Quỹ đầu tư 2015: Bận rộn tăng chất, đổi lượng

Nói đến quỹ ngoại, người ta thường nghĩ đến những thương vụ đầu tư vào DN lớn, CP đầu ngành. Nhưng, trong 2 năm qua đã xuất hiện những quỹ ngoại với xu hướng thực dụng và chấp nhận nhiều rủi ro hơn.

Mạo hiểm một cách… thực dụng

Xu thế lập quỹ mở trong năm 2013 tiếp tục được duy trì trong năm 2014, như một điểm nhấn của TTCK. Trong nửa đầu năm 2014, các quỹ mở như QĐT cổ phiếu (CP) Năng động Bảo Việt (BVFED), QĐT Năng động Eastsprings Investments Việt Nam (ENF)… đã chính thức hoạt động.


Thời gian tới sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư ra đời để đón cơ hội CPH các DNNN

Chỉ hơi "xui" cho các quỹ mở này là thời điểm giải ngân ước chừng nằm trong giai đoạn TTCK có một đợt biến động mạnh vào tháng 5 nên phải mất một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với thị trường. Với các QĐT nước ngoài, quý I cũng ghi nhận dấu ấn của các ETF trong các giao dịch trên sàn giúp cho giá nhiều CP diễn biến tích cực và thanh khoản thị trường tăng mạnh.

Một dấu ấn đậm nét hơn nữa là việc TTCK đã có một số phiên giảm mạnh vào giai đoạn nửa đầu tháng 5, do những căng thẳng trên biển Đông. Bất chấp những phiên gần như tất cả CP giảm sàn, khối ngoại vẫn tích cực mua ròng và cũng rất nhanh chóng thu được lợi nhuận trong những phiên hồi phục sau đó.

Trước đây, nói đến quỹ ngoại, người ta thường nghĩ đến những thương vụ đầu tư vào DN lớn, CP đầu ngành. Nhưng, trong hai năm qua đã xuất hiện những quỹ ngoại với xu hướng thực dụng và chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Các quỹ ngoại này thường có quy mô trung bình đến nhỏ, nguồn vốn chỉ trên dưới 20 triệu USD, hoạt động khá khép kín, sẵn sàng giải ngân vào những CP được đánh giá là rủi ro, thậm chí đang thua lỗ, có lỗ lũy kế, thanh khoản thấp, vốn điều lệ nhỏ…

Nếu tính từ năm 2013 đến nay thì chiến thuật này đã đem lại rất nhiều thành công, vì một loạt những CP từ mức giá đáy dưới 10.000 đồng/CP, thậm chí chỉ vài nghìn đồng/CP đã tăng gấp đôi, gấp ba. Hai nhóm CP tiêu biểu có thể kể đến là vận tải và vật liệu xây dựng.

Điển hình là HT1 chỉ có giá khoảng 5.000 đồng/CP với thanh khoản khá èo uột tại thời điểm cuối năm 2013, nhưng qua khá nhiều đợt sóng trong năm 2014 đã có lúc tăng lên đến gần 18.000 đồng/CP, tức là đã tăng khoảng 3,5 lần. Từ chỗ CP không mấy ai ngó ngàng, HT1 trở thành CP được khối ngoại chú ý và còn lọt vào rổ tính chỉ số của các quỹ ETF.

Minh chứng khác cho sự "thực dụng" của các QĐT là các thương vụ của Global Emerging Markets (GEM) vào các công ty như FLC, Đức Long Gia Lai (DLG), Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Trừ HAG là một tên tuổi lớn trên sàn, FLC cũng chỉ mới "nổi" gần đây, còn DLG đang trong giai đoạn tái cấu trúc hoạt động để vượt qua khó khăn. Cả FLC và DLG thậm chí còn được xem là CP nóng, mang đậm tính chất đầu cơ.

Sẽ có thắc mắc rằng tại sao QĐT cũng "chơi" hàng đầu cơ? Nhưng thực tế thì điều quan trọng nhất của đầu tư chính là lợi nhuận chứ không phải là hàng hóa như thế nào. Đặt trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) dành cho các quỹ, nhất là quỹ đóng bị thử thách đáng kể thì chỉ có lợi nhuận mới là giá trị bảo chứng quan trọng nhất, chứ không phải những thứ viển vông kiểu như giá trị, bài bản hay bền vững.

