SASCO: Biên lợi nhuận 31% nhờ độc quyền kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay 

(NDH) Nếu loại trừ tác động của khả năng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, nửa cuối năm 2014 kết quả kinh doanh của SASCO sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm 2014

Ngày 18/9 tới Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) sẽ tiến hành IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Công ty sẽ đấu giá công khai 31.097.900 cổ phần, chiếm 23,65% vốn điều lệ, giá khởi điểm 10.000 đồng/cp.

Đồng thời Sasco sẽ chào bán 31.034.000 cổ phần, tương đương 23,6% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, cả 3 nhà đầu tư chiến lược đang đàm phán là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP); Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC); Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC). Các công ty này đều liên quan đến tập đoàn Imex Pan Pacific của ông Jonathan Hạnh Nguyễn.

CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI vừa ra báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh của Sasco trước thời điểm IPO.

Theo đó, sau 21 năm hoạt động, SASCO đã từng bước thành lập các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bao gồm: kinh doanh hàng miễn thuế, thực phẩm và nước giải khát, thuốc lá, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, các sản phẩm văn hóa, phân phối dầu khí và bán lẻ, nhà hàng, taxi, bất động sản, du lịch, sản xuất nước mắm…

Đối với mảng kinh doanh miễn thuế, SASCO nắm giữ độc quyền trong việc cung cấp hàng hóa miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất . Hiện nay, SASCO đang hoạt động khoảng 20 cửa hàng với 10 nhóm mặt hàng và khoảng 12.000 sản phẩm miễn thuế từ các thương hiệu cao cấp với giá cả cạnh tranh. Lĩnh vực này đóng góp khoảng 40% vào tổng doanh thu và 30% lợi nhuận gộp của SASCO.

Ở mảng kinh doanh thương mại, SASCO đang sở hữu một chuỗi các cửa hàng bán lẻ (cung cấp hơn 10.000 loại hàng hoá) và một chuỗi các nhà hàng và quán bar với nguồn thu góp khoảng 50% và 66% vào tổng doanh thu và lợi nhuận gộp của SASCO.

SACO có một công ty con cung cấp dầu khí có tên Tapetco và 4 công ty liên kết bao gồm Phú Quốc Sasco, Công ty Cổ phần Hàng không Sài Gòn, Công ty Cổ phần Phát triển sân bay Vườn Xanh Công ty liên doanh cổ phần Nhà Việt (Viethaus Ltd) và các khoản đầu tư dài hạn khác vào NASCO và MASCO.

Kêt quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014

Trong nửa đầu năm 2014, SASCO đạt doanh thu và lợi nhuận trước thuế 1,037. tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm trước) và 83,9 tỷ đồng (tăng tới 73,8% so với cùng kỳ). Doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng nhẹ. Nguyên nhân là do sân bay TSN đã trải qua 3 tháng bảo dưỡng làm ảnh hưởng đến không gian kinh doanh của SASCO và các hoạt động mua sắm của khách hàng và tác động bất lợi từ các tranh chấp với Trung Quốc, làm giảm số lượng hành khách Trung Quốc (-8% so với năm trước), chiếm 60% nhu cầu mua hàng miễn thuế.

Biên lợi nhuận gộp đạt 31,1%, cho thấy vị trí độc quyền của SASCO trong mảng kinh doanh hàng miễn thuế cũng như thị phần cao của SASCO trong kinh doanh thương mại.

Doanh thu tài chính, chi phí quản lý và chi phí bán hàng là tương đối ổn định so với năm trước, chi phí quản lý giảm 35.5 tỷ đồng do SASCO không còn ghi nhận khoản nợ khó đòi đối với Viethaus. Kết quả, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt trội 73,8%.

Triển vọng 6 tháng cuối năm 2014

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn, nếu loại trừ tác động của khả năng trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, nửa cuối năm 2014 kết quả kinh doanh của SASCO sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm 2014.

