Săn cổ phiếu

Săn cổ phiếu "chào sàn": NĐT kiếm lời trên thị trường OTC

(NDH) Vấn đề mấu chốt khi đầu tư cổ phiếu “chào sàn” là doanh nghiệp có lên niêm yết được hay không.

Ngày 31/1/2015 Đạm Cà Mau chính thức niêm yết 529,4 triệu cổ phiếu trên HOSE và trở thành một trong những DN sản xuất quy mô lớn nhất lên sàn giao dịch tập trung. Từ khi rục rịch niêm yết hồi cuối tháng 1/2015, CP này thu hút sự quan tâm đặc biệt và trở thành mã bluechip trên thị trường OTC. Trong Quý I nhiều CP đã niêm yết thành công mang lại thành quả không nhỏ cho nhà đầu tư trên thị trường OTC.


Đạm Cà Mau giao dịch ngày 31/3 tới đây

Lợi nhuận ấn tượng

Khác với quý I hàng năm, kết thúc tháng 3 năm nay thị trường chứng khoán niêm yết vẫn chưa thực sự khởi sắc như mong muốn. Điều này do một số nguyên nhân như nhà đầu tư ngoại quay lại bán ròng, giá dầu xuống thấp và chưa thực sự ổn định, dòng tiền vào thị trường bị phân tán... Việc tìm kiếm lợi nhuận với nhà đầu tư trên thị trường niêm yết không thực sự thuận lợi. Trái lại, không ít nhà đầu tư trên thị trường OTC đã gặt hái thành quả.

Còn nhớ hồi cuối tháng 12/2014 khi thị trường vào giai đoạn điều chỉnh mạnh mẽ, Đạm Cà Mau đấu giá với giá thành công khá thấp ở mức 12.500 đồng/cp. Khi có kế hoạch niêm yết rõ ràng và việc giao dịch CP được thuận lợi, nhiều nhà đầu tư đấu giá CP đạm Cà Mau đã chốt lời ở mức 13.000 – 14.000 đồng/cp. Với mức giá chào sàn 14.500 đồng/cp tới đây, nhà đầu tư vẫn thu lợi nhuận cho dù không cao nhưng khá an toàn.

Trong tháng 1, CP CTCP Tập đoàn Tiến Bộ đã chào sàn và đóng cửa ở mức 17.500 đồng/cp. Trước đó trên thị trường OTC giá TTB chỉ giao động trong khoảng 12.000 – 15.000 đồng/cp. Như vậy khi đầu tư CP này NĐT đã thu lợi nhuận khoảng 30%. Hiện giá CP này dao động quanh mức 16.000 đồng/cp khá vững.

Một CP OTC có mức sinh lời cao khi niêm yết gần đây là mã CSV của CTCP Hóa Chất cơ bản Miền Nam. Với mức giá đấu bình quân cách đây chưa đầy 1 năm 12.900 đồng/cp, đến khi niêm yết nhà đầu tư đã chốt lời ở mức 21.000 đồng/cp.

Có thể liệt kê một loạt mã CP có mức lợi nhuận ấn tượng như mã CDO (Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị). CDO giao dịch trước khi niêm yết quanh mức 15.000 đồng/cp, lên sàn ở mức 21.000 đồng/cp, NHP (Công ty Cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP) giao dịch OTC trên mệnh giá, chào sàn 15.600 đồng/cp và hiện giữ ở mức giá trên 20.000 đồng/cp.

Trên thị trường OTC hiện có nhiều mã đang được giao dịch sôi động như KPF (CTCP Tư vấn Quốc tế KPF). KPF hoạt động trong lĩnh vực đặc thù khai thác cát xây dựng hạ tầng. Với vốn điều lệ 156 tỷ đồng, KPF sở hữu 2 mỏ cát tại Hà Nam, trữ lượng 30 triệu m3 cung cấp cho các dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp tại đồng bằng sông Hồng. Một mảng hoạt động quan trọng khác là xuất nhập khẩu nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu cát nước mặn. Năm 2015 KPF đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 25 tỷ đồng, cổ tức 15%. Hiện KPF đã được UBCK chấp thuận công ty đại chúng, DN đang hoàn thiện hồ sơ nộp lên sàn HNX, dự kiến niêm yết vào tháng 5/2015. Hiện CP KPF đang được giao dịch quanh mức 11.000 – 11.500đồng/cp.

Một cố phiếu khác được hứa hẹn trở thành bluechip của sàn OTC do quy mô lớn và hoạt động khai thác khoáng sản là cổ phiếu ACM của CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường. DN này có vốn điều lệ thực góp 510 tỷ sở hữu 8 mỏ đồng, bạc, than tại Bắc Giang. Hiện Công ty này cũng đang hoàn thiện hồ sơ và đặt mục tiêu lên niêm yết trên sàn HNX vào quý II/2015. CP ACM đang có giá quanh mức 10.500 – 11.000 đồng/cp.

Cần tính đến rủi ro

Vấn đề mấu chốt khi đầu tư cổ phiếu “chào sàn” là doanh nghiệp có lên niêm yết được hay không. Hiện nay nhiều CP trên thị trường OTC có lĩnh vực đặc thù và kế hoạch kinh doanh 2015 khá hấp dẫn tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất nhà đầu tư quan tâm là khi nào DN niêm yết. Đây cũng từng là nỗi ám ảnh của nhiều nhà đầu tư khi mua CP nhưng DN không thể lên sàn và đành chôn vốn chưa biết khi nào thu hồi được.

Một vấn đề khác cần quan tâm là DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có được hưởng lợi từ những thay đổi tích cực của nền kinh tế hay không. Một số ngành đang hưởng lợi như vận tải (giá xăng dầu giảm), xây dựng (bất động sản có dấu hiệu phục hồi), hạ tầng, giao thông (Chính phủ định hướng đẩy mạnh đầu tư)…Mua các cổ phiếu này trong trường hợp DN chưa lên sàn vẫn có thể hưởng cổ tức do DN làm ăn có lãi và duy trì kế hoạch niêm yết.

Một rủi ro nữa khi đầu tư CP chào sàn cần tính đến là hoạt động giao dịch. Hiện các công ty trước khi lên sàn thường ủy quyền cho công ty tài chính, chứng khoán quản lý sổ cổ đông, thực hiện giao dịch, thay đổi sở hữu... Do đó cần tìm đến các địa chỉ này để giao dịch nhằm hạn chế rủi ro./.