SCIC sẽ xoay chuyển cổ phần hóa?

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tham gia ngay từ giai đoạn xây dựng chương trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn của Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN lớn và mua cổ phần chiến lược.

Nhiệm vụ CPH được 432 DNNN ngay trong 2 năm (2014 - 2015) đang rất nặng nề, khi 9 tháng qua mới chỉ làm được 16,4% kế hoạch (71 DN).

Nếu chỉ trông chờ vào sự tham gia mua CP đấu giá của cổ đông, nhà đầu tư (NĐT) lớn trên thị trường thì việc CPH 361 DN còn lại có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Từ ngày 1/11/2014, khi Quyết định 51 của Chính phủ có hiệu lực, cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM), SCIC cùng vào cuộc, trực tiếp tham gia mua cổ phần đấu giá, giúp đẩy nhanh tiến trình CPH, thoái vốn và cải cách DNNN.

"Cứu tinh" cho ngân hàng

Quyết định 51 xác định rõ: Trong trường hợp DN không thể chào bán cổ phần lần đầu (IPO) thì SCIC và NHNN sẽ đứng ra hỗ trợ để DN thoái vốn thành công và nhanh chóng hơn. Nhất là thoái vốn ở 5 lĩnh vực nhạy cảm, gồm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính. Thực tế, không ít tập đoàn, tổng công ty gặp bế tắc khi muốn thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực này.

Đơn cử, ở lĩnh vực ngân hàng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện vẫn đang bị "mắc kẹt" với 2 khoản đầu tư lớn tại Tổng Công ty Tài chính dầu khí (PVFC sau sáp nhập thành ngân hàng PVcombank, đã giảm sở hữu xuống 52%) và Ocean Bank (sở hữu 20%).

Tổng số vốn cần thoái là hơn 5.000 tỷ đồng. Mặc dù Chính phủ hối thúc, nhưng lãnh đạo PVN vẫn viện nhiều lý do để chưa thoái vốn khỏi 2 ngân hàng, dù mốc hẹn năm 2015 cận kề.

Cái khó nữa, là sau khi sáp nhập, PVcombank đã xin hủy niêm yết cổ phiếu (900 triệu cổ phiếu), khiến cho các NĐT phải chuyển sang giao dịch ở thị trường Upcom với thanh khoản hết sức yếu ớt.

Không chỉ riêng PVcombank, các khoản đầu tư vào ngân hàng của nhiều DN khác cũng bị "bốc hơi" mạnh, tụt dưới giá trị sổ sách nên lãnh đạo DN rất ngại thoái vốn vì sợ trách nhiệm.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về sự tham gia của SCIC vào nhiệm vụ thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết vai trò của SCIC ở đây cũng giống như các NHTM tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng theo chỉ định của NHNN. SCIC hay ngân hàng đều là tổ chức tài chính, đòi hỏi kinh doanh đầu tư vào đâu cũng phải có lời.

SCIC sẽ tham gia ngay từ giai đoạn xây dựng chương trình CPH,
thoái vốn của Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN lớn

"Việc tham gia của SCIC cũng bình đẳng như các NĐT khác. Có điều, SCIC có nhiệm vụ tham gia cùng Ban chỉ đạo phương án CPH để tư vấn, giám sát Ban chỉ đạo thực hiện phương án CPH có tốt không, có minh bạch thông tin và bảo đảm chất lượng hàng hóa không", ông Tiến nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu quả vốn nhà nước

Quyết định 51 được thực thi sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho các DN phải CPH, thoái vốn đầu tư với sự đảm bảo IPO thành công của SCIC. Cụ thể, SCIC sẽ được chỉ định tham gia mua cổ phần khi DNNN tiến hành IPO, xử lý cổ phần không bán đấu giá hết.

Phương án giá bán thỏa thuận, số lượng cổ phần, phương thức giao dịch… cũng được xây dựng riêng cho SCIC nếu NĐT này được giao nhiệm vụ tham gia.

Như vậy, SCIC sẽ mua cổ phần đấu giá thông thường hay mua cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược? Giải thích về tư cách tham gia của SCIC, ông Tiến cho hay, nếu SCIC muốn mua lại cổ phần của DN thì phải theo đúng quy định, đàm phán như cổ đông chiến lược và mua bán bình thường. Trường hợp có thêm một cổ đông chiến lược đăng kí mua, sẽ tiến hành đấu giá công khai.

Sự xuất hiện của SCIC ngay từ đầu CPH, theo ông Tiến, sẽ là tạo thuận lợi hơn cho hoạt động DN, trước và sau khi CPH xong, phần vốn nhà nước tại DN sẽ được chuyển về cho SCIC quản lý theo mô hình hiệu quả hơn.

SCIC tham gia sớm để nắm bắt dần tình hình, hiểu DN hơn và đảm bảo quản trị tốt hơn. Đây cũng là lý do Chính phủ đã ban hành 2 nghị định mới để nâng cao quản trị của SCIC trong thời gian tới theo hướng trở thành NĐT vốn nhà nước có hiệu quả, đầu tư vào các công trình, dự án lớn. Tổng công ty này cũng đã phải thay đổi về quản trị, nhận thức và tăng sức cạnh tranh với các NĐT khác.

Để thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần, Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã đề xuất thí điểm hình thức đấu giá trọn lô (đăng kí mua toàn bộ cổ phần), áp dụng với trường hợp SCIC tham gia mua cổ phần. Nhưng hình thức này gặp vướng mắc, chậm trễ do chưa có quy chế mẫu với đấu giá trọn lô.

Do đó, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết Ủy ban đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính về việc đấu giá trọn lô của SCIC không phải chào bán chứng khoán ra công chúng, không thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Ủy ban. Đồng thời, kiến nghị Bộ giao SCIC và Sở GDCK Hà Nội giải quyết, triển khai thực hiện ngay rồi UBCK mới ban hành quy chế mẫu.