Sàn cho - nhận: Giao dịch ảo, người tham gia khó được bảo vệ

Các chuyên gia cho rằng, sàn cho - nhận là cộng đồng ảo, giá ảo và giao dịch cũng có thể ảo...

Sàn cho - nhận: Giao dịch ảo, người tham gia khó được bảo vệ - 1

Hầu hết các website kinh doanh sàn cho-nhận đều đặt máy chủ ở nước ngoài,nên người chơi rất khó đòi quyền lợi

Các chuyên gia cho rằng, sàn cho-nhận là cộng đồng ảo, giá ảo và giao dịch cũng có thể ảo - hoàn toàn do “nhà cái” viết sao thành vậy. Hoạt động này cũng nằm ngoài vòng pháp luật nên khi xảy ra hậu quả, ngươi chơi khó được bảo vệ.

“Ông trùm” thu cả tỷ đồng mỗi ngày

PV Báo Giao thông được một người tên T. cho xem ảnh một người được giới thiệu là “ông trùm” sàn cho-nhận. Đó là một người đàn ông cao to phốp pháp, đầu húi cua, lông mày xếch, cổ ngấn mỡ, đeo dây xích kim loại nặng trịch, ngồi bệ vệ. Theo lời T., “ông trùm” này đã bỏ ra gần 300 triệu đồng để thiết kế website chuẩn bị thành lập một sàn cho-nhận dự kiến hoạt động vào giữa tháng 10. Dù chưa quảng bá nhưng số người đăng ký tham gia tính đến chiều 3/10 đã lên tới gần 200 người.

Theo T., sàn này đã khắc phục những điểm yếu của các sàn chơi trước như: Số tiền tham gia lớn, quay vòng nhanh, tỷ lệ hoa hồng cao... Chính vì thế, “ông trùm” sàn này quy định mỗi tài khoản chỉ được mua 4 mã PIN, tỷ lệ cho-nhận là 3-4, tỷ lệ hoa hồng tuyển dụng 10% và phải quay ít nhất bốn vòng người chơi mới được rút... Và điều quan trọng là mỗi mã PIN chỉ có giá 3 triệu đồng, một mức giá khá thấp, phù hợp với rất nhiều đối tượng từ người về hưu, nội trợ tới người buôn bán nhỏ...

Người lập sàn cũng sẽ hưởng lợi nhuận từ việc thu phí mỗi giao dịch cho hoặc nhận là 100.000 đồng. “Cứ thử tính, nếu có 100.000 người tham gia, mỗi người thực hiện một giao dịch/ngày thì số tiền sẽ lên tới 1 tỷ đồng”, T. tính toán. Số người tham gia càng đông thì “ông trùm” càng thu được nhiều phí. T. cũng cho biết, các trung gian này không can thiệp vào quyết định cho-nhận mà chỉ đứng giữa thu phí giao dịch như một bên thứ ba.

Trong khi mải mê giới thiệu quyền lợi khủng của những người tổ chức sàn cho-nhận để lôi kéo người tham gia nhưng T. không đề cập gì đến trách nhiệm của những người này, cũng như những rủi ro nhà đầu tư có thể phải đối mặt khi tham gia sàn. Cụ thể như nhà đầu tư tham gia rồi muốn rút vốn có được không; Trường hợp cho đi rồi không nhận lại được như cam kết thì phải tìm ai để đòi và ai phải chịu trách nhiệm?

Người chơi khó được bảo vệ

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên hệ thống internet có rất nhiều sàn cho-nhận hoạt động rầm rộ (như chonhanm5.com; minhtinhpro.blogspot.com; sanchoichonhan.blogspot.com; bitkingdom.org; chovanhan.jimdo.com; globalbitco.com...). Các sàn này đều ngập tràn thông tin, hình ảnh quảng bá, giới thiệu, phân tích và hướng dẫn cách thức tham gia cũng như nhấn mạnh vào các khoản lợi nhuận mà người chơi có thể nhận được. Song, người có nhu cầu tìm hiểu cũng như chính những người đã tham gia đầu tư tuyệt nhiên không tìm được bất cứ thông tin nào về pháp nhân như trụ sở giao dịch, đầu mối tiếp nhận thông tin, cảnh báo và hướng dẫn xử lý tình huống khi gặp rủi ro...

