Vận tải biển và khai thác kho nổi FSO đều tăng trưởng ấn tượng
Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT - HOSE) đã công bố BCTC quý III/2015 với KQKD không có nhiều bất ngờ và giống với những dự báo trước đó của VCBS trong Báo cáo cập nhật PVT.
Lợi nhuận trong quý III/2015 của PVT đã có sự sụt giảm đáng kể 31% so với cùng kỳ, chủ yếu do công ty ghi nhận chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá và không còn lợi nhuận cao bất thường từ việc thanh lý tài sản như Q3 năm trước. Tuy nhiên các mảng hoạt động chính là vận tải biển và khai thác kho nổi FSO đều tăng trưởng ấn tượng.
Về hoạt động vận tải biển, doanh thu mặc dù chỉ tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp tăng gấp 2 lần với biên lợi nhuận gộp tăng từ 10,1% trong quý III/2014 lên 19,2% trong quý III/2015 do Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ổn định, không phải dừng để sửa chữa bảo dưỡng định kỳ như năm trước (kéo dài từ tháng 5/2014 – tháng 7/2014), theo đó các tàu của PVT được thuê định hạn cho Tập đoàn PVN với giá cước cao hơn chạy bên ngoài.
Bên cạnh đó, hoạt động vận tải khí LGP tại công ty con GSP được cải thiện tốt khi giá cước đàm phán với Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng khoảng 8% từ quý III năm nay, đồng thời chi phí hoạt động được cắt giảm khi 2 tàu Hồng Hà và Việt Gas hết khấu hao từ năm 2015.
Về hoạt động khai thác kho nổi FSO, lợi nhuận gộp tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm trước với biên lợi nhuận tăng mạnh từ 4,1% lên 38,5% khi PVT có được thêm nguồn thu từ O&M (quản lý hoạt động và bảo dưỡng tàu FSO, FPSO) khi mà trước đó khoản này thuộc về công ty liên doanh PV Tec; Tàu mới FSO PVN Đại Hùng Queen hoạt động ổn định trong 3 tháng của quý III/2015 trong khi tàu cũ FSO Kamari đã dừng hoạt động từ tháng 8/2014, góp phần mang lại doanh thu và lợi nhuận cao cho PVT.
LNTT năm 2015 có thể đạt 488 tỷ đồng
Bộ phận Nghiên cứu – Phân tích VCBS đưa ra quan điểm tích cực về triển vọng của PVT trong 3 tháng cuối năm với sự tăng trưởng cao của hoạt động khai thác kho nổi FSO so với cùng kỳ năm trước (PVT không có lợi nhuận từ hoạt động này trong quý III/2014 sau khi bán tàu Kamari). Đồng thời với nhận định về tỷ giá giao dịch VND/USD sẽ tiếp tục trạng thái ổn định và không điều chỉnh thêm từ nay đến cuối năm, rủi ro về lỗ chênh lệch tỷ giá đối với PVT là không đáng kể.
Do đó VCBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2015 có khả năng đạt 488 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2014, cao hơn gấp 2 lần so với kế hoạch cũ hồi đầu năm và thấp hơn một chút so với kế hoạch đã điều chỉnh trong tháng 8/2015. Theo đó, EPS forward cho năm 2015 ở mức 1.341 đồng/CP và P/E forward là 8,4 lần, tương đối thấp hơn trung bình lịch sử của PVT.