Theo chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải xây dựng lộ trình thoái vốn tại 10 doanh nghiệp lớn do SCIC quản lý (trong đó có Vinamilk 45,1%, Bảo Minh 50,7%, FPT Telecom 50,2%, Vinare 40,4%)... để trình Chính phủ phê duyệt và công bố công khai.
Chính phủ chủ trương thoái vốn nhà nước mà SCIC đang đại diện chủ sở hữu tại 10 doanh nghiệp (ảnh minh họa logo một số doanh nghiệp có chủ trương thoái vốn) |
Thông tin SCIC thoái vốn khỏi doanh nghiệp đã nhận được phản ứng tích cực trên thị trường, cụ thể giá cổ phiếu của VNM, BMC... liên tục tăng. Các nhà đầu tư đang chờ lộ trình thoái vốn cụ thể từ SCIC để vào đầu tư.
Tuy nhiên làm sao để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, mục tiêu cuối cùng để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt nhất, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện - Viện Phát triển Kinh tế Miền Đông (Viện EED).
Chọn ai?
TS. Nguyễn Văn Dũng khẳng định, chủ trương thoái vốn tại 10 doanh nghiệp mà chính phủ mới đưa ra là phù hợp với chủ trương của Ban chấp hành trung ương về đề án tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và được hiện thực hóa tại nghị quyết 15/NQ-CP.
TS. Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện - Viện Phát triển Kinh tế Miền Đông (Viện EED) |
"Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới (WTO, TPP) như hiện nay, việc thoái vốn càng phải thực hiện triệt để", TS. Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Thời gian qua có nhiều nhận định cho rằng, việc thoái vốn là do phải trả nợ công và nhiều vấn đề khác, TS. Dũng bày tỏ quan điểm: "Đây là nhận định chủ quan vì việc thoái vốn đã có kế hoạch từ trước, SCIC ra đời là để giúp các công ty nhà nước thoái vốn, điều này phù hợp với chủ trương đã có từ lâu".
"Chỉ là thời điểm lúc này, khi mà vấn đề nợ công được đẩy lên như một vấn đề cao điểm thì việc thoái vốn 10 công ty đang có đóng góp lớn cho ngân sách tạo nhiều ý kiến của dư luận", TS. Dũng nói.
Chủ trương thoái vốn tại doanh nghiệp lớn đưa lúc này của SCIC được xem thuận lợi hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải ngay lập tức vốn nhà nước được chào bán ngay mà ít nhất phải sau 1 năm nữa mới có thể tiến hành.
Cần có tiêu chí chọn nhà đầu tư muốn đầu tư vào Vinamilk |
Việc quyết định mua hay bán còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như kết quả hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp. Thời điểm 1 năm nữa có thể sẽ có nhiều thay đổi.
Vì vậy việc lựa chọn nhà đầu tư khi muốn sở hữu vốn của các doanh nghiệp cần nhiều yếu tố. Trong trường hợp cụ thể như Vinamilk theo TS. Nguyễn Văn Dũng, ở góc nhìn nhà đầu tư họ quan tâm nhiều nhất vấn đề giá bán và cơ chế bán vốn. Qua trọng phải lựa chọn nhà đầu tư có thể mang lại cho sự phát triển dài hạn cho công ty.
|
"Đối với Vinamilk, đây là công ty có hoạt động kinh doanh tốt và sẽ càng tốt hơn nữa nếu các cổ đông có kinh nghiệm trong ngành sữa. Nhưng giá và cơ chế bán vốn như thế nào vẫn là vấn đề ưu tiên", TS. Dũng cho biết.
Số vốn SCIC nắm giữ ở Vinamilk khá lớn, khoảng 2,5 tỷ USD, trong nước không có nhiều nhà đầu tư có thể ôm trọn số vốn này. Đây được xem là một khó khăn, có ý kiến cho rằng nên chia cổ phần Vinamilk thành từng gói nhỏ để đấu giá công khai.
Nên để Vinamilk quyết định
Trong các yếu tố lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho doanh nghiệp thương hiệu lớn như Vinamilk, TS. Nguyễn Văn Dũng cho rằng cần phải đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư, đưa ra mức giá và định hướng của Vinamilk để nhà đầu tư nghiên cứu cảm thấy phù hợp với đường hướng phát triển trước khi quyết định tham gia. Không quan trọng là đầu tư trong nước hay nước ngoài.
"Theo tôi quan trọng cách chào bán. Thông thường việc chọn nhà đầu tư chiến lược nếu thông qua hình thức thỏa thuận ngoài sàn sẽ có nhiều cái lợi và các số liệu và kinh nghiệm đều đã chứng minh điều này. Nhưng làm sao để "được giá" cũng cần có nhiều nhà đầu tư biết và nếu nhiều thì chúng ta có quyền lựa chọn", TS. Dũng nêu quan điểm.
Mặt khác, để đảm bảo lợi ích cho chính doanh nghiệp, Chính phủ nên để cho chính Vinamilk tham gia vào quá trình thoái vốn này.
Nên để Vinamilk tham gia chọn nhà đầu tư (ảnh nguồn Vinamilk) |
"Vinamilk sẽ giúp cho SCIC tìm nhà đầu tư tiềm năng trong ngành vì không ai hiểu ngành sữa bằng chính họ. SCIC chỉ cần thiết lập các tiêu chí, lộ trình và giám sát quá trình thoái vốn", TS Dũng cho biết.
Về lo ngại mất thương hiệu Việt khi bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, TS. Dũng cho rằng thương hiệu Vinamilk là thương hiệu có giá trị lớn, có thể nói là thuộc nhóm tốt nhất hiện nay tại Việt Nam.
"Nếu nhà đầu tư nước ngoài tham gia, không dại gì họ làm mất đi thương hiệu, mà giá trị hiện tại hơn tỷ USD, này. Mọi việc khi đã thoái vốn cần để cơ chế thị trường và cạnh tranh chi phối, vì người hưởng lợi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng", TS.Dũng cho hay.
Theo TS Dũng, cổ phần những doanh nghiệp như Vinamilk và FPT sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn cả trong lúc này. Nếu có tiền, TS. Dũng cho biết ông không ngần ngại tham gia đầu tư vào Vinamilk. Vấn đề SCIC cần phải sớm chốt thời gian và cụ thể thủ tục chào bán cổ phần của mình tại Vinamilk.