Mặc dù vậy, rất nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào sàn cho-nhận vì tin vào hứa hẹn lợi nhuận khủng. Để thuyết phục PV tham gia, T. lôi nhiều ví dụ thành công điển hình, như “chị bạn gần nhà” tham gia một sàn cho-nhận với hai mã trị giá 6 triệu đồng hồi đầu năm, sau mấy tháng đã kiếm được hơn 800 triệu đồng, giờ đang tìm mua một căn chung cư.

Người lập sàn có thể tạo con số ảo về người chơi và lợi nhuận...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ điều tra Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội cho biết, theo thông tin điều tra, hầu hết các website sàn giao dịch trên đều có máy chủ (server) đặt tại nước ngoài. Tuy nhiên, để dễ bề điều hành, người Việt có thể mua lại quyền quản trị (admin). Đây cũng chính là rào cản khó khăn nhất cho cơ quan quản lý khi giám sát, điều tra. Người tham gia sàn giao dịch ảo này chắc chắn gặp nhiều rủi ro như: Không biết địa chỉ thực, trụ sở giao dịch ở đâu, đối tượng quản trị đứng đầu là ai? Trong trường hợp xảy ra sự cố, website bị “sập” thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Không ai đảm bảo an ninh mạng cho những website này nên rất khó phòng ngừa tình huống bị đột nhập, ăn cắp dữ liệu. Ngoài ra bản thân người quản trị cũng thừa kỹ xảo để tạo ra những con số ảo về người chơi, số tiền lãi thu về... Vì thế không thể loại trừ trường hợp người chơi chỉ nhận được “tiền ảo” trên hệ thống chứ thực chất không được chuyển về tài khoản.

Khi PV đặt vấn đề cơ sở pháp lý cho hoạt động sàn cho-nhận, T. cũng thừa nhận: “Những giao dịch này có thể phạm pháp, những trang web này cũng vi phạm pháp luật”. Song, T. lập tức trấn an, một “cậu em họ” đã gây dựng được một hệ thống khá đông người tham gia sàn cho-nhận thì sàn này bị sập. “Nó dù còn “kẹt” hơn 800 triệu đồng nhưng đã rút ra được mấy tỷ đồng trước đó”, T. nói.

Sau một hồi trao đổi, thể hiện cho T. thấy “cá đã cắn câu”, PV ngỏ ý chân thành: “Vậy tham gia sàn cho-nhận của anh có gặp phải rủi ro là sàn sập, không lấy được tiền không, chỗ anh em làm ăn lâu dài với nhau, anh cứ nói để còn tính phương án xuống tiền”. T. thừa nhận: ‘”Có rủi ro, chính vì thế mình phải tính toán. Không tham gia các sàn có lãi suất quá cao, không tham gia các sàn đã tồn tại một thời gian dài mà hãy chọn những sàn mới thành lập như anh vừa giới thiệu”, T. tranh thủ thuyết phục và phân tích thêm, người chơi bao giờ cũng phải cho trước, nhận sau nên tham gia càng sớm thì vị trí nhận được xếp trước. Nếu không may sàn sập thì mình đã là người được nhận và rút vốn về. Rủi ro sẽ đổ lên những người tham gia sau. “Khi tham gia là đã phải chấp nhận rủi ro, có thể thắng lớn nhưng cũng có thể mất hết khi sập sàn. Tuy nhiên, nếu biết tính toán thì cửa ăn vẫn rất lớn”, T. nói.

Đây cũng là tâm lý của nhiều người chơi, biết rủi ro nhưng vẫn lao vào vì hy vọng có thể rút ra sớm và còn nhiều người tham gia sau mình. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những người tham gia các hình thức “đầu tư mới” này đều đã tham gia các hình thức đầu tư như chứng khoán, forex, sàn giao dịch tiền ảo... Những người này vốn đã có sẵn mạng lưới liên hệ với nhau và luôn kéo nhau cùng tham gia mỗi khi có hình thức đầu tư mới.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Trung Minh cho rằng, mô hình này không hợp pháp và hình thức này không khác chơi hụi vì lấy của người sau trả cho người trước, kết hợp với biến tướng của mô hình đa cấp vì giới thiệu người tham gia được hưởng hoa hồng. “Mô hình này không hề phát sinh giao dịch làm ăn nên làm sao có lợi nhuận, người trước hưởng của người sau, đến khi lấy hết tiền hay không lôi kéo được người chơi thì sẽ sập. Đây là cộng đồng ảo, tuyên truyền giá ảo, giao dịch ảo và hoạt động này cũng không được luật pháp hỗ trợ. Do đó, khi xảy ra hậu quả người chơi khó có thể được bảo vệ”, ông Minh cảnh báo.