Sau săn tìm là tháo chạy?

- Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2010, Vinaconex chính thức được Chính phủ và Bộ Xây dựng thông qua việc chuyển đổi dự án KĐT du lịch Cái Giá - Cát Bà (Hải Phòng) cho Vinaconex ITC.

Ngày đầu nhập cuộc, Vinaconex ITC đã gặt hái chút "quả ngọt đầu mùa" theo hình thức đầu tư cuốn chiếu. Tuy nhiên, 4 năm sau, nhiều nhà đầu tư (NĐT), thậm chí vô khối cổ đông của ITC đang như kiến bò chảo lửa.

Tin xấu tới tấp bay về. Từ nội bộ thành viên lãnh đạo, tới hoạt động kém hiệu quả (thậm chí bị cơ quan pháp luật "sờ gáy" và xử phạt)… đã dự báo sự chẳng lành sắp diễn ra ở dự án "con cưng" của Tổng Công ty Vinaconex.


Năm 2010, trong cả "rổ" dự án nghỉ dưỡng du lịch ở khu vực phía Bắc, Cát Bà Amatina của Vinaconex thời chuyển giao nổi lên như một hiện tượng. Cả giới làm nghề xây dựng/quy hoạch trầm trồ về phương án thi công (san núi, lấp biển), gây "choáng" toàn thị trường BĐS bằng tổng giá trị đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Cát Bà Amatina chỉ trong 4 tháng (từ tháng 4 - 8/2010) trở thành cục nam châm hút lực lượng dân kinh doanh, đầu cơ địa ốc tìm tới săn tìm cơ hội.


800 biệt thự, 2 bến du thuyền, 1 bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, thể thao giải trí đa năng, 6 khách sạn 5 sao... sơ sơ như vậy đã đủ làm "chóng mặt" bất cứ ai quan tâm, có chút hiểu biết về mảng đầu tư BĐS cao cấp - nghỉ dưỡng.

Quá khứ vàng son

Vinaconex đã "tròn vai" trong quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng từ trước khi chuyển giao cho "người con" mang tên ITC. Số liệu công bố thời điểm giữa quý III/2010 của Vinaconex ITC đã chứng minh thương vụ trên là quá đúng.


Khi ấy, chủ đầu tư công bố đã hoàn tất việc bán khu biệt thự Tùng Thu (khu A), khu B2 và khu B3. Chi tiết, khu Tùng Thu có 87 lô biệt thự với diện tích từ 142 - 340 m2/lô (kinh doanh từ 2009), khu B2 và B3 với tổng số 84 lô có diện tích từ 300 - 600 m2/lô (được chủ đầu tư kinh doanh trong nửa đầu năm 2010). Để đạt được thành quả này chính là nhờ hình thức xây dựng, kinh doanh cuốn chiếu mà Vinaconex ITC định hướng từ đầu.


Thậm chí, tháng 8/2010, đại diện của CBRE miền Bắc còn lạc quan nhận định đây là một dự án BĐS du lịch được triển khai rất thành công ở miền Bắc, có tính khả thi rất cao và hấp dẫn đối với các NĐT vào thị trường du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực này.


Như một cách khẳng định sự thành công tuyệt đối của dự án, chủ đầu tư còn mạnh dạn dành tặng NĐT một cách khuyến mãi rất bạo tay: biệt thự (ngoài thời gian sử dụng của NĐT) sẽ được Vinaconex ITC thuê lại để cho khách du lịch thuê nhằm tối đa hóa khai thác BĐS.

Cát Bà Amatina: nơi "dễ đến khó về" của Vinaconex và NĐT


Chưa dừng ở đó, sức mạnh của Cát Bà Amatina còn được thể hiện qua độ "hót" của cổ phiếu VCR (Vinaconex ITC) niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội. Kể từ lúc lên "sàn", VCR liên tục được NĐT soi kỹ và săn lùng.


