Quỹ mở - miếng bánh ngon nhưng chưa hấp dẫn

Vừa qua, một số công ty quản lý quỹ đã tổ chức các buổi giới thiệu về quỹ mở đến đông đảo công chúng. Tại Mỹ, hơn 90% gia đình tham gia đầu tư vào quỹ mở, còn tại thị trường Việt Nam thì hình thức này chỉ mới bắt đầu.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đến cuối năm 2014 đã có 15 quỹ mở được cấp phép hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, như: Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaWealth thuộc Tập đoàn VinaCapital, ENF của Công ty TNHH Quản lý Quỹ Eastspring Investments, MBVF của Quỹ đầu tư giá trị MBCapital, VCB-BCF của Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank Fund, VF4 của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam, VCAMBF của Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt, Quỹ đầu tư cổ phiếu Manulife thuộc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife…

Thời của Quỹ mở

Lý do để hình thức quỹ này phát triển nhanh trong thời gian gần đây là vì quỹ mở đang tạo ra các hướng đầu tư có nhiều ưu điểm như: tính linh hoạt, tính thanh khoản cao, tính minh bạch… và thích hợp trong thời điểm lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng giảm mạnh và đầu tư vàng bắt đầu áp dụng nhiều quy định hạn chế.

Quỹ mở luôn mở rộng cửa cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ vì yêu cầu vốn đầu tư ban đầu rất thấp, một số quỹ mở chỉ quy định mức đầu tư ban đầu khoảng 2 triệu đồng. Quỹ được phép phát hành liên tục các cổ phần mới để tăng vốn và sẵn sàng mua lại các chứng chỉ quỹ (CCQ) đã phát hành từ nhà đầu tư theo định kỳ hoặc bất kỳ thời điểm nào. Khá nhiều quỹ mở là một nhánh của "gia đình quỹ" (nhiều quỹ cùng công ty quản lý quỹ). Nhà đầu tư có thể thuyên chuyển từ quỹ mở này sang quỹ mở khác trong cùng "gia đình" miễn phí hoặc chi phí thấp.

Quỹ mở là cơ hội cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ

Trước đây, khi tham gia quỹ đóng, nhà đầu tư muốn rút vốn thì phải bán CCQ ra thị trường. Còn với quỹ mở thì bất cứ lúc nào, nhà đầu tư có thể rút một phần hoặc toàn bộ số tiền đã đầu tư, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm mua lại CCQ với giá giao dịch bằng giá trị tài sản thuần NAV trên mỗi CCQ.

Như vậy, quỹ mở đối với nhà đầu tư vẫn có lợi hơn so với quỹ đóng. Vì giá trị tài sản ròng của một CCQ thường cao hơn thị giá của nó trên sàn chứng khoán. Ở quỹ đóng, việc bán lại theo thị giá trên sàn chứng khoán thường có giá thấp hơn NAV, mà việc mua bán lại rất khó khăn.

Tính minh bạch của quỹ cũng được giám sát chặt chẽ bởi UBCKNN, ban đại diện quỹ, ngân hàng giám sát, công ty kiểm toán. Các thông tin về tài sản ròng và liên quan đến giao dịch của quỹ trên thị trường luôn được công bố thường xuyên trên website của công ty quản lý quỹ và đại lý phân phối CCQ.

Chưa được quan tâm đúng mức

Dù xuất hiện với nhiều ưu điểm nói trên nhưng hai năm qua, quỹ mở dường như vẫn chưa thật sự gây được sự chú ý với các nhà đầu tư. Theo báo cáo mới công bố của những quỹ mở lớn trên thị trường thì cho đến quý III năm 2014, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thờ ơ với quỹ mở.

Trên 80% tổng tài sản của quỹ đều nằm trong tay công ty quản lý quỹ và một vài nhà đầu tư lớn. Bóng dáng những nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ xuất hiện rất ít và các nhà đầu tư mới dường như vẫn chưa bị thuyết phục tham gia.

Một số người cho rằng quỹ mở chỉ thích hợp với những người có nhiều tiền nhàn rỗi và không có kiến thức về đầu tư. Hoặc trong trường hợp nhà đầu tư vừa muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường tài chính ngày càng phức tạp, lại vừa có quỹ thời gian hơn để dành cho công việc kinh doanh và dành cho gia đình. Nhưng có lẽ do tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư Việt Nam là tự mình đầu tư tốt hơn phải nhờ người khác, nhất là trong giai đoạn làm ăn khó như hiện nay.

Tính thanh khoản cao cũng là điểm hạn chế của quỹ mở, vì hiếm khi quỹ chọn đầu tư những sản phẩm mạo hiểm (chẳng hạn như cổ phiếu OTC), do đó, nhà đầu tư quỹ mở khó lòng có được lợi nhuận nhanh và nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Thái Thuận, CEO của Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth thì lợi nhuận từ quỹ mở trong vòng năm năm tới chỉ trên dưới 5%/năm. Điều này không đáp ứng được kỳ vọng mức lợi nhuận 15 - 20%/năm mà nhà đầu tư lướt sóng mong muốn.

Ngoài ra, tính minh bạch trong quỹ mở cũng khiến nhiều người e dè. Trong thời buổi cạnh tranh giữa các quỹ và khả năng rút vốn dễ dàng của nhà đầu tư khi tham gia quỹ mở thì liệu các quỹ đầu tư sẽ công khai đến bao nhiêu phần trăm? Một số công ty quản lý quỹ mở đang chờ đón sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Mặc dù chưa ước tính được nguồn tiền từ các quỹ bảo hiểm hưu trí nhưng cũng như các công ty bảo hiểm nhân thọ, các nhà quản lý quỹ mở tin rằng quỹ hưu trí là một số tiền không nhỏ và khá ổn định cho các chiến lược đầu tư, giống như quỹ hưu trí ở thị trường Mỹ và nhiều nước phát triển khác.

Tuy nhiên, mô hình quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ và nhiều chuyên gia còn nhận định rằng trong năm 2015, có lẽ quỹ hưu trí cũng chưa thể hiện thực hóa. Hơn nữa, nhiều người tỏ ra e ngại việc sử dụng tiền hưu trí để đầu tư vào các quỹ mở nói riêng và chứng khoán nói chung, trong đó có chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. Ông cho biết nếu nguồn tiền từ quỹ hưu trí mà đổ vào chứng khoán sẽ đưa đến hậu quả khôn lường.

Có thể thấy hiện nay, việc phục hồi thị trường chứng khoán đã vô cùng khó khăn. Việc đổ thêm nguồn tiền hữu hạn vào thị trường này liệu có đảm bảo cho TTCK được khởi sắc hơn. Dù là quỹ hưu trí "tự nguyện" nhưng người dân đã vất vả cả đời để có được, thậm chí có người phải sử dụng số tiền đó để trang trải cuộc sống sau khi về hưu. Nếu việc đầu tư của nhà quản lý quỹ mở thất bại thì không ai khác người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự tách bạch giữa quỹ hưu trí tự nguyện với các loại quỹ mang tính đầu cơ kinh doanh…