Về cuối phiên sáng, lực bán có phần suy yếu đã giúp đà giảm của nhiều cổ phiếu lớn được thu hẹp lại đáng kể, điều này cũng khiến sắc đỏ của hai chỉ số không còn mạnh như ở đầu phiên.
Kết thúc phiên sáng, các cổ phiếu ngân hàng như BID, EIB, MBB và ACB không còn giảm giá và đứng ở mốc tham chiếu. Trong khi đó, STB đảo chiều tăng trở lại 200 đồng lên 16.500 đồng/CP. Ba mã CTG, VCB và SHB vẫn tiếp tục giảm giá, tuy nhiên, mức giảm không còn quá mạnh.
Các cổ phiếu dầu khí cũng có những diễn biến tương tự ở phiên sáng nay. Các cổ phiếu như GAS, PVD, PXS, PVS… vẫn chìm trong sắc đỏ, mặc dù vậy đà giảm của các mã này cũng đã được thu hẹp đáng kể. Trong đó, GAS giảm nhẹ 600 đồng xuống 45.700 đồng/CP. PVS giảm 200 đồng xuống 21.000 đồng/CP.
Các cổ phiếu lớn khác trên thị trường BVH, VIC, MSN, KDC, VNM… cũng vẫn giảm giá và khiến hai chỉ số tiếp tục chốt phiên sáng trong sắc đỏ.
Giao dịch trên thị trường phiên sáng nay vẫn tương tự như cùng thời điểm phiên trước, dòng tiền vào thị trường vẫn khá chậm. FLC đứng giá tham chiếu và tiếp tục dẫn đầu sàn HOSE về khối lượng khớp lệnh, đạt hơn 4,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, trên sàn HNX chỉ có hai mã khớp lệnh được hơn 1 triệu đơn vị và VND (1,9 triệu đơn vị) và KLF (1,4 triệu đơn vị).
Đáng chú ý, phiên sáng nay HQC giảm 100 đồng xuống 5.000 đồng/CP và có thỏa thuận 3,5 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, tương ứng 18,9 tỷ đồng. KDC giảm 100 đồng xuống 24.800 đồng/CP và tiếp tục thỏa thuận được 1 triệu cổ phiếu, trị giá 24,9 tỷ đồng. Phiên hôm qua, KDC cũng có thỏa thuận hơn 1,9 triệu cổ phiếu và toàn bộ lượng giao dịch này là do khối ngoại bán ra.
Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 3,61 điểm (-0,64%) xuống còn 561,27 điểm. Toàn sàn có 39 mã tăng, 133 mã giảm và 136 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 51,8 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 881 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,67 điểm (-0,85%) xuống còn 77,49 điểm. Toàn sàn có 42 mã tăng, 113 mã giảm và 213 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 211 tỷ đồng.
Giá dầu phiên 28/9 giảm gần 3% do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc, tình trạng thừa cung cùng số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc gây lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh phiên 28/9 và đang hướng đến quý tồi tệ nhất trong 4 năm qua do nhà đầu tư lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc và phân vân về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất.
Trong khi đó, khối ngoại trên HOSE đã có 7 phiên bán ròng liên tiếp, với tổng giá trị đạt hơn 913 tỷ đồng.
Ngay từ đầu phiên giao dịch mới các cổ phiếu lớn trên thị trường đều đồng loạt giảm và và kéo cả hai chỉ số xuống sâu dưới mốc tham chiếu.
Trước những diễn biến tiêu cực của giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí là GAS, PVD, PXS, PVS, PGS… đều đã chìm trong sắc đỏ. Trong đó, GAS giảm 600 đồng xuống 45.700 đồng/CP. PVD giảm 400 đồng xuống 34.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng VCB, ACB, BID, CTG, MBB… đều chìm trong sắc đỏ. Hiện giờ, VCB đang giảm 600 đồng xuống 42.400 đồng/CP. BID giảm 300 đồng xuống 23.200 đồng/CP. CTG giảm 400 đồng xuống 19.600 đồng/CP.
Các cổ phiếu lớn khác là VIC, VNM, MSN, KDC, BVH, SSI… cũng không nằm ngoài xu hướng tiêu cực của thị trường và đang đua nhau giảm giá.
Giao dịch trên thị trường vẫn đang diễn ra khá chậm, thanh khoản cả hai sàn vẫn đang ở mức thấp. FLC giảm 100 đồng xuống 6.400 đồng/CP và là mã duy nhất trên thị trường khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị.
Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 6,69 điểm (-1,18%) xuống còn 558,19 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 14,4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 212 tỷ đồng.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,71 điểm (-0,91%) xuống 77,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơ 5,76 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 58 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn, VCBS cho rằng, thị trường cổ phiếu vẫn đang trong xu hướng đi ngang tích lũy. Diễn biến của các cổ phiếu trong phiên hôm qua cho thấy dòng tiền không tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh khối ngoại đang đẩy mạnh hoạt động bán ròng. Mặc dù nhiều một số thông tin tích cực được kỳ vọng trong thời gian tới như kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp, các số liệu về tăng trưởng kinh tế, đàm phán TPP và hướng dẫn NĐ 60, nhưng ngược lại những rủi ro từ yếu tố bên ngoài vẫn hiện hữu. Theo đó, thị trường có thể sẽ ghi nhận những nhịp biến động mạnh của hai chỉ số. Nhà đầu tư được khuyến nghị nên theo dõi sát diễn biến của dòng tiền để đưa ra các quyết định kịp thời. Tỷ trọng danh mục thấp vẫn nên được ưu tiên trong một vài phiên tới.