Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) xây dựng phương án triển khai rút ngắn chu kỳ thanh toán, trong đó giai đoạn 1 sẽ rút thời gian thanh toán từ 9h ngày T+3 về 16h30 ngày T+2, áp dụng từ ngày 01/01/2016.
Phản ứng trước quyết định này, thị trường chứng khoán chỉ tăng điểm nhẹ, với chỉ số VN-Index chốt phiên ngày 30/9 tăng 0,26% lên 562,64 điểm, sau khi có lúc lên cao nhất trong phiên là 656,65 điểm.
Một số công ty chứng khoán cho biết nhiều nhà đầu tư tỏ ra không hào hứng với thông tin này, dù họ trước đó đã kỳ vọng nhiều về việc rút ngắn chu kỳ giao dịch.
Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc rút thời gian thanh toán xuống T+2 sẽ giúp nhà đầu tư giảm được bớt tiền lãi margin và tiền lãi ứng trước tiền bán, theo đó ít nhiều sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, quyết định này chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
“Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán này chưa đem lại nhiều lợi ích khác biệt cho nhà đầu tư trong việc mua bán do tiền và chứng khoán về tài khoản vào ngày T+2 khi cả hai sàn đã kết thúc phiên giao dịch,” BVSC đánh giá.
Có cùng quan điểm, CTCK VPBS cho rằng tuy giảm được một ngày tiền lãi ứng trước tiền bán chứng khoán và tiền lãi vay đầu tư chứng khoán, nhưng cổ phiếu không giao dịch được vào ngày T+2, bởi khi cổ phiếu về vào 16h30 thì phiên giao dịch đã kết thúc.
Hiện tại, các giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên cả 2 sàn chứng khoán của Việt Nam đều kết thúc lúc 15h00 hàng ngày.
“Khá nhiều nhà đầu tư tỏ ra không mấy hào hứng với điều này và họ vẫn giải ngân rất thăm dò vào thị trường,” VPBS cho biết.
CTCK MBS đánh giá mức độ hỗ trợ của thông tin này đối với thị trường chỉ ở mức vừa phải, thể hiện qua việc nhà đầu tư vẫn giao dịch khá thận trọng.
CTCK KIS - với cơ cấu cổ đông chiếm đại đa số là nước ngoài – cũng nhận định rằng: “Xét trên phương diện giao dịch chứng khoán thì áp dụng T+2 nói trên không mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư.”
Theo ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường của UBCKNN, việc nhận tiền vào 16h30 ngày T+2 sẽ tiết kiệm được 1 ngày so với vào lúc 9h sáng ngày T+3, nên sẽ giúp tiết kiệm cho các khoản đầu tư lớn. Ngoài ra, khi cổ phiếu về tài khoản sớm, nhà đầu tư có thể cầm cố cổ phiếu để lấy tiền hoặc thực hiện các giao dịch khác.
Tuy nhiên, theo CKCK VDSC, do một số công ty chứng khoán hiện nay đã có chính sách ưu đãi khách hàng bằng cách tính lãi margin từ ngày T+2, nên khách hàng giao dịch ở những công ty này có lẽ còn không hưởng lợi nhiều từ chính sách này.
Đối với việc tạo tính linh động cho nhà đầu tư có chứng khoán đã về tài khoản, VDSC cho rằng mặc dù nhà đầu tư hiện nay không thể tiến hành mua bán, nhưng họ vẫn có thể thực hiện cầm cố cổ phiếu hoặc các giao dịch khác trong trường hợp cần rút tiền mặt ngay.
“Xem xét tổng hợp những yếu tố nêu trên, chúng tôi cho rằng việc rút ngắn thời gian thanh toán này chưa mang lại nhiều lợi ích như kỳ vọng cho nhà đầu tư,” công ty chứng khoán này đánh giá.
Tuy nhiên, quyết định rút ngắn chu kỳ thanh toán về T+2 cũng có tác dụng phần nào. CTCK SHS cho rằng việc rút ngắn thời gian thanh toán này chủ yếu giải quyết vấn đề còn tồn đọng trước đây liên quan tới việc tiền ra khỏi tài khoản trong ngày T+2 trong khi chứng khoán lại về tài khoản ngày T+3.
CTCK DAS cho rằng đây là một bước tiến tới áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế đối với các hoạt động giao dịch, thanh toán chứng khoán của Việt Nam.
Đại diện UBCKNN cũng cho biết sau khi vận hành theo chu kỳ thanh toán về 16h30 ngày T+2 khoảng 1 năm hoặc lâu hơn để các bên liên quan như trung tâm lưu ký, các sở giao dịch chứng khoán, các công ty chứng khoán có đủ thời gian nâng cấp công nghệ, lúc đó có thể chuyển chu kỳ thanh toán về sáng hoặc tối thiểu cũng phải về 14h ngày T+2.
CTCK Maybank Kim Eng nhận định lộ trình rút ngắn chu kỳ thanh toán hơn nữa trong thời gian tới nhìn chung là tích cực, có thể giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường.