Rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Vốn có thể đang rất thừa đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ nhưng nó chưa qua thời khan hiếm đối với bất động sản. Nhìn từ gốc rễ sâu xa này, mới thấy phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một nửa nụ cười có phần chua chát.

Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC-Hose) cuối tuần qua công bố nghị quyết hội đồng quản trị phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), với lãi suất năm đầu 12,2%, những năm sau lãi suất thả nổi cộng biên độ 4%/năm. Trước đó, cuối tháng 9-2014, IJC cũng thông qua phương án phát hành 600 tỉ đồng trái phiếu nhằm thực hiện dự án Sunflower II.

IJC không phải đơn vị đầu tiên hay duy nhất phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm nay. Thị trường đã chứng kiến hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu được các công ty niêm yết phát hành như Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy; tập đoàn Sao Mai; Công ty cổ phần Ngân Sơn; tập đoàn Vingroup; tập đoàn Đại Dương; tập đoàn Masan; Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc...

Ngay cả những "đại gia" không thiếu tiền mặt như Công ty Chứng khoán Sài Gòn cũng vừa quyết định phát hành 1.000-1.500 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi để mở rộng hoạt động tự doanh và ký quỹ.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một trong hai cách mà các công ty, đặc biệt những đơn vị kinh doanh bất động sản, đang cố gắng thực hiện nhằm tiếp cận đồng vốn. Thực ra doanh nghiệp chuộng phát hành cổ phiếu tăng vốn hơn vì không chịu sức ép phải trả lại hàng năm, hàng quí, thậm chí hàng tháng.

Ngoài ra, phát hành cổ phiếu sẽ giúp tăng năng lực tài chính trực tiếp, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng hạn mức tín dụng với ngân hàng trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, phát hành cổ phiếu hiện nay vẫn đang tiếp tục khó khăn do nhà đầu tư không muốn bỏ thêm tiền, không muốn pha loãng cổ phiếu.

Nói chính xác họ không còn thích trò chơi "in giấy lấy tiền" trong khi không kiểm soát được lãnh đạo doanh nghiệp dùng tiền có được ấy làm gì. Hơn nữa cách thức tối ưu bây giờ để giữ và nâng giá cổ phiếu là hiệu quả kinh doanh. Vốn tăng nhanh trong khi hiệu quả kinh doanh không theo kịp sẽ nhấn chìm sự cạnh tranh của cổ phiếu.

Những công ty đã phát hành cổ phiếu với giá bằng mệnh giá những tháng gần đây như DLG, ASM, HAR... đều không mấy thành công. Nhiều nhà đầu tư bỏ quyền mua do thị giá cổ phiếu xấp xỉ ngang bằng mệnh giá.

Thay bằng nộp tiền mua cổ phiếu, họ mua ngay trên sàn, "khỏe" hơn, nhanh hơn, thanh khoản hơn và nhất là không mất thời gian chờ cổ phiếu về tài khoản mới giao dịch được.

Phần cổ phiếu ế, các công ty lại mang bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thực chất là một số thành viên hoặc những người liên quan đến thành viên hội đồng quản trị. Một nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu ế cho biết công ty đứng ra bảo lãnh cho họ vay tiền ngân hàng để mua, sau đó bán dần ra trên sàn. Điểm đến cuối cùng của những đợt phát hành như vậy vẫn là sàn niêm yết.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản không khác bao nhiêu so với tín dụng. Như IJC phát hành trái phiếu cho SeABank vẫn phải có tài sản đảm bảo. Lãi suất trái phiếu trong hầu hết các trường hợp đều nhỉnh hơn lãi suất vay vốn trực tiếp. Sau năm đầu tiên, lãi suất áp dụng là thả nổi cộng thêm biên độ, thường từ 3,5-4,5%/năm.

Không thể nói biên độ này là thấp. Lãi suất thấp chỉ áp dụng cho phát hành trái phiếu chuyển đổi với mức giá chuyển đổi thỏa thuận. Trái phiếu chuyển đổi trên thực tế không làm cho giá cổ phiếu vào ngày phát hành bị điều chỉnh tương ứng và nhiều nhà đầu tư không biết hay không để ý. Song, nó vẫn làm pha loãng cổ phiếu và suy cho cùng là thiệt hại ngầm cho nhà đầu tư.

Ở phía người mua trái phiếu doanh nghiệp là các ngân hàng, họ vẫn phải tính việc mua vào tín dụng. Chỉ có điều lãi suất trái phiếu linh hoạt và không chịu áp lực nằm trong biên độ lãi suất cho vay. Hiện dư luận xã hội đang yêu cầu giảm lãi suất đầu ra để giúp doanh nghiệp phục hồi, mà ngân hàng vẫn cho vay lãi suất cao là phản cảm. Trái phiếu doanh nghiệp, vì thế, gần như là một cánh cửa lách qua để không còn phải "mang tiếng" cho vay lãi suất cao nữa.

Cũng cần phải nói rõ phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các công ty bất động sản mà dư nợ hiện hành thường đã kịch khung hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp. Mà cũng chỉ bất động sản do không nằm trong danh mục lĩnh vực được ưu đãi vốn vay, mới dám chịu đựng lãi suất cao thế.

Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các công ty bất động sản mà dư nợ hiện hành thường đã kịch khung hạn mức tín dụng do ngân hàng cấp.

Bên cạnh ngân hàng, người mua trái phiếu doanh nghiệp nay đã lan sang cả quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm hay các tổ chức nước ngoài.

Một số đơn vị không còn được ngân hàng mẹ chống lưng (do mất vị thế công ty sân sau), bị cắt nguồn hỗ trợ tài chính, đã phải tìm đến các quỹ nước ngoài để tái cơ cấu nợ, phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi cấn trừ nợ.

Động thái này giải tỏa được nhu cầu vốn ngắn hạn, nhưng về lâu dài không phải bao giờ cũng thuận lợi cho doanh nghiệp nếu việc sử dụng đồng vốn huy động được không đạt hiệu quả mong muốn.

Vốn có thể đang rất thừa đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ nhưng nó chưa qua thời khan hiếm đối với bất động sản. Ở đây không tính gói 30.000 tỉ đồng dành cho chương trình nhà ở xã hội đang chậm giải ngân, cũng không tính các khoản hỗ trợ cán bộ viên chức mua nhà, sửa nhà.

Bao trùm thị trường bất động sản hiện vẫn là sự trầm lắng của những dự án cao cấp đã triển khai hoặc xây dựng xong một nửa, hay từng phần. Những khu đô thị bỏ hoang từ Bắc vào Nam là minh chứng đầy sức thuyết phục về thời kỳ gian nan chưa thể vượt qua của bất động sản. Nhìn từ gốc rễ sâu xa này, mới thấy phát hành trái phiếu doanh nghiệp là một nửa nụ cười có phần chua chát.