Những nhân tố mới

Cũng liên quan đến vấn đề thực dụng, sau một thời gian xuất hiện, quỹ BVFED vào cuối năm 2014 đã thay đổi chiến lược đầu tư của mình, thay vì chỉ tập trung cho rổ VN30, quỹ này đã tổ chức đại hội NĐT để tiến hành mở rộng quy mô. Theo đó, BVFED chỉ lấy một số CP trong rổ VN30 làm cơ sở và có thể lựa chọn những CP tiềm năng khác để giải ngân.

Các quỹ được xem là khá "mới" (so với các lão làng VinaCapital, Dragon Capital) như Asean Small Cap Fund hay Mutua Fund Elite vẫn đang hoạt động tích cực trên TTCK Việt Nam. Và nếu có thêm hàng hóa trên thị trường, nhất là những mặt hàng có chất lượng thì việc gia tăng số lượng QĐT và cả nguồn vốn là điều có thể dự báo được trong thời gian tới đây. Khá nhiều quỹ ngoại hiện nay hoạt động theo mô hình quỹ mở, nghĩa là ban đầu chỉ có khoản tiền "hạt giống" (seed money) tầm 10 triệu USD để chứng minh năng lực.

Nhưng khi đã có thành quả (track record) thì việc tăng thêm nguồn tiền sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Vậy nên khi TTCK càng hấp dẫn thì nguồn tiền lại đổ vào càng nhanh hơn.

Nửa cuối năm 2014 và trong năm 2015 có thể xem là giai đoạn tăng tốc của các QĐT trong nước để tạo ra những sản phẩm, những sự thay đổi. Với nhiều chuyên gia đầu ngành, NĐT nên để ý đến sự ra đời của các quỹ ETF dành cho NĐT trong nước, đặc biệt là E1VFVN30 (E1).

Trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách, kinh tế thế giới, tâm lý bi quan thì các bên xây dựng nên E1 đã có một chiến dịch quảng bá, chia sẻ thông tin liên quan đến ETF này khá bài bản và NĐT cũng đã nắm bắt được phần nào công dụng chứng chỉ quỹ này là: Khi nào muốn đầu tư chứng khoán mà chưa thể chọn cho mình CP ưng ý hoặc muốn "đặt cược" theo xu hướng của TTCK thì hãy mua ETF.

Có thể nói, mặc dù E1 ra đời vào một thời điểm TTCK không có diễn biến thật sự thuận lợi và không phải NĐT nào cũng sẵn sàng tiếp nhận nhưng cũng nói lên rất nhiều điều: Đó là nỗ lực từ các cơ quan quản lý, các định chế tài chính trên TTCK với quyết tâm gia tăng số lượng sản phẩm để phục vụ NĐT và thu hút những dòng vốn mới. Ngay giữa các QĐT với nhau, nhất là các quỹ nội cũng đã diễn ra một cuộc chạy đua "ngầm" trong việc thành lập các loại hình quỹ mới theo kiểu "anh có thì tôi cũng phải có".


Ông Fiachra Mac Cana

Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành CTCK HSC:

Thị trường 2015, yếu tố nước ngoài khá trọng yếu

Tranh luận lớn hiện tại là tăng trưởng GDP cho năm 2015 và khả năng tác động của việc doanh thu từ dầu giảm. Điều này, dĩ nhiên, phụ thuộc vào giả định đối với giá dầu bình quân và liệu chính phủ có lựa chọn cắt giảm sản lượng khai thác hay không.

Cùng lúc đó, tâm lý thị trường cho rằng, khả năng cắt giảm sản lượng khai thác là lựa chọn cuối cùng và là giải pháp cần xem xét cẩn thận. Do đó, giả định không giảm khai thác và giá dầu bình quân là 60 USD/thùng, khi đó HSC dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2015 sẽ là 6,2%.

