REE sẽ gặp khó vì than?

REE sẽ gặp khó vì than?

BCTC quý II vừa được CTCP Cơ điện lạnh (REE) công bố với lợi nhuận lớn từ các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, trong thời gian tới nguồn thu này sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng sau đợt mưa lũ tại Quảng Ninh vừa qua.

Được thành lập từ năm 1977, REE hiện là doanh nghiệp tổ chức theo mô hình công ty "holding" và hoạt động trong các lĩnh vực chính như: dịch vụ cơ điện công trình (M&E); sản xuất, lắp ráp và kinh doanh hệ thống điều hòa không khí; phát triển, quản lý bất động sản và mảng kinh doanh mới là đầu tư vào các doanh nghiệp cơ bản như điện, nước và than.

Đến nay có thể khẳng định công cuộc đầu tư vào ngành điện của REE đã phần nào mang lại hiệu quả. Chiến lược của REE là đầu tư xây dựng mới hay mua lại các nhà máy điện (mà thủy điện là chính) có công suất trung bình nhỏ. Đến cuối năm 2014, tổng công suất điện REE sở hữu 585MW với tổng vốn đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu 3.426 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 trên khoản đầu tư 439 tỷ đồng, thu nhập trên vốn ROE đạt 12,83%.

Theo thống kê, REE hiện đang nắm cổ phần tại các doanh nghiệp điện: CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC), CTCP Thủy điện Thác Mơ (TMP), CTCP Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH), CTCP Thủy điện Srok Phú Miêng (SHP), CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Với lĩnh vực than và nước, REE hiện đang nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp: CTCP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn (SWIC), CTCP B.O.O Nước Thủ Đức, CTCP Đầu tư nước Tân Hiệp (TH2), CTCP Cấp nước Thủ Đức (TDW), CTCP Cấp nước Trung An (TAW), CTCP Than Đèo Nai (TDN), CTCP Than Núi Béo (NBC).

Theo BCTC quý II vừa được công bố, doanh thu thuần quý II của REE đạt 684 tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng doanh thu này có sự đóng góp đáng kể từ việc hợp nhất kết quả kinh doanh TBC (TBC trở thành công ty con của REE và bắt đầu được hợp nhất từ quý III-2014).

Trong quý II, REE ghi nhận 88,2 tỷ đồng từ TBC (chiếm tỷ trọng khoảng 13% doanh thu hợp nhất). Ngoài ra, doanh thu từ các lĩnh vực hoạt động gồm bán hàng và dịch vụ cho thuê văn phòng cũng tăng trưởng lần lượt 10,6% và 6,8%. Chỉ duy nhất lĩnh vực cung cấp thiết bị và lắp đặt ghi nhận doanh thu giảm 13,1%.

Điểm nhấn trong kết quả kinh doanh quý II của REE là doanh thu tài chính tăng mạnh và đạt 232 tỷ đồng, trong đó cổ tức được chia là 213 tỷ đồng. Theo giải trình của REE, lợi nhuận quý II tăng chủ yếu do ghi nhận tương ứng từ kết quả kinh doanh cũng như được ghi nhận của công ty liên kết tăng so với cùng kỳ.

Trong đó, ảnh hưởng tăng trọng yếu quý này đến từ các công ty liên kết thuộc lĩnh vực điện (tăng 85 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi trừ đi cổ tức đã ghi nhận, REE ghi nhận khoản lỗ 109 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Cùng kỳ năm trước, khoản lỗ này 70 tỷ đồng. Trong quý II, REE thực hiện phân bổ lợi thế thương mại khoản đầu tư vào TBC trong khi cùng kỳ năm trước chưa phát sinh. Nếu loại trừ các yếu tố này, chi phí quản lý của công ty ở mức cùng kỳ năm trước.

Kết quả cuối cùng, REE đạt 258 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II (tăng 25,3%), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý II đạt 238 tỷ đồng (tăng 15,5%). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, REE ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 16,1% (đạt 1.360 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm hơn 12% (đạt 382,5 tỷ đồng) do lợi nhuận ròng trong quý I giảm khá sâu (giảm 37,5%). Như vậy REE đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu 2015 và 41% kế hoạch lợi nhuận 2015.

Tính đến thời điểm cuối quý II, các khoản đầu tư lớn vào các công ty liên kết của REE là 3.183,6 tỷ đồng. Như vậy, đóng góp từ các công ty liên kết có ảnh hưởng không nhỏ đối với lợi nhuận của REE trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, liên quan đến các công ty liên kết của REE, theo nhận định của giới đầu tư, đợt mưa lũ vừa qua ở tỉnh Quảng Ninh trong ngắn hạn sẽ ít nhiều tác động đến kết quả kinh doanh của các công ty than trong danh mục đầu tư công ty liên kết của REE là NBC và TDN. Do đó kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của REE sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Theo Hải Hồ

Sài Gòn Đầu tư tài chính