Sabeco: Cô gái quyến rũ...nhưng dễ ế?

Sabeco: Cô gái quyến rũ...nhưng dễ ế?

(NDH) Mặc dù được hàng loạt các đại gia trong và ngoài nước theo đuổi, nhưng lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần Bia- Rượu- NGK Sài Gòn (Sabeco) cho biết đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa có quyết định cụ thể về việc sẽ bán cổ phần cho đối tác nào.

Các sản phẩm nổi tiếng của "ông lớn" Sabeco. Ảnh minh hoạ

Sabeco...cô gái hấp dẫn!

Sabeco đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường bia Việt Nam. Trong cơ cấu sản xuất của Sabeco-bia vẫn là ngành sản xuất mũi nhọn trong tương lai và đem lại doanh thu, lợi nhuận lớn cho công ty này.

Cụ thể, năm 2014, doanh thu của Sabeco lên tới 30.110 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh, vượt 6% kế hoạch đề ra. Sản lượng tiêu thụ năm 2014 đạt 1.394 triệu lít bia, và hơn 35 triệu lít nước giải khát. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.918 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.049 tỷ đồng.

EPS trên mỗi cổ phần năm 2014 thu về 4.588 đồng/cổ phiếu. Lượng tiền mặt Sabeco nắm giữ rất dồi dào với xấp xỉ 23 tỷ đồng tiền mặt và 5.508 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn. Sabeco đề xuất tới các cổ đông mức chiacổ tức năm 2014 là 23%, theo kế hoạch đã đề ra đầu năm.

Mặc dù hoạt động rất hiệu quả trong năm 2014, song trong báo cáo thường niên họp ĐHCĐ năm 2015 của Sabeco thì thấy mục tiêu đề ra khá khiêm tốn. Cụ thể, tổng doanh thu phấn đấu tăng 3% lên 31.721 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 2%, phấn đấu đạt 3.108 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến năm 2015 tăng lên 25%.

Sabeco có vốn điều lệ là 6.412 tỷ đồng và nhà nước hiện đang nắm giữ 89,59% vốn điều lệ. Sabeco hiện có giữ 100% vốn điều lệ tại 3 doanh nghiệp thành viên, trên 50% vốn điều lệ tại 20 công ty và có 21 công ty liên doanh, liên kết.

Năm 2015, dự kiến Sabeco sẽ đưa vào hoạt động Nhà máy bia Sài Gòn-Sóc Trăng; Nhà máy bia Sài Gòn-Vĩnh Long và triển khai nhà máy Sài Gòn-Vĩnh Long... Ngoài ra còn xúc tiến đầu tư Nhà máy bia Sài Gòn tại Khánh Hòa, đẩy mạnh khai thác các khu đất ở TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quảng Ngãi...

Theo nghiên cứu của Euromonitor, Sabeco hiện nắm giữ 46% thị trường bia Việt Nam với nhiều thương hiệu như: Bia 333, bia Sài Sòn. Có thể nói Sabeco là doanh nghiệp bia lớn nhất hiện nay với mức tiêu thụ gần 1,4 tỷ lít trong tổng số 3,2 tỷ lít của cả nước.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công Nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, thị trường bia Việt Nam có xuất phát điểm thấp cho nên mấy năm qua ngành bia có sự tăng trưởng vượt bậc. Thực tế, ngành bia còn có nhiều triển vọng để mở rộng, phát triển, với mục tiêu đến 2025 là sản xuất 5 tỷ lít bia.

Cuộc đua trở thành cổ đông của Sabeco

Việc có quá nhiều doanh nghiệp, quỹ tài chính trong và ngoài nước săn đón nhưng Sabeco vẫn ngoảnh mặt làm ngơ dễ khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh một cô gái xinh đẹp, quyến rũ nhưng...dễ ế!

Sabeco có thể nói là doanh nghiệp hấp dẫn "nhất nhì" của Bộ Công Thương tính đến thời điểm này. Theo Bộ Công Thương, hiện nay có hai phương án bán cổ phần cho Sabeco. Thứ nhất, Nhà nước sẽ giảm sở hữu xuống 51% và phương án 2 là nhà nước sẽ giảm xuống còn 36%.

Hiện nay Nhà nước đang sở hữu 89,59% cổ phần của Sabeco. Dự kiến việc giảm sở hữu Nhà nước sẽ được thực hiện qua việc bán đấu giá công khai với bán khởi điểm là 75.000 đồng/cổ phần.

Mới đây Thai Beverage - công ty của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, Thái Lan đã đề xuất với Chính Phủ Việt Nam đề xuất mua lại 40% cổ phần của Sabeco, theo giá trịn định giá là 2 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT của Sabeco cho rằng giá trị của Sabeco còn cao hơn thế.

Trước đó, hàng loạt các đại gia tên tuổi trên thế giới đã "ngỏ lời" muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco. Điển hình làTập đoàn Ashahi (Nhật Bản), Tập đoàn Heineken (Hà Lan),Tập đoàn SAB Miller (Hoa Kỳ)...

Ngoài các nhà đầu tư ngoại, các nhà đầu tư trong nước cũng dành sự quan tâm lớn cho Sabeco:Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư Ánh Dương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình...

Theo lộ trình, Bộ Công Thương sẽ tìm 1-2 nhà đầu tư chiến lược sát cánh với Sabeco và sẽ có nhiều tiêu chí riêng để lựa chọn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Xanh, Phó Tổng Giám đốc Sabeco cho biết, Sabeco là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Nhà nước giao cho đơn vị quản lý hơn 89% vốn tại đây. Mọi quyền định đoạt, bán cổ phần thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.

Trước câu hỏi có rất nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, ông Xanh cho biết đến thời điểm hiện tại Sabeco vẫn chưa "gật đầu" đi cùng ai.

"Chúng tôi chưa có quyết định cụ thể về việc bán cổ phần cho ai, tất cả vẫn trong quá trình lựa chọn. Tỷ phú Thái đề xuất mua 40% cũng mới chỉ là đề xuất một chiều. Tuy nhiên, nếu như bán cổ phần chúng tôi sẽ ưu tiên cho các nhà đầu tư trong nước", ông Xanh nói.