiện nay", ông Du nói và đưa ra hình ảnh: TTCK Việt Nam y như "ghe chạy trong ao", vì nhiều sự bó buộc, sự không thông suốt về tư tưởng nên TTCK đã không bật lên như vai trò vốn có của nó.
Vậy vai trò xứng đáng của TTCK Việt Nam là gì? TS. Vũ Viết Ngoạn nói thẳng: thị trường tài chính Việt Nam đang mất cân đối, một nền tài chính chủ yếu dựa vào ngân hàng đã yếu kém, lại chủ yếu là vốn ngắn hạn thì càng yếu kém, rủi ro hơn. Thực tế cho thấy, những quốc gia tài trợ vốn bởi hệ thống tín dụng thường kém phát triển, kém bền vững.
Những nền kinh tế như Singapore - biểu tượng hùng mạnh của châu Á, Mỹ - biểu tượng hùng mạnh của thế giới, đều dựa trên nền tư duy xác lập kênh tài trợ vốn chính cho nền kinh tế là thị trường vốn (gồm thị trường tín dụng trung, dài hạn và TTCK) chứ không phải hệ thống ngân hàng (thị trường tín dụng ngắn hạn). Việt Nam nếu không xử lý được sự mất cân đối trong nội tại thị trường tài chính, thì nền kinh tế sẽ ngày càng tụt hậu.
Nhưng làm thế nào để kích thích sự phát triển của thị trường vốn, TTCK để cân đối với thị trường tiền tệ, tạo nên thị trường tài chính lành mạnh và bền vững?
Thảo luận của các diễn giả cho thấy: sẽ không thể khuyến khích đại đa số người dân bỏ tiền vào đầu tư trực tiếp để phải chịu thuế vốn, nếu thị trường tiền tệ vẫn duy trì lãi suất thực dương và miễn thuế lợi tức; sẽ không thể khuyến khích các DN lên niêm yết trên TTCK, hoặc công khai thông tin, nếu họ không nhận được ưu đãi nào hơn các DN đại trà; sẽ không thể thu hút được những dòng vốn dài hạn vào DNNN cổ phần hóa, nếu Nhà nước vẫn "dùng dằng" vừa muốn bán, vừa muốn giữ DNNN và không có chiến lược tạo động lực cho các DN "hậu cổ phần hóa"; sẽ không thể thu hút nhiều dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam, nếu chế độ kế toán, kiểm toán của DN Việt Nam không theo chuẩn mực quốc tế; sẽ không thể có một xã hội an sinh nếu các quỹ hưu trí bổ sung, hưu trí tự nguyện không được khuyến khích tạo lập và phát triển trên TTCK Việt Nam…
Trước rất nhiều bất cập nêu trên, chúng ta phải làm gì để có một thị trường vốn phát triển? Xây dựng thị trường vốn đúng nghĩa để làm trụ cột cho phát triển nền kinh tế chắc chắn không khó hơn việc Việt Nam đã phải đứng lên đấu tranh, giành độc lập cho dân tộc của 40 năm về trước. Dẫn câu "tư tưởng không thông, đeo bình tông cũng nặng", nhiều diễn giả cho rằng, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm sao thông suốt về quan điểm phải phát triển thị trường vốn mạnh hơn, trở thành kênh tài trợ vốn chủ đạo trong nền kinh tế.
Chủ tịch SSI đặt câu hỏi: vai trò của TTCK Việt Nam được Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận như thế nào và các ông sẽ làm gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định, vốn là một trong bốn yếu tố của quyền lực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. "Việc ra đời TTCK Việt Nam là tất yếu và mục tiêu tiếp theo là phải phát triển thị trường này với quy mô, tốc độ và sự bền vững tốt hơn, phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước", ông Bảo nói.
Ở vai trò là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định các chủ trương lớn về phát triển kinh tế xã hội, ông Bảo cho biết, nhiệm vụ phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường vốn sẽ được đưa vào dự thảo văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng thứ 12 tới để thống nhất về tư tưởng ở cấp cao nhất. "Chủ trương này sẽ đặt cơ sở rất quan trọng về nền tảng định hướng cho thị trường vốn, TTCK phát triển một cách tốt hơn", ông Bảo nói.
Khép lại cuộc đối thoại về vai trò của TTCK trong nền kinh tế, Chủ tịch HOSE Trần Đắc Sinh, người gắn mình với suốt chiều dài hoạt động của Sở GDCK TP. HCM - chia sẻ sự xúc động khi ông được thấy các nhà quản lý, các diễn giả đã nhìn thẳng, nhìn sâu, nhìn trúng vào thực tại thị trường và có những giải pháp lớn, định vị sự phát triển của TTCK trong tầm nhìn dài hạn.
Còn điều đọng lại trong lòng những người tham dự cuộc đối thoại đặc biệt này là một mong mỏi: vị thế của thị trường vốn, TTCK sẽ sớm được nâng tầm và trên con đường thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển một thị trường vốn lành mạnh tại Việt Nam, chúng ta sẽ không mắc thêm những sai lầm trọng yếu khác để dù có đi chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực, nhưng sẽ đi theo vòng xoáy tiến lên.