Điểm đáng lưu ý nữa ảnh hưởng đến TTCK 2015 đó là giá dầu thô WTI tính đến hiện tại đã giảm 45% so với đầu năm và giảm 46% so với mức cao nhất vào cuối tháng 7/2014, còn 54,11 USD/thùng. Trong khi đó, giá bán buôn xăng Platt cũng đã giảm 42,9% tính đến hiện tại và giảm 39% từ mức cao vào đầu tháng 7/2014, còn 66,96 USD/thùng đối với A92 và 69,27 USD/thùng đối với A95. Giá xăng tại Việt Nam đã giảm 16,9-17,7% so với đầu năm.

Từ đây, một câu hỏi đặt ra là thị trường sẽ đi về đâu vào đầu năm tới? Thực tế, rủi ro thị trường kiểm tra lại các mức thấp gần đây đã tăng lên do lực mua vào không được duy trì. Chúng ta có thể xác nhận rằng TTCK Việt Nam thường chỉ chịu ảnh hưởng một phần từ các thị trường khu vực. Trong đó, một điểm chung là giá dầu thô giảm nhưng có một nhân tố nội tại riêng biệt là tiền đang bị rút khỏi thị trường.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng VN-Index sẽ dao động ở mức 510-540 trong những tháng tới. Tuy nhiên, nếu NĐT nước ngoài không mua vào trong tháng 1/2015 như thường thấy trong hai năm trước, thì có nguy cơ VN-Index sẽ giảm xuống dưới mốc 510, sau đó là xuống 450-460. Tuy vậy, mọi yếu tố đều là giả thiết. Chúng tôi cho rằng, điều này có ít khả năng xảy ra và kỳ vọng mốc 510 sẽ được giữ vững.

Ông Oh Kyung Hee

Ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCK KIS Việt Nam:

Dòng tiền đang tích lũy chờ cơ hội năm mới

TTCK Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động. Từ vị thế là thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất trong khu vực và thế giới, năm 2014 thị trường đã nhanh chóng trải qua đợt điều chỉnh kéo dài. Liên tiếp những thông tin không mấy lạc quan từ nền kinh tế vĩ mô như bất ổn về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng kinh tế thấp và kết quả kinh doanh kém khả quan của các DN niêm yết đã ảnh hưởng trực tiếp tới thanh khoản của thị trường.

Tuy nhiên, thị trường bất ngờ hồi phục nhanh trong tháng cuối cùng của năm 2014, điều này mở ra một cơ hội đầu tư mới trong năm 2015, chứng tỏ TTCK vẫn có sức hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Chúng tôi nhận định, 2015 vẫn là năm đầy thách thức đối với chứng khoán Việt Nam, trong bối cảnh các vấn đề nổi cộm của nền kinh tế hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Nền kinh tế còn chịu thách thức bởi tình trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các DN; đặc biệt tình trạng đóng băng trong lĩnh vực BĐS.

Thêm vào đó, sau những cú sốc kể từ khi giá dầu thế giới giảm, tâm lý NĐT vẫn chưa lấy lại trạng thái cân bằng, thể hiện qua dòng tiền tham gia thị trường đang yếu đi rõ rệt trong giai đoạn cuối năm, khiến cho quá trình hồi phục của các chỉ số trở nên khó khăn hơn.

Tuy vậy, NĐT cũng nên tin tưởng rằng, 2015 sẽ là năm gặt hái được kết quả trong việc xử lý những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng, tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, lạm phát tiếp tục ổn định. Qua đó, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước dần được khôi phục, họ sẽ quan tâm và tham gia thị trường nhiều hơn.

Đặc biệt, sự trở lại của khối ngoại là yếu tố cực kỳ quan trọng trên TTCK năm 2015. Với việc nhóm NĐT này quay lại mua ròng, đặc biệt là nhóm ngành dầu khí trong vài phiên trở lại đây, điển hình như GAS và PVD (vốn bị bán mạnh trong hơn một tháng qua) là một thông tin tích cực cho thị trường trong năm mới.

Nhìn chung, thị trường hiện nay gần như rơi vào trạng thái "lười" giao dịch. Tâm lý tích lũy "nghỉ ngơi" chờ những cơ hội mới vào năm sau có lẽ là một quyết định thích hợp thời điểm này. Đây là các yếu tố cần thiết giúp TTCK Việt Nam từng bước phát triển bền vững, khi đó hoạt động kinh doanh của các CTCK cũng sẽ được cải thiện.