Điều này được giải thích bằng những phân tích cơ học của nhiều chuyên gia: dựa trên chỉ số P/E (hệ số giá trên thu nhập, cho thấy giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần) của VCR rất hấp dẫn so với phần còn lại.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Bay trên mây với những thành công quá sớm, có lẽ vì thế mà Vinaconex ITC không thể gượng dậy sau liên tiếp các cú sốc sau đó. Trên đà chiến thắng, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ kinh doanh khai thác khu C trong năm 2011, năm 2012 và tiếp đó là khu D với hàng trăm lô biệt thự đang sẵn sàng chờ người mua.


Năm 2012 khởi đầu những biến cố của "dòng họ" Vinaconex. Tháng 9 năm đó ghi nhận quá trình thoái vốn ồ ạt của Vinaconex tại các DN thành viên với số lượng cực lớn.


Lần lượt cổ phần của công ty mẹ tại Vinaconex Xi măng Lương Sơn - Hòa Bình, Vinaconex Dung Quất, Vinaconex Hoàng Thành, Vinaconex 3, Vinaconex -VCN… được công bố bán với số lượng lớn từ tháng 4 tới đầu quý IV/2012.


Ngược xuôi trích lập dự phòng, tái cấu trúc từ 2011, càng làm Vinaconex lại càng cho thấy thế chân tường của đơn vị này. Không chỉ tạo nên nhiều mối nghi ngờ về thực lực, Vinaconex đã "mất điểm" trong mắt các cổ đông vì năm 2011, lợi nhuận trước thuế đạt 387 tỷ đồng nhưng không chia cổ tức (!)


Tới phiên mình, Vinaconex ITC cũng nhanh chóng gặp vấn đề. "Sinh ra để làm BĐS" nhưng đơn vị này đã "chìm" ngay trong dự án Cát Bà Amatina của mình. Tháng 8/2013, báo cáo tài chính soát xét của Vinaconex ITC cho thấy những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vinaconex ITC.


Đáng chú ý, dự án trọng điểm (mang lại nguồn thu chính) của DN là KĐT Du lịch Cái Giá - Cát Bà đã triển khai chậm lại từ năm 2012. Tính tới hết tháng 6, DN đang thiếu vốn lưu động để thanh toán cho công nợ đến hạn. Hơn nữa, tại ngày 30/6, công ty đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả.


Trước nghi ngờ có cơ sở của cơ quan chức năng (lỗ lũy kế Vinaconex-ITC tăng khoảng 130 triệu đồng so với trước soát xét, lên 18,6 tỷ đồng. Khoản lỗ này cao gấp 2,6 lần kế hoạch lỗ được ĐHCĐ thường niên năm 2013 thông qua), đại diện lãnh đạo DN đưa ra chiếc phao tín dụng cam kết của Agribank (hạn mức 400 tỷ đồng, thời hạn 5 năm kể từ lần giải ngân đầu tiên vào 19/5/2011). Hạn mức tín dụng còn, nghĩa là Công ty có thể vay tiếp để trả nợ?!


Giữa năm 2013, Vinaconex ITC "thay tướng" (miễn nhiệm Tổng Giám đốc Trần Ngọc Quang) nhưng có vẻ chưa thể "đổi vận". Cuối tháng 9/2014, chủ đầu tư tiếp tục đi vào vết xe năm trước.


Báo cáo Tài chính soát xét quý II/2014 một lần nữa cảnh báo nguy cơ xấu đang cận kề chủ đầu tư. Cơ bản như sau: 12 tháng tới, việc thanh toán nợ đến hạn của DN phụ thuộc nhiều vào việc bán được tài sản, công trình dở dang hay không/được cấp tín dụng mới không cũng như khả năng Vinaconex ITC huy động vốn ra sao.

Hết tháng 6/2014, đơn vị này còn nợ ngắn hạn 454 tỷ đồng. Tiền nợ thuế là trên 139 tỷ đồng, điều này từng thể hiện qua việc DN xin lãnh đạo Hải Phòng giãn nộp tiền thuế sử dụng đất, và giãn tiến độ thực hiện Cát Bà Amatina (đến 2020).
Có lẽ, năm nay và cả sang năm 2015, ĐHCĐ thường niên của Vinaconex sẽ khó lòng diễn ra trong không khí vui vẻ. Thậm chí, đã phong thanh những NĐT nhanh chân "rút" khỏi Cát Bà Amatina từ đầu năm 2014 tới nay.