Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, cùng với các cuộc cải cách khác, có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.
Hiển nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phải là người rất mong muốn nghị định này sớm được ban hành.
Bởi trước Quốc hội, ông Vinh từng kể về câu chuyện đi lấy thông tin của một viện trưởng viện nghiên cứu thuộc bộ mình thật cám cảnh đến cỡ nào, khi vị này xuống đến nơi thì bị lãnh đạo tập đoàn thẳng thừng từ chối, không cho tiếp cận thông tin.
Theo dự thảo, sẽ có 8 thông tin buộc doanh nghiệp Nhà nước phải công khai gồm, chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm của doanh nghiệp; báo cáo thực hiện kết quả sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ công ích (nếu có) hàng năm của doanh nghiệp; kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư hàng năm của doanh nghiệp; kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và kết quả thực hiện; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp; chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.
Thiếu cơ chế giám sát
Mặc dù từ trước đến nay, cũng đã có một số quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng đó hầu hết vẫn chỉ là những quy định trên giấy và thực tế, thông tin về khối này luôn là sự bí hiểm, đem lại từ bất ngờ này đến bất ngờ khác cho dư luận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Cường có dẫn ra một ví dụ rằng, không biết nên giải thích thế nào về việc rất nhiều các doanh nghiệp Nhà nước khi công bố ra trước dư luận được đánh giá, xếp loại rất cao, nhưng vừa là anh hùng mà cũng đã trở thành tội đồ? Ví dụ như Vinashin, 3 năm liền 2006, 2007, 2008 đều được xếp loại A, nhưng sau đó lại sụp đổ.
Là một trong những chuyên gia lên tiếng mạnh mẽ cho quá trình công phá vào sự bí hiểm thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Phạm Chi Lan cho rằng, cơ chế buộc doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch thật ra đã được quy định trong chế độ báo cáo, hạch toán, giải trình nhưng do còn thiếu một cơ chế giám sát và chế tài buộc họ thực hiện, nên dẫn đến tình trạng nói nhiều nhưng làm ít. Doanh nghiệp Nhà nước được tự tung tự tác trong báo cáo, cơ quan nhà nước nhiều khi chỉ nghe mà không xem lại có hợp lý không.
"Để nghĩa vụ minh bạch hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty không chỉ là quy định trên giấy, cần có các chế tài đủ mạnh, để tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp Nhà nước cố tình không chấp hành. Nếu tư tưởng "nuông chiều" doanh nghiệp Nhà nước không được dứt khoát đoạn tuyệt, thì vừa không tạo ra được sự lành mạnh trong nền kinh tế, vừa khó tạo ra được sự đột phá trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước", bà Lan nói.
Cải cách bắt đầu từ công khai thông tin
TS. Gregory Smith, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, thấy rằng những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển trong việc cung cấp thông tin được công khai và trực tuyến.
Một ấn phẩm gần đây của Tổ chức Arachnys Open Data Compass cho thấy Việt Nam đã là "một trong những nước đi đầu trong khu vực", xếp thứ hai trong nhóm các quốc gia ASEAN xét về mức độ sẵn có của thông tin về doanh nghiệp trên mạng.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc công khai thông tin của doanh nghiệp Nhà nước, cùng với các cuộc cải cách khác, có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Công khai thông tin, bao gồm thông tin tài chính và phi tài chính, và có thể là công khai nội bộ hay bên ngoài (công bố ra công chúng).
Tuy nhiên, nhìn chung thông tin công bố của phần lớn doanh nghiệp Nhà nước là chưa đầy đủ về chất lượng, thiếu độ chính xác và tính kịp thời, nên khả năng giám sát của các cơ quan chính phủ đối với hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế.
TS. Smith cũng có nhận xét rằng các quy định hiện nay chưa đủ để đưa ra một khung pháp lý hiệu quả trong việc công bố thông tin. Đã có một số quy định về nghĩa vụ công khai thông tin tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng hướng dẫn còn chưa đồng bộ và khó thực hiện.
Cũng còn nhiều vấn đề về việc thực thi, giám sát và mức độ chi tiết của yêu cầu, vì vậy trong thực tế nhiều doanh nghiệp Nhà nước công khai thông tin chủ yếu trên cơ sở tự giác.
Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Xuân Hùng thì khẳng định, việc bắt buộc các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp và công bố công khai thông tin một cách đầy đủ hơn, có chất lượng hơn không chỉ tốt hơn cho chính các doanh nghiệp này, mà Chính phủ và mọi người dân đều có thể tham gia giám sát tình hình hoạt động và tài chính của doanh nghiệp Nhà nước dễ dàng hơn.
Việc công khai thông tin của các doanh nghiệp làm cho các đại diện vốn nhà nước nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước, hạn chế tình trạng sử dụng vốn lãng phí, tham ô.