Có 3 nguyên nhân được SSI đưa ra cho sự lạc quan trên. Một là, tranh chấp giữa Trung Quốc-Việt Nam đã có phần lắng dịu. Bên cạnh đó, nửa cuối năm thường là mùa kinh doanh tốt hơn đối với mảng kinh doanh thương mại. SASCO cũng chưa ghi nhận cổ tức từ các khoản đầu tư của mình (có thể đạt ít nhất là 30 tỷ đồng / năm và được ghi nhận trong kết quả kinh doanh 2 quý tới)

Với tình hình có nhiều tiến triển tốt hơn ở cả mảng hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính, SSI dự phóng EPS cả năm 2014 đạt 1108 đồng. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SASCO có thể đạt lần lượt 2,035 tỷ đồng (tăng 1,1% so với năm trước) và 182 tỷ đồng (tăng 48,7% so với cùng kỳ).

Kế hoạch đầu tư của công ty

Mảng kinh doanh hàng miễn thuế, kinh doanh thương mại sẽ duy trì ổn định

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Sài gòn, số lượng hành khách thông qua sân bay TSN có thể đạt 25 triệu trong vòng 3 năm tới, do vậy tốc độ tăng trưởng hàng năm ít nhất sẽ đạt 7% trong 3 năm tới.

Mặc dù người ta cho rằng sân bay TSN sẽ đạt công suất tối đa sau 3 năm tới, tuy nhiên số lượng hành khách có thể tiếp tục tăng trong 10 năm tới nhờ vào việc áp dụng các chương trình du lịch nhanh chóng của IATA và chính sách nới lỏng các yêu cầu về thị thực. Trên thực tế, sân bay quốc tế Nội Bài hàng năm vẫn đón 12 triệu hành khách, dù công suất thiết kế của nó chỉ là 6 triệu hành khách.

Trong năm 2015, sân bay TSN sẽ mở rộng, nhờ vậy, không gian kinh doanh hàng miễn thuế SASCO của có thể tăng thêm 500 m2, tương đương 29,4%, và qua đó tăng doanh số bán hàng lên 7,8% trong năm 2015 và tiếp tục tăng trong những năm tới.

TAPETCO, công ty con chuyên cung cấp dầu khí với chi phí đầu tư 28 triệu USD và vốn điều lệ 230 tỷ đồng, TAPECO có thể góp ít nhất 10 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho SASCO. Tiềm năng đóng góp của Tapeco ít nhất sẽ cao hơn thu nhập lãi. Ngoài ra, lợi nhuận SASCO còn có nhận được từ sự phát triển bất động sản.

Tóm lại, có thể thấy. cơ hội khi đầu tư vào SASCO đến từ sự tăng trưởng nhanh và ổn định của thị trường hàng không Việt Nam và của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nếu loại trừ dự phòng phải thu khó đòi, lợi nhuận trước thuế của SASCO sẽ cao gấp đôi lợi nhuận năm 2012-2013. Vị thế độc quyền của SASCO tại sân bay Tân Sơn Nhất và những tiềm năng từ công ty con TAPETCO cũng là những lợi thế của SASCO.

Tuy nhiên, cũng sẽ xuất hiện một số rủi ro khi đầu tư vào SASCO khi lợi nhuận trong ngắn hạn của SASCO có thể bị giảm trừ từ việc ghi sổ lại khoản dự phòng trị giá 295 tỷ đồng, và 38 tỷ đồng từ khoản lợi thế thương mại.Trong năm 2012 và 2013, Sasco đã tríchlập dự phòng nợ phải thu khó đòi giá trị tổng cộng 266 tỷ đồng từ các khoản chi hộ ngắn hạn vàdài hạn cho CTCP liên doanh Nhà Việt.

Các đối tác chiến lược đồng thời cũng là nhà cung cấp chính chuỗi hàng miễn thuế, gây ra quan ngại về việc chuyển giá. Ngoài ra, mảng kinh doanh bất động sản có thể yêu cầu lượng tiền mặt lớn và gây áp lực về vốn đối với mảng kinh doanh chính.

Sasco sẽ không thực hiện việc niêm yết cổ phiếu ngay sau khi cổ phần hóa nên nhà đầu tư cũng nên lưu ývề vấn đề thanh khoản của cổ phiếu này.