Mua lại 29% cổ phần từ Vinataba
Công ty TNHH Bia Sapporo Việt Nam vừa mua lại 29% vốn góp của đối tác Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và sở hữu toàn bộ vốn nhà máy tại Long An. Động thái này cho thấy quyết tâm đi xa hơn với thị trường Việt Nam của công ty bia đến từ Nhật Bản.
Sapporo không tiết lộ giá trị thương vụ và cho rằng, phải tuân thủ cam kết với đối tác là không được công bố giá trị chuyển nhượng. Tuy nhiên, theo nguồn tin của tờ Nikkei (Nhật Bản), giá trị thương vụ được cho là khoảng 8,28 triệu USD, tương đương gần 190 tỷ đồng. Như vậy, nhà máy của Sapporo tại Long An được định giá hơn 640 tỷ đồng.
Nhà máy bia Sapporo tại Long An được xây dựng từ năm 2010 trên diện tích 6,5 ha, dựa trên sự hợp tác của Sapporo International (Nhật Bản) và Vinataba. Theo Sapporo, nhà máy đang hoạt động ở giai đoạn I, với công suất thiết kế 40 triệu lít/năm. Công suất tối đa dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2019 là 150 triệu lít/năm.
Thoái vốn là bước đi bắt buộc của Vinataba theo chỉ định thoái vốn ngoài ngành của Chính phủ. Hiện Vinataba có khoảng 19 công ty con và 9 công ty liên doanh liên kết, đạt doanh thu hơn 21.600 tỷ đồng năm 2014, lợi nhuận sau thuế hơn 800 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của Vinataba năm qua đạt gần 4%.
Về phía Sapporo, thương vụ này giúp họ chủ động hơn trong các quyết định ứng phó với áp lực cạnh tranh trên thị trường bia Việt Nam. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường bia Việt Nam năm 2014 tiêu thụ hơn 3,4 tỷ lít. Con số này được dự báo sẽ tăng thêm 40% nữa đến năm 2019. Sapporo đang theo sát tốc độ tăng trưởng chung, với mức tăng doanh thu 34% năm 2014.
Không đánh giá về con số ước tính trên, ông Mikio Masawaki, Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam chỉ cho biết: "Trong năm 2014, kết quả kinh doanh của chúng tôi tăng trưởng hai con số". Kết quả kinh doanh chi tiết 9 tháng đầu năm 2015 không được chia sẻ, kế hoạch kinh doanh cả năm sẽ phấn đấu đạt tăng trưởng cũng với mức hai con số.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sapporo Việt Nam, thị trường bia trong 5-10 năm trước tăng trưởng rất mạnh mẽ. Nhưng gần đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, có thể sẽ ở mức 7-8%/năm. Tuy nhiên, tùy phân khúc sẽ có mức độ tăng trưởng khác nhau, như dòng bia cận cao cấp và cao cấp. Ông Mikio Masawaki dẫn số liệu nghiên cứu của AC Nielsen cho rằng, hai phân khúc này sẽ tăng lên 70% thị phần vào năm 2020 so với mức 55% thị phần như hiện tại.
Có nhiều điều kiện hỗ trợ cho xu hướng này. Ngoài dự báo thu nhập bình quân đầu người Việt Nam tăng trưởng ổn định, nhu cầu tiêu dùng ở phân khúc trên cũng đang tăng theo mức sống người dân. Xu hướng này rõ ràng có lợi cho Sapporo, vì sản phẩm của Sapporo được định vị ở phân khúc cao cấp. Sapporo cho biết, họ đang có hơn 4.000 điểm bán tại khắp Việt Nam.
"Tại TP.HCM, chúng tôi cho rằng, mình đang ở vị trí thứ ba, chỉ sau Sabeco và VBL. Về thị phần cụ thể, chúng tôi hiện chưa có thông kê chính thức", Tổng giám đốc Sapporo nói và cho biết, ở một số kênh phân phối hiện đại như câu lạc bộ bia, Sapporo đang nằm trong số ít những thương hiệu dẫn đầu.
