Sabeco và Habeco sắp được rao bán với giá 2 tỉ USD
Bộ Công thương đã chấp thuận đề xuất của Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá tham chiếu cho phiên lên sàn đầu tiên ở mức 110.000 đồng/cổ phiếu.
Theo bà Trần Diễm My, trong các cách để xem xét hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp, đánh giá suất ROE là cách đơn giản và tốt nhất được sử dụng. Đây cũng là phương pháp để Chứng khoán Rồng Việt làm một so sánh ngắn về hiệu quả kinh doanh của Sabeco, Habeco và các doanh nghiệp khác trong khu vực thông qua phương pháp phân tích Dupont.
So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, tỷ suất lợi nhuận của Habeco và Sabeco thấp hơn 4-7% và hiệu quả sử dụng tài sản thấp làm kéo giảm tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu. Vòng quay tài sản của hai công ty bia nội địa chỉ quanh mức 1-1,3 lần, trong khi bình quân của 3 công ty bia còn lại của khu vực khoảng 2,2 lần.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Habeco và Sabeco, khoản mục tiền và tương đương tiền chiếm lần lượt 40% và 70% trong tổng tài sản, đồng nghĩa với việc phần lớn tài sản của những doanh nghiệp này đang nằm ở tài sản có tỷ suất sinh lời không cao.
Việc niêm yết của Habeco là cơ sở để tham khảo cho sự kiện niêm yết của Sabeco vì 2 công ty cùng ngành và cùng có tỷ lệ “free float” thấp. Khả năng thiếu thanh khoản ở 2 cổ phiếu này có thể dẫn đến sự tăng mạnh của giá cổ phiếu. Theo đó NĐT có thể sẽ giảm quan tâm đối với 2 cổ phiếu này khi thấy giá tăng quá cao đơn giản chỉ là vì thiếu thanh khoản.
Nếu công ty có thể cải thiện hoạt động kinh doanh và hiệu quả sử dụng tài sản, đặc biệt là tiền, tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp sẽ tích cực đáng kể so với trước. Đây có thể là một yếu tố để nhà đầu tư có thể kỳ vọng khi đầu tư vào Habeco cũng như Sabeco khi nhà nước thoái vốn tại hai doanh nghiệp này.