Ở vị thế hàng đầu nhưng vẫn lỗ
Dù đạt được những thành quả ấn tượng như trên và tiếp tục đầu tư, nhưng Sapporo cho biết, họ đang lỗ sau gần 6 năm rót vốn vào Việt Nam. Khi nào Sapporo có lãi đang là vấn đề được đặt ra.
Theo ông Mikio Masawaki, hơn 3 năm qua, Sapporo đầu tư rất lớn cho công tác thị trường, quảng bá nhằm xây dựng thương hiệu và tạo nền tảng phát triển trong tương lai. "Do đó, hiện tại chúng tôi chưa có lợi nhuận", ông Mikio Masawaki nói.
Công trình đầu tư tiêu biểu của Sapporo là nhà máy sản xuất bia theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Long An, với chi phí lên đến 50 triệu USD. Tính theo tỷ giá trung bình 3 năm qua, giá trị đã vượt 1.000 tỷ đồng. Con số này chênh lệch khá nhiều với ước đoán mà tờ Nikkei định giá cho nhà máy Long An của Sapporo. Cần nhấn mạnh rằng, đây chỉ là chi phí xây dựng nhà máy.
Sapporo từ chối đưa ra con số đầu tư cụ thể, nên rất khó đánh giá chính xác.
Theo Sapporo Việt Nam, về nguyên liệu chính, Sapporo nhập khẩu từ 9 quốc gia ngoài Việt Nam. Cụ thể, hoa bia và lúa mạch được nhập từ Australia và châu Âu. Gạo và nguồn nước sạch thì được sử dụng tại Việt Nam. Về mặt nhân sự, chủ yếu là người Việt Nam. Hiện Sapporo có 400 nhân viên, chỉ có 9 người được cử từ Nhật Bản sang. Nhân sự cấp cao sắp tới sẽ là người Việt được đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật.
Bên cạnh các khoản đầu tư cho cơ sở sản xuất, Sapporo đã rót khá nhiều cho khâu quảng bá. Tổng giám đốc Sapporo Việt Nam cho biết: "Thị trường bia Việt Nam cạnh tranh rất mạnh mẽ, nên chúng tôi cho rằng, mình phải tiếp tục đầu tư lớn cho marketing, nhằm xây dựng và định vị vững chắc thương hiệu".
Đầu tư là việc cần làm, nhưng khi nào Sapporo có lãi tại Việt Nam là vấn đề được quan tâm nhiều hơn. Trả lời vấn đề này, ông Mikio Masawaki nói: "Sau khi đã đặt nền tảng phát triển ổn định suốt thời gian qua, sắp tới, chúng tôi mong muốn sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng, từ đó giúp hoạt động kinh doanh thu được lợi nhuận".
Về thời gian cụ thể để kinh doanh có lãi, Sapporo chưa đưa ra thông tin nào. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa doanh thu Sapporo Việt Nam chiếm 50% doanh thu nước ngoài của Tập đoàn, Sapporo hẳn muốn lãi hơn là lỗ.
Nhìn nhận về hiện tượng lỗ của Sapporo Việt Nam, ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn Chiến lược Doanh nghiệp TNK Capital Partners cho rằng, đây là trường hợp bình thường. Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhất là ngành bia, áp lực cạnh tranh rất cao. "Quảng bá mạnh mẽ để giành thị phần trong vài năm đầu phát triển thường tốn rất nhiều chi phí", ông Dự nói.
Khi thị phần ổn định, được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, chi phí marketing giảm xuống có thể giúp lợi nhuận tăng lên. Tuy nhiên, theo ông Dự, khi Sapporo tăng công suất nhà máy sắp tới, có thể khiến chi phí quảng bá tăng cao hơn. "Khó nói chính xác được khi nào Sapporo có lãi", ông nhận xét.